Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tăng trưởng kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 7,21%

Thành Tín

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) trong 7 tháng qua đạt 7,21%, cao hơn bình quân chung của cả nước, đứng thứ 3/6 vùng kinh tế của cả nước và gấp 1,3 lần vùng Đông Nam bộ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương trong vùng ĐBSH cần kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án quan trọng trên địa bàn. Trong ảnh là tàu điện trên cao Nhổn-Ga Hà Nội mới được đưa vào vận hành. Ảnh: TTXVN.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ 4 tổ chức ngày 17-8, tại Hà Nội, theo TTXVN.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt được nhiều kết quả nổi bật, khẳng định vai trò vùng động lực, định hướng cho tăng trưởng nền kinh tế cả nước. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng trong 7 tháng qua đạt 7,21%, cao hơn bình quân chung của cả nước; đứng thứ 3/6 vùng kinh tế của cả nước và gấp 1,3 lần Vùng Đông Nam Bộ.

Để vùng Đồng bằng sông Hồng tiếp tục khẳng định vai trò vùng động lực kinh tế, trên cơ sở tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng, các bộ và địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của năm 2024 đã được giao tại kế hoạch hoạt động điều phối vùng năm 2024 của Hội đồng điều phối vùng vùng Đồng bằng sông Hồng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng tại Thông báo kết luận số 4869 ngày 21-6-2024.

Về ngân sách, tổng thu ngân sách Nhà nước trong vùng đạt 521.000 tỉ đồng, cao nhất nước, chiếm 41% tổng thu ngân sách Nhà nước. Giá trị xuất khẩu của vùng cũng đứng đầu cả nước khi đạt trên 80 tỉ đô la Mỹ, chiếm 35% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.

Bên cạnh đó, vùng có 29.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, chiếm 31% cả nước, tăng 3,39% so với cùng kỳ; 14.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, chiếm 32% cả nước, tăng 6,87% so với cùng kỳ; đứng thứ 2 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, sau vùng Đông Nam Bộ. Đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư công của vùng ước đạt 55.757 tỉ đồng, cao nhất cả nước, đạt 31,8% kế hoạch.

Sau khi ghi nhận đóng góp vào kinh tế-xã hội của cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của vùng ĐBSH.

Đó là chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh; khoa học, công nghệ chưa thật sự là động lực thúc đẩy phát triển; chưa hình thành được nhiều doanh nghiệp lớn, làm chủ công nghệ ở các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, sản xuất chip, chất bán dẫn... Các nội dung liên kết vùng quan trọng còn hạn chế; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội có nhiều tiến bộ nhưng chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới