(KTSG) - Doanh số bán lẻ trì trệ tại Trung Quốc đang buộc giới chức nước này phải triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy tiêu dùng, từ đó duy trì đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
- Tăng trưởng GDP và vốn FDI của ASEAN sẽ vượt Trung Quốc
- Doanh nghiệp sản xuất công nghệ thấp của Trung Quốc ngày càng khó khăn
Doanh số bán lẻ tại Thượng Hải lao dốc mạnh
Thượng Hải - thành phố lớn nhất Trung Quốc, mới đây đã công bố doanh số bán lẻ trong tháng 6 sụt giảm 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 6-2022. Kết quả này cũng là dấu hiệu cho thấy tiêu dùng nội địa vẫn còn yếu ở ngay tại trung tâm tài chính số một của đất nước.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Thượng Hải, trong khi tăng trưởng doanh số bán lẻ giảm ở tất cả các hạng mục trong tháng 6, doanh số bán nhu yếu phẩm hàng ngày và đồ dùng lâu bền giảm 13,5% là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm.
Kết quả kém khả quan của ngành bán lẻ đã ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế Thượng Hải. GDP của thành phố chỉ đạt mức tăng trưởng 4,8% trong nửa đầu năm, thấp hơn một chút so với tốc độ tăng trưởng 5% của cả nước, và mức tăng 5,4% của thủ đô Bắc Kinh.
Nhu cầu tiêu dùng trì trệ tại Trung Quốc
Xét trên phạm vi cả nước, mức độ suy yếu của doanh số bán lẻ là ít nghiêm trọng hơn so với Thượng Hải. Theo các dữ liệu mới công bố, doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 6 tăng 2%. Tính chung trong sáu tháng đầu năm, tổng doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 23.600 tỉ nhân dân tệ.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn bị đánh giá là yếu hơn nhiều so với mức 8,2% của cùng kỳ năm trước, và là một trong những nguyên nhân chính khiến kinh tế Trung Quốc trong quí 2 chỉ đạt mức tăng trưởng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức dự báo 5,1% mà các chuyên gia tham gia khảo sát của Reuters đưa ra.
Trước đó, một số dữ liệu khác được công bố cách đây vài tuần cũng cho thấy tính cấp bách của vấn đề mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất - theo dõi hoạt động của các công ty lớn, doanh nghiệp nhà nước, đã ghi nhận tháng giảm thứ hai liên tiếp trong tháng 6, phản ánh nhu cầu yếu của thị trường trong nước.
Ở chiều ngược lại, chỉ số PMI Caixin - phản ánh hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa định hướng xuất khẩu - lại cho thấy tăng trưởng sản lượng đạt mức cao nhất trong ba năm vào tháng 6.
Các kết quả trái ngược này cho thấy nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc đang chậm lại, ngay cả khi nhu cầu về các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc ở thị trường bên ngoài tăng lên.
Sự khác biệt này có ý nghĩa rất quan trọng vì Trung Quốc - công xưởng của thế giới - có thể sẽ phải đối mặt với nhu cầu toàn cầu thấp hơn trong thời gian tới, sau khi các biện pháp thuế quan thương mại của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực.
Bắc Kinh bơm 41,5 tỉ đô la để kích thích tiêu dùng
Để ứng phó với sự suy yếu của chi tiêu tiêu dùng, giới chức Trung Quốc mới đây cho biết sẽ phân bổ 300 tỉ nhân dân tệ (tương đương 41,5 tỉ đô la) vào trái phiếu chính phủ đặc biệt siêu dài hạn để mở rộng chính sách trao đổi và nâng cấp thiết bị hiện có. Chính sách này được Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia - Cơ quan hoạch định kinh tế Trung Quốc, và Bộ Tài chính phối hợp triển khai.
Theo đó, trợ cấp cho những người mua xe mới sử dụng năng lượng tái tạo sẽ tăng lên 20.000 nhân dân tệ, cao gấp đôi so với mức trợ cấp 10.000 nhân dân tệ được công bố vào tháng 4. Trợ cấp dành cho người mua xe mới chạy bằng xăng sẽ tăng từ mức 7.000 lên 15.000 nhân dân tệ.
Gói kích thích trên cũng đưa ra các khoản trợ cấp cho việc nâng cấp một loạt thiết bị, từ những thiết bị dùng trong nông nghiệp đến thang máy chung cư. Giới chức Trung Quốc lưu ý rằng khoảng 800.000 thang máy ở Trung Quốc đã được sử dụng trong hơn 15 năm và 170.000 trong số đó đã được sử dụng trong hơn 20 năm.
Chính sách mới cũng bao gồm các khoản trợ cấp cụ thể cho việc cải tạo nhà cửa và hỗ trợ người tiêu dùng mua tủ lạnh, máy giặt, tivi, máy tính, điều hòa không khí và các thiết bị gia dụng khác. Theo đó, mỗi người tiêu dùng có thể nhận được trợ cấp lên tới 2.000 nhân dân tệ cho một lần mua hàng ở mỗi danh mục hỗ trợ.
Bình luận về các biện pháp kích thích mới của Chính phủ Trung Quốc, ông Zong Liang, nhà nghiên cứu trưởng của Ngân hàng Bank of China, chia sẻ với CNBC rằng: “Chưa bao giờ có những biện pháp cụ thể đến mức như vậy” nhằm vào tiêu dùng.
Bên cạnh các biện pháp kích thích tiêu dùng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) mới đây cũng đã liên tiếp tiến hành các biện pháp cắt giảm lãi suất chủ chốt, đối với lãi suất repo đảo ngược kỳ hạn bảy ngày, lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn một năm và năm năm.
Thúc đẩy tiêu dùng - chìa khóa để đạt mục tiêu tăng trưởng
Theo các chuyên gia, những lo ngại về chi tiêu tiêu dùng mờ nhạt vẫn sẽ tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu tại Trung Quốc trong thời gian tới, đặc biệt là khi xuất khẩu không thể khỏa lấp các điểm yếu của nền kinh tế.
Trung Quốc hiện vẫn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng bất động sản, biến động của thị trường chứng khoán, những trở ngại địa chính trị và thách thức về nhân khẩu học. Sự bất ổn kinh tế đang góp phần làm suy yếu niềm tin người tiêu dùng và gia tăng tâm lý phòng ngừa rủi ro, dẫn đến xu hướng thận trọng trong chi tiêu. Điều này cũng góp phần vào vòng luẩn quẩn của áp lực giảm phát do mức tăng trưởng tiền lương và chi tiêu tiêu dùng chậm lại.
Nhà đồng sáng lập Trip.com, ông James Liang, mới đây đã kêu gọi Bắc Kinh cần phát hành nhiều hơn nữa các phiếu giảm giá tiêu dùng, trong khi Li Yang, người đứng đầu Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia (NFID) cũng đã cảnh báo về việc mức chi tiêu tiêu dùng ở Trung Quốc đang giảm dần.
“Áp lực thúc đẩy tiêu dùng là khá lớn”, Giáo sư kinh tế Liu Xiaoguang tại Đại học Nhân dân Trung Quốc (RUC) cho biết. Theo giáo sư Liu, thị trường nhà ở Trung Quốc vẫn chưa đạt được bước ngoặt rõ ràng và sẽ tiếp tục cần thời gian để phục hồi.
Nguồn: SCMP, CNBC, Bloomberg, Business Insider, Nikkei Asia