Thứ Ba, 27/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Sau điện, Việt Nam có kế hoạch mua than từ Lào

Công Phương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) –  Ngoài việc mua điện, Việt Nam cũng có kế hoạch nhập khẩu than từ Lào để đáp ứng nhu cầu trong nước. Để thúc đẩy mối quan hệ này, Bộ Công Thương đã khởi động quá trình xây dựng một Hiệp định thương mại hợp tác mua bán mua bán than với Lào.

Việt Nam đang tìm cách đa dạng hoá nguồn than nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Ảnh: EVN

Sáng ngày 27-8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc với các Tập đoàn, Tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản, cùng các đơn vị chức năng của Bộ để bàn về việc hợp tác mua bán than với Lào trong thời gian tới, theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương.

Mục tiêu của hiệp định này là đảm bảo nguồn cung cấp than ổn định cho Việt Nam, đồng thời hỗ trợ phát triển ngành than của Lào.

Theo quyết định kế hoạch cho sản xuất điện năm 2024 của Bộ Công Thương, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than cần cung cấp hơn 74,3 triệu tấn than cho sản xuất điện. Trong đó, ngoài nguồn cung trong nước, Việt Nam dự kiến nhập khoảng 26 triệu tấn than.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu than các loại của Việt Nam trong năm 2023 là đạt hơn 51 triệu tấn, tương đương hơn 7,1 tỉ đô la Mỹ. Về thị trường, năm 2023, Úc là nước cung cấp than lớn nhất cho Việt Nam với sản lượng gần 20 triệu tấn, tiếp đến là Indonesia, Nga.

Dù Lào đang có trữ lượng than lớn mà Việt Nam có thể nhập về nhưng việc mua bán giữa hai bên vẫn còn những hạn chế. Cụ thể, trong một cuộc họp có liên quan về vấn đề này, phía Vụ Dầu khí và Than cho biết, thời gian qua, hợp tác mua bán than với Lào vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng giao thông hạn chế, chi phí vận chuyển cao dẫn đến giá than nhập khẩu từ Lào cao, không đảm bảo tính cạnh tranh với giá than sản xuất trong nước hay than nhập khẩu từ các quốc gia khác….

Do đó, để đảm bảo sự phát triển bền vững của hợp tác năng lượng giữa hai nước, cần có những chính sách hỗ trợ từ phía Lào để thúc đẩy xuất khẩu than sang Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đầu tư thăm dò và khai thác than tại Lào, nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng dài hạn của cả hai nước.

Theo Bộ Công thương việc triển khai xây dựng Hiệp định thương mại hợp tác mua bán than với Lào là nhằm đảm bảo cho Việt Nam có nguồn cung than ổn định. Về lâu dài, Việt Nam có thể nhập khẩu 20 triệu tấn than mỗi năm từ quốc gia láng giềng này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới