(KTSG) - Tuyên truyền và hướng dẫn người tiêu dùng về ủng hộ hàng trong nước là một quyết sách quan trọng để bảo vệ hàng nội địa. Các hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cùng có chung tiếng nói rằng cần có chính sách bảo hộ hàng nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trước các làn sóng hàng giá rẻ.
- Nếu hàng Việt muốn thắng trong thương mại điện tử xuyên biên giới
- Đến thời nhà mua hàng quốc tế gõ cửa mua hàng Việt
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao:
- Gần 30 năm trước, chúng ta đã có phong trào nâng cao chất lượng hàng Việt và đã đạt được sự ủng hộ nồng nhiệt của người Việt. Rồi cũng 15 năm trước, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng đang đặt cho doanh nghiệp câu hỏi khó: Tại sao chúng tôi phải mua hàng Việt?
Trong các cuộc họp chuyên gia của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (viết tắt là Hội), chuyên gia thị trường Phạm Trọng Chinh đã phân tích rằng “hàng Trung Quốc giá rẻ” trên các sàn hiện nay không phải hạng chất lượng bèo bèo như cách đây khoảng 15 năm. Thời điểm đó, khắp Đông Nam Á tràn ngập hàng Trung Quốc thượng vàng hạ cám, chất lượng kém với mức giá thấp khó tưởng tượng được. Bây giờ phải công nhận chất lượng hàng của họ khá hơn thật. Đặc biệt, con đường thâm nhập của hàng Trung Quốc giá rẻ bây giờ cũng khác xưa.
Trước đây, tại mỗi quốc gia Đông Nam Á (hoặc trên cả châu Á) có hàng chục ngàn doanh nghiệp thương mại nước sở tại chuyên đi nhập khẩu hàng Trung Quốc giá rẻ, trong đó có không ít hàng giả, hàng nhái, để về bán trong nước. Đây chính là kênh phân phối chủ yếu hàng Trung Quốc thời đó. Nhưng hiện hàng Trung Quốc được trợ sức bằng công nghệ và các nền tảng thương mại điện tử đã góp gió thành cơn bão mới. Công bằng mà nói thì các sàn cạnh tranh với nhau, góp phần lọc bớt ít nhiều hàng chất lượng kém.
Cơn sóng hàng giá rẻ cũng là thách thức của ngành thuế khi phải siết chặt kiểm tra việc làm ăn của doanh nghiệp Việt, nhưng cũng cần phải thu thuế hàng Trung Quốc nhập khẩu qua các sàn.
Anh Phạm Ngọc Hưng, một chuyên gia khác của Hội, đã đưa ra ba biện pháp. Một là, phải nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm, dược phẩm hay những mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe. Hai là, áp dụng cách làm của Nhật Bản là nâng tiêu chuẩn chất lượng của hàng Việt lên cao hơn hàng Trung Quốc, nhưng không quá khắt khe khiến nhà sản xuất nội địa đuối sức. Ba là, nâng cao vai trò truyền thông, quảng bá của hiệp hội, ngành hàng.
Riêng với nhà nước và các doanh nghiệp, tôi nghĩ đến các giải pháp quyết liệt và đồng bộ như sau. Đầu tiên là áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt hơn, tập trung quảng bá tinh thần tuân thủ các tiêu chuẩn và các điều kiện cụ thể để bảo vệ người tiêu dùng và các ngành sản xuất. Kế đến là tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, gồm hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và khả năng mở rộng thị trường. Tiếp theo là thúc đẩy các địa phương chú trọng nâng đỡ hiệu quả ngành sản xuất và công nghiệp địa phương. Cuối cùng, cũng như các quốc gia Đông Nam Á, chúng ta cần phát động chiến dịch “mua hàng địa phương”, vận động và giáo dục người tiêu dùng về lợi ích của việc hỗ trợ sản phẩm địa phương và trong nước.
Hội chúng tôi đã cùng với các hội khác như Hội Doanh nhân trẻ TPHCM (YBA) và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã thảo luận để cùng hợp lực cho những mục tiêu như đã nói.
Tiến sĩ Majo George, giảng viên cấp cao ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam:
- Đối với các doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đông Nam Á, sự gia nhập thị trường của Temu đặt ra một thách thức lớn. Khả năng hạ giá các nhà bán lẻ Trung Quốc trên Temu đã tạo ra áp lực rất lớn, buộc doanh nghiệp các nước sở tại phải thích nghi nhanh chóng. Nhiều nhà bán hàng (merchant) địa phương phải tập trung vào các chiến lược khác biệt hóa để tồn tại. Mức giá thấp có thể hấp dẫn người mua trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn lại làm suy yếu lòng tin và an toàn cho người tiêu dùng.
Để giảm thiểu các rủi ro liên quan đến sự mở rộng của Temu, Đông Nam Á cần áp dụng một chiến lược toàn diện và đa phương:
1. Tăng cường quản lý: Các chính phủ cần tăng cường và thực thi nghiêm ngặt các tiêu chuẩn sản phẩm để ngăn chặn sự xâm nhập của hàng hóa kém chất lượng. Điều này bao gồm thử nghiệm nghiêm ngặt, quy trình chứng nhận và yêu cầu dán nhãn chính xác đối với các sản phẩm nhập khẩu.
2. Quảng bá thương hiệu địa phương: Các thương hiệu địa phương nên được ủng hộ thông qua các chiến dịch tiếp thị có mục tiêu nhấn mạnh vào chất lượng, tính bền vững và sự liên quan đến văn hóa. Xây dựng lòng trung thành với thương hiệu mạnh mẽ sẽ rất quan trọng để cạnh tranh với mức giá thấp do các nền tảng nước ngoài như Temu cung cấp.
3. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cung cấp hỗ trợ tài chính, nâng cấp công nghệ và tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ giúp họ cạnh tranh hiệu quả hơn với các gã khổng lồ toàn cầu. Sự hỗ trợ này rất cần thiết để duy trì tính đa dạng và khả năng phục hồi của thị trường địa phương.
4. Giáo dục người tiêu dùng: Điều cần thiết là giáo dục người tiêu dùng về những rủi ro liên quan đến các sản phẩm kém chất lượng. Các chiến dịch nâng cao nhận thức có thể nêu bật tầm quan trọng của chất lượng, độ bền và giá trị lâu dài của việc hỗ trợ sản xuất tại địa phương. Một nhóm người tiêu dùng được thông tin đầy đủ có nhiều khả năng đưa ra quyết định mua hàng phù hợp với lợi ích và giá trị lâu dài của họ.