(KTSG) - Giáo dục khởi nghiệp đang ngày càng được chú trọng tại nhiều trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại khiến kết quả đạt được chưa tương xứng với những nỗ lực đầu tư của Chính phủ và các trường đại học.
- Khởi động cuộc thi khởi nghiệp về công nghệ giáo dục
- Startup công nghệ giáo dục Việt Nam tự định vị hướng phát triển mới
Những năm gần đây, nhiều trường đại học và tổ chức giáo dục tại Việt Nam đã bắt đầu tích hợp nội dung giáo dục khởi nghiệp vào chương trình đào tạo của mình. Đại học Kinh tế Quốc dân mở thêm chương trình cử nhân Khởi nghiệp và Phát triển kinh doanh, Đại học Kinh tế TPHCM mở chương trình cử nhân Quản trị khởi nghiệp, trường Đại học Ngoại thương bổ sung thêm học phần khởi sự kinh doanh vào chương trình đào tạo...
Hoạt động này được xem là “hợp thời” trong bối cảnh khởi nghiệp sáng tạo ra nhiều thay đổi kinh tế xã hội toàn cầu. Ngay tại Việt Nam, câu chuyện khởi nghiệp thành công của những startup như VNG, Tiki, MoMo... cũng chứng minh cho tiềm năng khởi nghiệp trong nước và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ. Các doanh nhân khởi nghiệp thành công sẽ tạo ra việc làm và đóng góp vào GDP, đồng thời còn truyền cảm hứng và dẫn dắt các thế hệ trẻ để hướng đến sự phát triển bền vững.
Giáo dục khởi nghiệp là quá trình cung cấp kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để cá nhân có thể bắt đầu và điều hành một doanh nghiệp mới. Các hoạt động trong giáo dục khởi nghiệp thường bao gồm các lớp học về quản trị doanh nghiệp, phát triển sản phẩm, marketing, tài chính và chiến lược kinh doanh.
Những tồn tại trong giáo dục khởi nghiệp Việt Nam
Thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong đào tạo
Thách thức lớn nhất trong giáo dục khởi nghiệp tại Việt Nam là sự thiếu cân bằng giữa lý thuyết và thực hành. Nhiều chương trình đào tạo hiện tại tập trung quá nhiều vào lý thuyết, thiếu các hoạt động thực hành cụ thể. Sinh viên thường chỉ học qua sách vở và bài giảng mà không có cơ hội tham gia các dự án thực tế hoặc thực tập tại các doanh nghiệp khởi nghiệp. Điều này làm giảm khả năng áp dụng kiến thức vào thực tế, khiến sinh viên gặp khó khăn khi đối mặt với những thách thức thực tế trong việc xây dựng và điều hành doanh nghiệp. Một số trường như Đại học Kinh tế Quốc dân hay trường Đại học Ngoại thương đã cố gắng cải thiện bằng cách tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp và kết nối sinh viên với doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng chương trình như vậy còn ít và chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của tất cả sinh viên.
Hệ sinh thái khởi nghiệp còn yếu
Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay, các khu công nghệ cao tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng đã tạo ra môi trường làm việc thuận lợi cho các startup, cung cấp cơ sở hạ tầng hiện đại và kết nối với các nhà đầu tư và chuyên gia. Mặc dù có sự gia tăng của các trung tâm ươm tạo và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp nhưng số lượng và phạm vi hoạt động vẫn còn hạn chế so với nhu cầu ngày càng tăng. Hơn nữa, sự kết nối giữa các trung tâm ươm tạo, nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp còn yếu, khiến sinh viên khởi nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia và nhà đầu tư.
Việc tìm kiếm nguồn tài chính cho các dự án khởi nghiệp cũng là một thách thức lớn cho sinh viên và các nhà khởi nghiệp trẻ để triển khai ý tưởng của mình. Các chương trình gọi vốn cộng đồng như Kickstarter hoặc Indiegogo chưa phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Các nhà đầu tư mạo hiểm này thường yêu cầu các dự án đã có sự phát triển đáng kể, điều này tạo ra một rào cản lớn cho các nhà khởi nghiệp mới.
Nhận thức về khởi nghiệp còn thấp
Dù có nhiều tiến bộ nhưng nhìn chung khởi nghiệp vẫn là một khái niệm khá mới ở Việt Nam và nhiều người chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, mức độ phức tạp của quá trình khởi nghiệp. Văn hóa kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn thiên về sự an toàn và ổn định. Điều này dẫn đến việc chấp nhận thất bại và học hỏi từ thất bại chưa được coi trọng, làm giảm động lực và sự tự tin của những người muốn khởi nghiệp. Trong khi các quốc gia như Mỹ và Israel đã phát triển văn hóa chấp nhận thất bại và coi đó là cơ hội học hỏi, ở Việt Nam, thất bại thường được coi là dấu hiệu của sự kém cỏi hoặc thiếu may mắn.
Thiếu kinh nghiệm và kỹ năng quản lý
Nhiều sinh viên và các nhà khởi nghiệp trẻ chưa có đủ kinh nghiệm và kỹ năng quản lý để điều hành doanh nghiệp một cách hiệu quả. Các kỹ năng như quản lý tài chính, quản lý nhân sự, và xây dựng chiến lược kinh doanh chưa được đào tạo đầy đủ trong các chương trình giáo dục hiện tại. Một số dự án khởi nghiệp gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động do thiếu kinh nghiệm trong quản lý tài chính và vận hành. Việc này dẫn đến việc nhiều ý tưởng sáng tạo không thể triển khai thành công, mặc dù các ý tưởng này có tiềm năng lớn.
Một số bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực
Khi so sánh giáo dục khởi nghiệp tại Việt Nam với các quốc gia trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan có thể nhận thấy rõ sự khác biệt về mức độ phát triển và hiệu quả. Điểm giống là các quốc gia đều coi trọng giáo dục khởi nghiệp trong các trường đại học và cao đẳng, với sự chú trọng vào việc trang bị kiến thức cơ bản về kinh doanh và quản lý. Tuy nhiên các quốc gia trên có rất nhiều ưu điểm trong giáo dục khởi nghiệp để Việt Nam có thể học hỏi.
Xét về hạ tầng khởi nghiệp, Hàn Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng khởi nghiệp, bao gồm các trung tâm khởi nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm, và các trường đại học của họ tích hợp giáo dục khởi nghiệp vào chương trình học với sự kết nối mạnh mẽ với các doanh nghiệp.
Singapore đã phát triển các chương trình đào tạo khởi nghiệp rất chuyên sâu và thực tiễn, kết hợp với các tổ chức khởi nghiệp và doanh nghiệp. Hơn nữa, Singapore có một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh với các trung tâm ươm tạo, quỹ đầu tư, và các cơ sở hỗ trợ khác.
Chính phủ Thái Lan đã thực hiện nhiều chính sách để thúc đẩy khởi nghiệp có thể trở thành bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Thái Lan thành lập quỹ Đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia được quản lý bởi Cơ quan Đầu tư Thái Lan (Thailand Board of Investment - BOI) cung cấp vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup trong giai đoạn đầu hoặc chương trình Khởi nghiệp số được tổ chức bởi Bộ Kinh tế số và Xã hội (Digital Economy and Society Ministry), cung cấp các khóa học đào tạo về khởi nghiệp, quản lý và công nghệ.
Hiện nay, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Việc Nhà nước ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, Đề án “Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 1665), Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh viên trẻ có dự định khởi nghiệp tiếp cận vốn, thị trường và các dịch vụ hỗ trợ khác.
Hướng đi cho giáo dục khởi nghiệp tại Việt Nam
Đổi mới chương trình đào tạo: Đầu tiên, việc cải cách chương trình đào tạo tại các trường đại học là rất cần thiết. Chương trình học cần được thiết kế lại để tích hợp các hoạt động thực hành, như dự án thực tế và các buổi thực tập, nhằm cung cấp cho sinh viên những kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức áp dụng được trong môi trường khởi nghiệp. Các cơ sở giáo dục cần chủ động kết nối với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên trải nghiệm thực tế qua các hoạt động ngoại khóa. Điều này không chỉ giúp sinh viên áp dụng lý thuyết vào thực tiễn mà còn giúp họ xây dựng mạng lưới kết nối quan trọng trong ngành.
Xây dựng hệ sinh thái và vườn ươm: Tiếp theo, việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn thiện cần được chú trọng. Các cơ quan chính phủ và tổ chức tài chính phải tập trung vào việc đầu tư vào hạ tầng cần thiết cho khởi nghiệp hơn nữa, bao gồm các trung tâm ươm tạo và các quỹ đầu tư mạo hiểm. Trung tâm ươm tạo có vai trò cung cấp không gian làm việc chung, tổ chức các chương trình tư vấn và hỗ trợ tài chính cho các startup. Những trung tâm này không chỉ hỗ trợ về mặt vật chất mà còn cung cấp các dịch vụ tư vấn cần thiết, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua những giai đoạn khó khăn ban đầu. Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn cho các startup, giúp họ có nguồn lực tài chính để phát triển và mở rộng quy mô hoạt động.
Thay đổi nhận thức xã hội: Cuối cùng, thay đổi nhận thức xã hội và xây dựng văn hóa khởi nghiệp là một yếu tố không thể thiếu. Các tổ chức truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp lớn cần triển khai các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ để nâng cao nhận thức về khởi nghiệp. Những chiến dịch này nên tập trung vào việc khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, và tạo động lực cho cá nhân và nhóm dám thử sức với các ý tưởng mới. Điều này không chỉ tạo ra một môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp mà còn giúp xây dựng một nền văn hóa khởi nghiệp mạnh mẽ và bền vững trong cộng đồng. Để giáo dục khởi nghiệp tại Việt Nam thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự chung tay của toàn xã hội, từ Nhà nước, doanh nghiệp đến các trường đại học và mỗi cá nhân.
(*) Đại học RMIT Việt Nam