Thứ Hai, 26/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Các ngân hàng trung ương phương Tây đồng thuận hạ lãi suất

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lần đầu tiên, các ngân hàng trung ương của Mỹ, Anh và châu Âu cùng nhìn về một hướng khi phát tín hiệu sẽ hạ lãi suất trong những tháng tới. Dù vậy, thị trường vẫn chưa rõ tốc độ nới lỏng tiền tệ nhanh đến mức nào trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động đang của những nền kinh tế này đang có những dấu hiệu đáng lo ngại.

(Từ trái sang) Chủ tịch Fed Jerome Powell, Thống đốc Ngân hàng trung ương Canada, Tiff Macklem và Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh, Andrew Bailey trao đổi bên lề hội nghị chuyên đề kinh tế thường niên ở Jackson Hole, bang Wyoming, Mỹ hôm 23-8. Ảnh: Bloomberg

Tại hội nghị chuyên đề kinh tế thường niên ở Jackson Hole, bang Wyoming (Mỹ) trong tuần qua, các quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đưa ra những phát biểu báo hiệu, họ sẽ hạ lãi suất trong những tháng tới. Điều này đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ chi phí vay cao khi nền kinh tế toàn cầu thoát ra cuộc khủng hoảng lạm phát bùng lên sau đại dịch Covid-19.

“Đã đến lúc phải điều chỉnh chính sách tiền tệ”, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói tại hội nghị Jackson Hole hôm 23-8. Phát biểu này gửi đi tín hiệu rằng, Fed gần như chắc chắn hạ lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tháng Chín.

Việc ấn định thời điểm bắt đầu nới lỏng tiền tệ của Fed sẽ giúp nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới yên tâm thực hiện kế hoạch giảm lãi suất.

Tại hội nghị Jackson Hole, các thành viên Hội đồng thống đốc ECB gồm Olli Rehn, Martins Kazaks, Boris Vujcic và Mario Centeno đều bày tỏ ủng hộ giảm lãi suất trong tháng tới sau khi hồi tháng 6, ECB lần đầu tiên hạ lãi suất kể từ năm 2019.

Olli Rehn mô tả, tình hình giảm tốc lạm phát ở khu vực đồng euro (eurozone) đang đi đúng hướng. Ông cảnh báo, triển vọng tăng trưởng của eurozone, đặc biệt là ngành sản xuất, đang suy yếu.

“Điều này sẽ thúc đẩy quan điểm ủng hộ giảm lãi suất trong cuộc họp của ECB vào tháng Chín”, ông nói.

Trong khi đó, Mario Centeno đánh giá, với dữ liệu lạm phát và tăng trưởng suy yếu, quyết địnhh hạ lãi suất thêm một lần nữa của ECB trong cuộc họp tháng tới là điều dễ dàng.

Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của eurozone đang lo ngại hơn về tăng trưởng của khu vực này, vốn đã chững lại sau nửa đầu năm mạnh mẽ. Họ cũng lo lắng về tình trạng suy yếu của thị trường lao động nhưng ít lo ngại hơn về lạm phát. Dữ liệu gần đây cho thấy, so với mức đỉnh điểm, số lượng việc làm còn trống giảm khoảng 1/3 ở Mỹ và Anh, và giảm hơn 10% ở eurozone,.

Các quan chức ECB nhìn chung dường như đồng thuận về kế hoạch thực hiện hai đợt giảm lãi suất nữa trong năm nay, miễn là lạm phát vẫn trong xu hướng giảm xuống mục tiêu 2% trong nửa cuối năm 2025.

Hôm 23-8, cũng tại Jackson Hole, Thống đốc BoE, Andrew Bailey nhận xét, rủi ro lạm phát dai dẳng ở Anh đang dần lùi xa, dù cảnh báo vẫn còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng. Nhận xét này cho thấy, người đứng đầu BoE đang ngày càng tự tin hơn về triển vọng giảm thêm lãi suất trong những tháng tới.

Trong tháng này,  BoE lần đầu tiên hạ lãi suất sau bốn năm, từ mức 5,25% xuống 5%. Lạm phát giá tiêu dùng của Anh đã giảm từ mức cao nhất trong 41 năm là 11,1% vào tháng 10-2022, xuống mục tiêu 2% của BoE trong tháng Năm và tháng Sáu.

Nhưng đối với nhà đầu tư, tình trạng không chắc chắn và rủi ro vẫn còn. Cả ông Powell lẫn các quan chức của ECB và BoE  không đưa ra thông tin về việc họ sẽ hạ suất nhanh như thế nào trong những tháng tới. Người đứng đầu Fed chỉ lưu ý rằng, tốc độ giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế sắp tới. Ông phát tín hiệu, giờ đây Fed sẽ tập trung chú ý nhiều hơn vào thị trường lao động.

“Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để hỗ trợ một thị trường lao động mạnh mẽ khi chúng tôi đạt được tiến bộ hơn nữa trong việc ổn định giá cả”, ông nhấn mạnh.

Các quan chức Fed sẽ nhận được thêm một báo cáo việc làm và hai báo cáo lạm phát trước cuộc họp tiếp theo. Các nhà kinh tế trong cuộc khảo Bloomberg dự đoán, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ tăng lên 4,4% vào cuối năm nay. Điều này có thể khiến Fed phải cắt giảm nhanh hơn.

Các báo cáo nghiên cứu được trình bày tại hội nghị Jackson Hole cảnh báo, thị trường lao động Mỹ đang suy yếu rõ rệt. Nếu Fed giảm lãi suất với tốc độ chậm, điều này có nguy cơ khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lớn hơn nhiều.

Ông Raphael Bostic, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực Atlanta, cho biết, nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, Fed sẽ cần “hành động mạnh mẽ hơn”.

Các ngân hàng trung ương ở những nước khác như Canada, New Zealand cũng đang nới lỏng chính sách tiền tệ. Ngoại lệ lớn duy nhất là Nhật Bản, nơi ngân hàng trung ương bắt đầu bước vào chu kỳ siết chặt tiền tệ đầu tiên trong 17 năm qua.

Theo Bloomberg, Financial Times

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới