(KTSG) - Có thắng cảnh, có ý thức giữ gìn, thì không sợ đói. Một ngư dân nói với tôi, thật tự nhiên, khi tôi trong một quán cà phê sáng ọp ẹp ở làng chài Tân An (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) khi những chiếc thuyền cá đang cập bờ và bình minh đang dâng lên một màu cam huyền ảo sau đảo Hòn Yến.
- Sắc màu nhộn nhịp cho Hội An từ chợ phiên làng chài Tân Thành
- Đà Nẵng sẽ phát triển du lịch cộng đồng dựa vào làng chài
Hòn Yến là một đảo đá cách bờ chừng 400 mét, được tự nhiên khéo tạo hình từ những khối đá lớn làm nên hình dáng một cánh buồm vươn ra biển.
Cánh buồm du lịch vươn biển
Vài năm trước, khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ (chuyển thể từ truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) ra mắt, với cảnh quay là “phim trường tự nhiên” ở Phú Yên, thì du khách thập phương bắt đầu đặc biệt chú ý đến du lịch biển của tỉnh này. Khi đó, ngành du lịch Phú Yên tỏ ra thức thời, nắm bắt ngay sự lan tỏa của bộ phim để làm slogan cho du lịch địa phương mình: Phú Yên - xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh.
Người viết bài này đã đến Phú Yên vào thời điểm ngành du lịch bắt đầu đẩy mạnh truyền thông địa phương, trong một tour tàu lửa kết nối du lịch duyên hải miền Trung. Nhưng thực sự lúc bấy giờ mọi thứ chỉ ở bước đầu, chưa nhiều ấn tượng. Những cái tên như Bãi Môn, Hòn Yến, Bãi Bàng... lúc bấy giờ hãy còn xa lạ, hẻo lánh, chẳng có gì để dừng chân lâu.
Bây giờ thì đã khác. Nếu một du khách vào các trang đặt trước phòng lưu trú như Agoda, Booking.com... sẽ thấy hiện lên những gợi ý các homestay có tầm nhìn đẹp, những điểm check-in “đốn tim” và cả những nhà hàng, quán ăn địa phương chuyển mình từ dân gian thành hiện đại để đáp ứng nhu cầu du lịch. Còn những nơi phổ biến hơn như Gành Đá Đĩa và các điểm đến trong thành phố Tuy Hòa thì sẽ phát triển theo hướng dịch vụ đầu tư nâng cấp hơn.
“Xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh”, nếu nhìn từ câu chuyện một điểm đến từng “hẻo lánh” như Hòn Yến, sẽ thấy sự chuyển mình chậm nhưng hợp lý. Vẻ đặc thù của một làng biển, với những con đường nhỏ hẹp băng qua những ngôi nhà mái thấp, các gò cát ven biển vẫn cây cối um tùm, cảnh chợ cá vẫn như vậy hàng trăm năm, tưởng chừng chẳng có gì thay đổi. Vậy mà nếu để ý kỹ, thì trong mỗi ngày của mùa hè, có hàng chục chuyến xe taxi cỡ nhỏ chở du khách vào làng. Ban đầu, đường còn nhỏ nên hai chiếc xe con tránh nhau hơi lấn cấn, cũng gây khó chịu cho cư dân vùng biển vốn quen thong thả. Nhưng sau, mọi thứ đã thành quen.
Homestay mọc lên, dịch vụ du lịch biển mọc lên, chắc chắn sẽ thúc đẩy công việc, đời sống cho nhiều người. Hòn Yến không còn là một làng chài bị bỏ quên nữa. Một bờ kè biển được địa phương xây dựng, làm nơi cho ngư dân sắp xếp gọn gàng ngư cụ sau những chuyến đi biển. Không còn cảnh nhếch nhác tùy tiện ngày trước, bây giờ ngư dân được tuyên truyền về ý thức dọn dẹp vệ sinh đường sá, bãi biển để không chỉ giữ đất liền mà còn bảo vệ rạn san hô thuộc 22 loài, 7 họ sinh sống vây quanh vùng nước chân đảo rộng 12,7 héc ta. Bảo vệ rạn san hô và bờ biển sạch đẹp không chỉ giúp giữ gìn nguồn di sản quý giá mà thiên nhiên ban tặng, mà còn là phát triển sinh kế khi du khách đến với Hòn Yến ngày càng tăng.
Chứng nhận quần thể Hòn Yến là Danh thắng cấp quốc gia năm 2018 cũng là một cơ sở để người dân, địa phương cùng chung tay bảo vệ tài nguyên thiên nhiên bằng những việc cụ thể, và nhất là thu hút sự chú ý đầu tư nghiên cứu và bảo tồn từ bên ngoài.
Phát triển bền vững gắn với sinh kế cư dân
Một buổi sáng giữa tuần, quán cà phê nhỏ ở khu homestay bên bờ Hòn Yến liên tục đón khách lẻ, khách đoàn đến từ nhiều tỉnh thành, từ cao nguyên xuống, miền Nam ra, miền Bắc vào, và có cả du khách ngoại quốc. Mọi người ngồi nhâm nhi cà phê, thưởng thức bữa ăn sáng chế biến từ hải sản tươi vừa kéo lên từ ghe và ngắm mặt biển xanh trong.
Còn trên con đường dẫn xuống bờ kè biển, có thể thấy các bảng cắm nhắc nhở cộng đồng và du khách chung tay gìn giữ môi trường. Tại một trạm dịch vụ nhỏ ven đường, nhóm chừng mười thanh niên địa phương ngồi đón khách đi lặn biển ngắm san hô. Họ là nhân viên của một công ty du lịch cộng đồng vừa mới thành lập vào năm 2023. Các dịch vụ từ ngắm san hô, đi ghe thúng và ca nô tham quan Hòn Yến, Hòn Đụn, Gành Yến, Bàn Than và tắm ở Vũng Chơi... được thiết kế hợp lý trong chừng một buổi sáng.
Ngồi trên chiếc thuyền thúng có gắn máy chạy vòng quanh đảo Hòn Yến là một trải nghiệm thú vị. Trên mặt nước xanh thẳm, du khách có thể nhìn thấy rừng san hô và những đàn cá lớn ở tầng đáy. Ngước lên, trên những trụ đá cao hàng sáu, bảy chục mét bện, xoắn vào nhau tạo nên khối đảo, có thể thấy rất nhiều loài cây vươn thân ra biển, nhiều thảm xương rồng xanh nở hoa đỏ rực và nhất là có thể thấy cò, én về làm tổ. Những du khách nhỏ tuổi sẽ được tận mắt quan sát rừng san hô mềm nhiều màu sắc khi đeo kính, lặn biển...
Thảo, một ngư dân trẻ là thành viên của cộng đồng du lịch Hòn Yến, nói rằng vài năm trở lại đây, khách bắt đầu chú ý đến Hòn Yến và việc của anh không chỉ là lái thuyền thúng đưa khách tham quan quanh đảo mà còn đi dọn rác để giữ gìn mặt nước, bãi biển luôn sạch đẹp, bảo vệ rạn san hô dưới đáy biển. Người dân cũng không còn thói quen lên các đảo để bứng cây hay bắt yến. Hòn Yến đang được đưa vào diện chăm sóc và nâng niu để bảo tồn, ngay từ trong ý thức cộng đồng.
Làng biển thay đổi nhờ tìm thấy một chiều hướng chính sách phù hợp. Như dự án có tên “Nghiên cứu, xây dựng phương án tài chính mới bảo vệ hệ sinh thái san hô Hòn Yến” mà địa phương phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc thực hiện đã nhấn mạnh vai trò bảo tồn tài nguyên thiên nhiên phải đặt trên chính nội lực và ý thức của cộng đồng; gắn mục tiêu phát triển bền vững với nguồn sinh kế của cư dân.
“Tôi thấy hoa vàng... dưới biển sâu”, là cách nói của một du khách nhỏ tuổi trong đoàn chúng tôi sau chuyến lặn biển ngắm những cánh rừng san hô rực rỡ. Hòn Yến đã mang đến cảm giác tốt đẹp để một đứa trẻ quen với sách vở và tiện nghi ở đô thị có thể thốt lên những lời văn vẻ ấy.