Thứ Sáu, 23/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Lượng hoá rủi ro trái phiếu doanh nghiệp để bảo vệ nhà đầu tư

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các chuyên gia kỳ vọng việc xây dựng đường cong lãi suất, dùng làm tham chiếu xác định trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được định giá đắt hay rẻ, cơ sở dữ liệu về tổ chức phát hành, lịch sử chậm trả nợ sẽ giúp nhà đầu tư hạn chế rủi ro khi đầu tư.

‘Điểm mờ’ thông tin trên thị trường trái phiếu

Nhắc tới thị trường TPDN Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Fiingroup thừa nhận từng gặp không ít nhà đầu tư “tay mơ” tham gia thị trường những năm gần đây. Điển hình là trường hợp một khách hàng là bác sĩ, từng chật vật tìm cách bán lại 7 tỉ đồng trái phiếu bất động sản cho đơn vị phân phối, bởi tin vào lời hứa “trái phiếu an toàn vì có cam kết mua lại bất cứ lúc nào”.

Tương tự, chị Thanh Hằng (Đống Đa, Hà Nội) hiện vẫn “ôm” lô trái phiếu trị giá 1 tỉ đồng, cùng nỗi lo không được hoàn đủ tiền gốc. Trước đó, chị chọn mua trái phiếu được phát hành bởi công ty con của một tập đoàn bất động sản lớn, với tâm lý “trái phiếu tập đoàn lớn, có tài sản đảm bảo thì yên tâm”. Với cơ sở này chị cũng mà bỏ qua các yếu tố như chất lượng tín dụng của doanh nghiệp, tính khả thi của dự án được huy động vốn, dòng tiền trả nợ, đơn vị bảo lãnh thanh toán.

Việc thiếu dữ liệu về doanh nghiệp phát hành khiến TPDN riêng lẻ vẫn là sản phẩm nhiều rủi ro với nhà đầu tư. Ảnh minh họa.

Thực tế, không chỉ có nhà đầu tư cá nhân, các nhà đầu tư tổ chức cũng đối mặt với nhiều rủi ro khi đầu tư vào TPDN riêng lẻ tại Việt Nam.

Bà Dương Kim Anh, Giám đốc đầu tư của VCBS cho biết, các quỹ nước ngoài luôn yêu cầu dữ liệu về trái phiếu, xác suất vỡ nợ của doanh nghiệp phát hành và đơn vị độc lập cung cấp dữ liệu đó, để tiến hành nghiệp vụ quản trị rủi ro. Nhưng hiện chỉ một số ít ngân hàng lớn có đủ dữ liệu về các khoản vay qua phát hành trái phiếu, thực tế trả nợ, để xây dựng mô hình tính toán xác suất vỡ nợ doanh nghiệp.

“Đây đều là dữ liệu nội bộ, không được phát hành rộng rãi tới số đông nhà đầu tư”, bà Kim Anh nói.

Bổ sung, ông Trần Phú Việt, Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển sản phẩm của FiinGroup cho biết, việc không đủ dữ liệu để để tính toán đường cong lãi suất, buộc nhiều đơn vị phải áp dụng công thức tính lãi suất trái phiếu theo hướng: lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng phần bù rủi ro bình quân (khoảng 2-5%). Phương pháp này khiến nhà đầu tư khó xác định giá trị thực của trái phiếu và lợi suất đầu tư tại thời điểm đáo hạn.

Ngoài ra, hầu hết bảng giá trái phiếu thường chỉ hiển thị giá “bẩn” (giá bao gồm lợi nhuận lũy kế). Chẳng hạn, nhà đầu tư mua trái phiếu được phát hành với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu và lãi suất danh nghĩa 10%/năm, thường kỳ vọng khoản đầu tư đem lại lợi suất tương đương lãi suất danh nghĩa tại thời điểm đáo hạn.

Nhưng doanh nghiệp phát hành khó khăn, giá trị giao dịch có thể giảm xuống 90.000 đồng, là mức giá sạch – là giá chưa bao gồm lợi nhuận lũy kế.

Như vậy, nhà đầu tư mua trái phiếu từ đầu sẽ ghi nhận một khoản lỗ nếu bán lại trên thị trường thứ cấp. Ngược lại, nhà đầu tư mua được trái phiếu với mức giá sạch trên thị trường thứ cấp có thể hưởng lợi suất cao hơn tại thời điểm đáo hạn.

“Nếu nhà đầu tư nhận đủ lãi và gốc trái phiếu đến hạn, thì đã mua được trái phiếu với giá được xem là rẻ hơn so với người sở hữu trước đó đã mua. Ngược lại, nếu doanh nghiệp tiếp tục yếu đi và không có khả năng thanh toán cho nhà đầu tư lãi và gốc thì trái phiếu đó lại thành đắt”, ông Việt nhấn mạnh

Cũng theo vị này, do không có đường cong lãi suất để tham chiếu, nhiều nhà đầu tư cá nhân cho rằng lãi suất danh nghĩa 10%/năm là hấp dẫn – cao hơn hai lần tiền gửi ngân hàng, nên thường nghĩ mình mua được trái phiếu giá rẻ, nhưng thực tế lại rất đắt nếu xảy ra rủi ro.

Cần thêm công cụ giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư

Thực tế, trong bối cảnh thị trường TPDN riêng lẻ gặp nhiều khó khăn, một bộ phận nhỏ nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ đã hưởng lợi lớn khi nhiều mã đạt nhận lợi nhuận khoảng 6-13% tính từ đầu năm tới nay và khoảng 10-17% tính theo kỳ hạn một năm. Trong đó, có nhiều mã do các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân lớn phát hành như VIC123029, MSN123008, CTG121030.

Theo ông Trần Phú Việt, sự việc này cho thấy việc theo dõi và đánh giá kỹ lưỡng về lợi suất đầu tư và các yếu tố rủi ro là rất quan trọng trong việc tận dụng cơ hội và hạn chế rủi ro. Để thực hiện điều này, nhà đầu tư có thể sử dụng bảng giá do các đơn vị tư vấn đầu tư, định giá, xếp hạng tín nhiệm có uy tín cung cấp, với các thông tin chi tiết như giá sạch, lợi suất…

Việc theo dõi và đánh giá kỹ lưỡng về lợi suất đầu tư và các yếu tố rủi ro là rất quan trọng trong việc tận dụng cơ hội và hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Ảnh minh họa: DNCC

Ngoài ra, mức giá giao dịch mọi trái phiếu nào đều phụ thuộc vào khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành tại thời điểm đáo hạn. Do đó, nhà đầu tư nên xem xét các tài sản đảm bảo và cấu trúc dòng tiền của trái phiếu để đánh giá khả năng trả nợ. Đồng thời, kiểm tra kỹ lưỡng thông tin về tổ chức phát hành với các yếu tố như xếp hạng tín nhiệm (rating), lịch sử thanh toán, tình hình tài chính tổng thể.

Hiện dữ liệu này có thể sẵn có trong mỗi ngân hàng, nhưng các chuyên gia cho rằng thông tin này cần được công bố bởi các đơn vị độc lập, như các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, để thị trường phát triển và có tham chiếu chung.

Trước đó, hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã phần nào giải quyết vấn đề minh bạch thông tin sản phẩm trái phiếu, tổ chức phát hành cho nhà đầu tư. Sở đã cung cấp các thông tin trước đợt phát hành, thông tin bất thường, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền, mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu, kết quả phát hành trái phiếu… trên chuyên trang thông tin về TPDN riêng lẻ.

Về yếu tố đường cong lãi suất, đại diện VCBS cho rằng nếu thực hiện xếp hạng tín nhiệm đầy đủ trên toàn thị trường, thì các bên sẽ nhìn nhận vấn đề rất rõ. Theo đó, tại các thị trường tài chính phát triển, lợi suất tới ngày đáo hạn của trái phiếu phụ thuộc vào kỳ hạn phát hành và kết quả xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành, thậm chí xếp hạng của chính lô trái phiếu được phát hành.

Như vậy, xếp hạng tín nhiệm cao thì lãi suất sẽ thấp, bởi tương ứng với đó là rủi ro vỡ nợ thấp. Ngược lại, xếp hạng tín nhiệm thấp thì lãi suất cao, vì rủi ro vỡ nợ cao.

Theo đại diện VCBS, khi đối chiếu với đường cong lãi suất chuẩn, doanh nghiệp phát hành sẽ biết mức lãi suất hợp lý dành cho mình là bao nhiêu, dựa trên kết quả xếp hạng tín nhiệm. Điều này góp phần gia tăng tỷ lệ thành công của mỗi đợt phát hành trái phiếu và tối ưu hiệu quả quản trị rủi ro của doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới