Chủ Nhật, 1/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Khi tiểu lục địa trỗi dậy

Nguyễn Ngọc Trâm (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Ấn Độ đã bước vào cuộc đua mới về sáng chế và thương mại hóa các phát minh khoa học, công nghệ của giới nghiên cứu trong nước. Trung bình cứ mỗi ngày làm việc chính thức thì có tới 250 bằng sáng chế được cấp. Con số hồ sơ xin cấp quyền sở hữu trí tuệ tăng vọt là một minh chứng cho sự ưu tiên cao độ mà Ấn Độ dành cho công tác hỗ trợ tăng trưởng đổi mới.

Ông Unnat Pandit – Tổng giám đốc cơ quan Bằng Sáng chế, Thiết kế và Nhãn hiệu (sau đây gọi là Phòng Sáng chế Ấn Độ) – hồi tháng 4 vừa qua cho biết nước này đã cấp giấy phép cho khoảng 103.000 bằng sáng chế trong năm tài khóa 2023-2024, tức là trung bình cứ mỗi ngày làm việc chính thức thì có tới 250 bằng sáng chế được cấp.

Vị này còn khẳng định rằng cơ quan của ông không có khái niệm “trì hoãn” và luôn ưu tiên việc xử lý kịp thời các hồ sơ xin cấp bằng sáng chế được nộp lên, đồng thời đưa ra con số 40% số hồ sơ xin cấp bằng được giải quyết trong vòng 30 tháng kể từ thời điểm nộp.

“Sự khẩn trương này chính là yếu tố then chốt để “tạo ra giá trị kinh tế cho tài sản trí tuệ (IP). Không chỉ khoa học và công nghệ của Ấn Độ đang trên đà phát triển nhanh chóng mà công tác bảo hộ (quyền sở hữu trí tuệ) cũng có bước tiến ấn tượng không kém… Số lượng lớn đơn xin cấp bằng sáng chế chứng tỏ rằng giới nghiên cứu đã trở nên tin tưởng vào khả năng thương mại hóa các phát minh của họ trong nền kinh tế Ấn Độ”, ông Pandit nói.

Quân đoàn 100.000 khắp các lĩnh vực công nghệ

Không chỉ gây choáng ngợp về số lượng, chất lượng của các bằng sáng chế hiện có của Ấn Độ cũng nổi bật ở cả hai lĩnh vực, gồm 1. Công nghệ chủ chốt – tức những ngành công nghệ được coi là thiết yếu, có tác động thúc đẩy nhiều tiến bộ xã hội, kinh tế và khoa học như công nghệ máy tính, truyền thông điện tử, dược phẩm, năng lượng; 2. Các công nghệ tiên tiến mới nổi – những ngành còn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, thu hút được nhiều sự chú ý và thể hiện tiềm năng đạt được những thành tựu đáng kể trong tương lai gần; trong số này có thể kể đến máy học, xe điện, phương tiện lưu trữ năng lượng thế hệ mới.

Theo một ước tính, có đến một phần tư số bằng sáng chế được cấp trong năm 2023 là về máy tính hoặc công nghệ liên quan. Trong năm 2023, truyền thông điện tử và máy tính chiếm 31% tổng số bằng sáng chế được cấp. Còn đối với công nghệ mới nổi, cũng trong năm này số lượng bằng sáng chế cấp cho lĩnh vực máy học đạt xấp xỉ 6.000.

Rõ ràng, Ấn Độ không chỉ duy trì vị thế trong các ngành nước này vốn đã có tiếng vang như máy tính, dược phẩm mà còn hướng đến những lĩnh vực định hình tương lai, với hy vọng chúng sẽ có tác động lớn đến môi trường sáng tạo và công nghệ của Ấn Độ, thúc đẩy vai trò của nước này trở thành một trung tâm đổi mới và công nghệ trên phạm vi toàn cầu.

Theo dữ liệu do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố vào năm 2022, cứ 10 hồ sơ xin cấp quyền sở hữu trí tuệ thì có tới 7 hồ sơ đến từ châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, so với tỷ lệ chỉ 5/10 ở giai đoạn mười năm trước đó. Ấn Độ là một quốc gia có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự chuyển dịch này. Vào năm 2021, quốc gia này trở thành nước đứng thứ 6 trên thế giới về số lượng hồ sơ xin cấp bằng sáng chế, và rất có khả năng sẽ vươn lên vị trí thứ 4 chỉ trong thời gian ngắn. Số lượng hồ sơ xin cấp quyền sở hữu thiết kế cũng tăng 70% trong giai đoạn 2022-2023, đạt tốc độ tăng trưởng nhanh thứ 2 toàn cầu. Con số hồ sơ xin cấp quyền sở hữu trí tuệ tăng vọt là một minh chứng cho sự ưu tiên cao độ mà Ấn Độ dành cho công tác hỗ trợ tăng trưởng đổi mới. Nhìn chung, có được điều này là do chính phủ nước này đã sáng suốt ban hành một loạt các biện pháp và chính sách nhằm góp phần “kích hoạt” sự chuyển dịch ngành sở hữu trí tuệ theo hướng nội địa hóa và vun đắp văn hóa đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp.

Nhận thức đổi mới

Trong những năm gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã có những nỗ lực đáng chú ý nhằm cải thiện môi trường sở hữu trí tuệ trong nước. Kể từ khi ban hành Chính sách Quyền sở hữu trí tuệ quốc gia vào năm 2016, đã có nhiều sáng kiến được khởi xướng nhằm giảm bớt tồn đọng trong khâu xử lý hồ sơ xin cấp bằng sáng chế, quyền sở hữu nhãn hiệu bằng cách tuyển dụng thêm nhân lực và hiện đại hóa năng lực hành chính. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, các chủ thể quyền vẫn gặp phải nhiều sự trì trệ trong khâu xử lý hồ sơ. Nhận thức được khó khăn này, vào năm 2022, Hội đồng cố vấn kinh tế của Thủ tướng Ấn Độ (EAC-PM) đã công bố báo cáo mang tên “Lý do Ấn Độ cần khẩn trương đầu tư vào hệ sinh thái bằng sáng chế”.

Báo cáo đã khẳng định vai trò quan trọng của tài sản trí tuệ trong nền kinh tế quốc dân: “Một chế độ quyền sở hữu trí tuệ hoàn thiện là điều kiện cơ bản cho một nền kinh tế tri thức. Đổi mới công nghệ và nghiên cứu khoa học đòi hỏi phải có hệ thống bằng sáng chế mạnh mẽ. Ấn Độ đang chứng kiến sự bùng nổ các công ty khởi nghiệp và các “kỳ lân”, do đó một hệ thống quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả là điều kiện kiên quyết cho một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh”.

Báo cáo này, bên cạnh các báo cáo của Ủy ban thường trực về thương mại của quốc hội Ấn Độ, đã nêu bật một sự thay đổi đáng kể trong nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ của các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ. Họ nhấn mạnh vai trò thiết yếu của sở hữu trí tuệ trong việc thúc đẩy hoạt động kinh tế và đổi mới. Báo cáo của EAC-PM, cụ thể, kêu gọi rút ngắn thời gian giải quyết các hồ sơ xin cấp bằng sáng chế. Ngày 15-3-2024, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành Quy tắc bằng sáng chế sửa đổi bổ sung năm 2024, nhằm mục đích đơn giản hóa và hiện đại hóa thủ tục xem xét và cấp bằng sáng chế, cũng như tăng cường tính linh hoạt và hiệu quả trong hoạt động quản lý bằng sáng chế, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Những thay đổi đáng chú ý trong nội dung sửa đổi bổ sung năm 2024 đối với quy tắc bao gồm giảm bớt các bước nghiên cứu hồ sơ, quy định về nộp hồ sơ theo từng phần nhằm đẩy nhanh thời gian giải quyết và giảm tải các yêu cầu về bản mô tả sáng chế. Ngoài ra, những sửa đổi bổ sung về hồ sơ của các đơn vị nước ngoài, thời gian ân hạn, yêu cầu gia hạn, chứng chỉ phát minh và lệ phí duy trì hiệu lực bằng sáng chế hàng năm đã đánh dấu sự khắc phục triệt để trong khung pháp lý cho bằng sáng chế tại Ấn Độ.

Nhờ sở hữu đội ngũ lao động tay nghề cao và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, bên cạnh việc trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn đa quốc gia đang có nhu cầu khai thác thị trường mới, Ấn Độ còn là “thỏi nam châm” thu hút các khoản đầu tư khổng lồ cho nhiều ngành công nghệ cao cũng như công tác nghiên cứu và phát triển.

Ý thức được vị thế mới này của mình trên trường quốc tế, Ấn Độ đã tiến hành cải cách triệt để chế độ pháp lý trong nước về sở hữu trí tuệ để tạo sự an tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như tạo động lực cho các doanh nghiệp nội địa trên con đường trở thành những ông lớn toàn cầu và cần có tài sản trí tuệ phong phú để nâng cao sức cạnh tranh của họ. Điều này đã khiến hệ sinh thái sở hữu trí tuệ của Ấn Độ đạt được những bước tiến lớn để gần hơn với tiêu chuẩn sở hữu trí tuệ quốc tế và đưa nước này vươn lên trở thành “siêu cường” công nghệ và sở hữu trí tuệ mới trong tương lai.

(*) CEO IPGeekLabs

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới