Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hàng ngoại nhập tăng sức ép, ngành chăn nuôi tăng nỗi lo

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các doanh nghiệp và người chăn nuôi đang lo lắng trước sự gia nhập các sản phẩm nhập khẩu từ nhiều nước khiến việc cạnh tranh ngày càng khó khăn, thậm chí kinh doanh thua lỗ.

Doanh nghiệp Ba Lan chế biến thịt bò để quảng bá sản phẩm tại Việt Nam. Ảnh: L.H

Sản phẩm ngoại tăng mạnh

Ông Damian Podniesinki, Giám đốc bán hàng của hãng thịt bò Mokobody, cho biết vừa làm việc với một số chuỗi siêu thị lớn ở Việt Nam và dự kiến sẽ đưa thịt bò từ Ba Lan vào tiêu thụ trong vài tháng tới.

Giám đốc hỗ trợ xuất khẩu của Trung tâm Hỗ trợ nông nghiệp Ba Lan, ông Piotr Kondraciuk cũng cho hay, các doanh nghiệp Ba Lan đang hoàn thiện thủ tục để xuất khẩu thịt bò sang Việt Nam vào cuối năm nay.

Hiện nay, 85% lượng thịt bò của Ba Lan xuất đi nhiều nước trên thế giới. Ngoài chất lượng cao và công nghệ bảo quản hiện đại, ông Kondraciuk hy vọng người tiêu dùng Việt sẽ đón nhận thịt bò nước này với giá cạnh tranh.

Mokobody là một trong số 30 doanh nghiệp thực phẩm và nông sản Ba Lan gần đây đến TPHCM xúc tiến thương mại, tìm nhà phân phối do Hiệp hội những nhà giết mổ, sản xuất và chế biến thịt của Ba Lan (SRW RP) tổ chức. Ngoài thịt bò, phía Ba Lan cho biết đang đẩy mạnh đưa thịt heo và thịt gia cầm vào Việt Nam.

Ông Tomasz Parzybut, Giám đốc SRW RP, cho rằng người dân Việt Nam ngày càng có thu nhập tăng cao và quan tâm đến sức khỏe, nên ưu tiên sản phẩm chất lượng cao. Đây là cơ hội cho thực phẩm đạt tiêu chuẩn toàn cầu như thịt bò Ba Lan tham gia thị trường Việt Nam.

Thực tế nhập khẩu thịt gia cầm và thịt heo của Việt Nam từ nước này đang tăng nhanh. Năm ngoái, các sản phẩm từ thịt heo và gia cầm đạt 143 triệu euro, tăng 43% so với năm trước đó. Riêng thịt gia cầm đông lạnh tăng 71%, đạt 42 triệu euro.

Không chỉ Ba Lan mà doanh nghiệp chăn nuôi nhiều nước trên thế giới cũng tăng cường đưa sản phẩm vào thị trường Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập thịt và các sản phẩm từ thịt từ hơn 40 nền kinh tế.

Ngoài Ba Lan, còn có Ấn Độ, Mỹ, Nga, Brazil, Hàn Quốc, Đức, Úc… đưa nhiều sản phẩm thịt vào thị trường hơn 100 triệu dân. Trong 5 tháng đầu 2024, Việt Nam nhập 304,85 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 596,93 triệu đô la Mỹ, tương ứng tăng 29% và 25,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lo chăn nuôi nội “teo tóp”

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 82 triệu đô la Mỹ. Có thể thấy, trong khi hàng nhập tăng mạnh, chăn nuôi vẫn phụ thuộc thức ăn nhập khẩu dù giá tăng, cả người nuôi lẫn doanh nghiệp rất khó khăn.

Thịt bò-heo ngoại ngày càng bán nhiều ở VN. ẢnH: L.H

Cụ thể với bò, giá bò hơi giảm mạnh và neo ở mức thấp từ năm 2022 tới nay khiến người chăn nuôi khó khăn nên giảm đàn, “treo chuồng” để tránh thua lỗ.

Theo tính toán các hộ chăn nuôi, một con bò thịt 3B nuôi hơn 1 năm mới bán được. Với chi phí giống ban đầu từ 18 - 20 triệu đồng, chi phí nhân công, thức ăn, thuốc thú y… thì giá bán bò thịt phải đạt mức 80.000 đồng/kg trở lên mới có lãi. Trong khi đó, giá bò hơi trong hơn 2 năm nay chỉ nằm ở mức 65 – 75.000 đồng/kg.

Các hộ chăn nuôi cho rằng, bò nhập ngoại vào Việt Nam quá nhiều trong thời gian qua dẫn đến nguồn cung vượt cầu là nguyên nhân chính khiến giá bò nuôi trong nước giảm mạnh. Giá bán ra thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng cao nên nuôi càng nhiều càng lỗ.

Tương tự, do hoạt động khó khăn, kém cạnh tranh và thua lỗ mà theo ông Nguyễn Thanh Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH SX-TM-DV chăn nuôi nông nghiệp Việt Úc, đàn bò nuôi và chế biến tại công ty hiện giảm 70% so với 2-3 năm trước.

"Người tiêu dùng muốn mua giá thấp trong khi thức ăn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong chăn nuôi lại phụ thuộc nguồn nhập đến 80%, dẫn đến chi phí sản xuất cao, khó cạnh tranh với sản phẩm nhập. Việc tiêu thụ thịt bò trong nước khó khăn khiến người chăn nuôi rất vất vả nhưng vẫn không có lãi mà còn bị thua lỗ nặng", ông Khuê cho hay

Tương tự với gà, nhiều trang trại và hộ nuôi gà ngụp lặn trong thua lỗ trong 6 tháng đầu năm nay và thời gian trước đó. Người nuôi gà công nghiệp lông trắng và gà đẻ trứng bán sản phẩm dưới giá thành sản xuất, chịu lỗ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do người nông dân ồ ạt nuôi. Cùng với đó, hàng lậu và hàng nhập khẩu lại tràn về với số lượng lớn dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.

Nói về khoản đang nợ 2 tỉ đồng và căn nhà giá 7 tỉ đồng phải bán để đầu tư vào trang trại gà ở Bình Phước, bà Nguyễn Thị Nga kết luận, khó cạnh tranh với nguồn nhập cũng như dịch bệnh bất ngờ. Không riêng bà Nga, nhiều nông dân nuôi gà "lỗ sặc gạch" vì tiền điện, tiền thức ăn, nhân công đều tăng… Hiện giá gà đã tăng lại, nhưng theo bà Nga chưa ổn định.

Đối với heo, tại "thủ phủ" chăn nuôi Đồng Nai, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh, chia sẻ hiện giá heo hơi ở mức 63.000 - 64.000 đồng/kg, giảm đáng kể so với lúc đỉnh điểm hồi tháng 5 là 70.000 đồng/kg.

Ngoài yếu tố dịch tả heo châu Phi phát triển trở lại ở một số địa phương thì một nguyên nhân khác là nhập khẩu thịt và các sản phẩm dạng thịt gia tăng.

Lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng cho rằng, nhập siêu sản phẩm chăn nuôi đang có chiều hướng tăng cao khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi trong nước đang bị yếu thế và thiệt thòi trên “sân nhà”, làm mất động lực đầu tư của doanh nghiệp và người chăn nuôi.

Có nên cần hàng rào kỹ thuật?

Các chuyên gia chỉ ra nguyên nhân thịt đông lạnh nhập chiếm lĩnh nhanh thị trường nội địa là ở khâu sản xuất, ngành chăn nuôi của Việt Nam vẫn manh mún, nhỏ lẻ. Từ con giống đến nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều lệ thuộc vào nhập khẩu khiến giá thành chăn nuôi trong nước cao hơn nhiều so với mặt bằng thế giới.

Ảnh: Lê Vũ

Đáng nói hơn, giá bán sản phẩm tại trang trại giảm, nhưng đến tay người tiêu dùng vẫn cao hoặc giảm ít. Điều này đẩy người tiêu dùng tìm đến những sản phẩm nhập cùng chủng loại có giá bán rẻ hơn.

Để cạnh tranh và hạn chế sản phẩm thịt nhập khẩu, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan cần phải có quy hoạch và đưa ra chiến lược chăn nuôi rõ ràng và phải thực hiện từ sớm. Trước mắt, cần xây dựng được hàng rào kỹ thuật đảm bảo ngang bằng với các nước phát triển thịt mới bảo vệ được sản phẩm trong nước.

Hiến kế thêm giải pháp kiểm soát sản phẩm thịt nhập khẩu, các doanh nghiệp chăn nuôi đề nghị các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh sản phẩm thịt không rõ nguồn gốc.

Bởi lẽ thời gian qua, nhập khẩu thịt và cả các mặt hàng phụ phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc bán tràn lan khắp nơi. Ngoài không đảm bảo an toàn, theo đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam, nếu không kiểm soát chặt nhập khẩu thì rủi ro dịch bệnh rất lớn, gây khó khăn cho sản xuất trong nước.

Theo ông Đoán, nếu không có biện pháp với nhập lậu và không kiểm soát chặt sản phẩm nhập chính ngạch, người chăn nuôi thua lỗ sẽ giảm đàn, bỏ chuồng trại. “Nếu nhập khẩu tiếp tục tăng thì ngành chăn nuôi trong nước rất khó khăn”, ông Đoán nói.

Trước đó, 4 hiệp hội gồm Hội Chăn nuôi, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn và Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm cũng đã cầu cứu Thủ tướng về tình trạng gặp nhiều khó khăn trước sản phẩm nhập khẩu gia tăng.

Theo các hiệp hội, trên thế giới các quốc gia đã tự bảo vệ ngành nông nghiệp, sản xuất của họ bằng xây dựng các hàng rào kỹ thuật.

Chẳng hạn, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản yêu cầu hàng hóa xử lý nhiệt lạnh với công nghệ phức tạp, chi phí cao. Hoặc mỗi nước trung bình chỉ cho phép 3-5 cửa khẩu được phép nhập khẩu vật nuôi sống, trong khi Việt Nam là 30 cửa khẩu.

Do đó, ông Đoán cùng các hiệp hội đề nghị Việt Nam mở cửa với thế giới nhưng cần sớm có các hàng rào kỹ thuật, chính sách thương mại để kiểm soát hàng nhập chính ngạch và có biện pháp ngăn hàng lậu nhập tràn lan.

Nếu không có biện pháp kịp thời và quyết liệt, các hiệp hội trong ngành chăn nuôi nhận định, chỉ 3-5 năm tới khi các dòng thuế quan của các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu về mức 0%, Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới