Thứ Sáu, 6/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Các giải pháp xanh rất cần ‘vốn xúc tác’

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các giải pháp xanh, hay những câu chuyện cải tiến kỹ thuật, đóng vai trò rất quan trọng trong mục tiêu giảm phát thải carbon trong quá trình sản xuất. Nhưng thách thức lớn cần vượt qua không chỉ là yếu tố kỹ thuật, mà là “vốn xúc tác” để thúc đẩy sản phẩm từ phòng thí nghiệm đến thí điểm và thương mại hóa.

Cuối năm 2023, hàng loạt các công ty khởi nghiệp với những giải pháp kỹ thuật mới được vinh danh tại cuộc thi “Thách thức Net Zero 2023” do Quỹ Touchstone Partners và Quỹ Temasek Foundation và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS) tổ chức. Các giải pháp được gọi tên cuối cùng bao gồm Alterno (sản xuất hệ thống lưu trữ năng lượng nhiệt giá rẻ sử dụng pin cát), Forte Biotech (sản xuất các xét nghiệm chẩn đoán nhanh tại chỗ để phát hiện bệnh ở tôm), AirX Carbon (sản xuất vật liệu thay thế nhựa từ chất thải sinh học với chi phí cạnh tranh).

Cuộc thi năm thứ hai cũng vừa khởi động trong bối cảnh thị trường có thêm những cam kết mới, những hứa hẹn mới về tương lai từ phía nhà quản lý. KTSG Online có buổi trao đổi thêm với ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone Partners với danh mục tập trung thúc đẩy các công ty khởi nghiệp có sáng kiến công nghệ giúp nâng cao hiệu quả ngành, về sự chuyển động mới trên thị trường “khởi nghiệp xanh”.

Ông Trần Nhật Khanh, Nhà đồng sáng lập và Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone

KTSG Online: Thị trường các “giải pháp xanh” tại Việt Nam đang chuyển biến ra sao, thưa ông?

– Ông Trần Nhật Khanh: Có thể nói thị trường các giải pháp xanh tại Việt Nam đang trải qua những thay đổi tích cực, đặc biệt là nhìn từ cam kết của Chính phủ như mục tiêu Net-zero vào năm 2050, Nghị quyết 98 hay Quy hoạch Điện VIII. Ngay cả cộng đồng doanh nghiệp cũng có những cam kết về việc bảo vệ môi trường, chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững.

Những câu chuyện này góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy đầu tư vào các dự án năng lượng xanh. Các giải pháp xanh, từ năng lượng tái tạo đến công nghệ xử lý chất thải, phần mềm vận hành nông nghiệp thông kinh, tracking (theo dõi – PV) điện năng, cũng đang dần trở thành trọng tâm trong chiến lược phát triển dài hạn của nhiều doanh nghiệp.

Nghe có vẻ rất sôi động, nhưng còn những thách thức trong việc nhân rộng các giải pháp xanh là gì, đặc biệt là trong bối cảnh bức tranh kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn hiện nay?

– Một trong những thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp hiện đang đối mặt là vốn đầu tư và khả năng tiếp cận các công nghệ tiên tiến. Các giải pháp xanh, nhất là giải pháp công nghệ sâu và sản phẩm phần cứng, thường yêu cầu chi phí đầu tư ban đầu khá cao.

Một điểm cần chú ý nữa là nhận thức về các giải pháp này vẫn còn hạn chế trong một số ngành công nghiệp truyền thống, dẫn đến sự chần chừ trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Vấn đề thiếu hụt nhân lực có chuyên môn về lĩnh vực xanh cũng là một rào cản không nhỏ.

Giải pháp xanh thì có giá thành không rẻ. Ông có quan sát gì về sự chuyển động của dòng vốn này trên thị trường hiện nay?

– Ở vai trò là một trong các đơn vị đầu tư tiên phong cho các công ty khởi nghiệp mang đến tác động tích cực cho môi trường Việt Nam, chúng tôi nhận thấy có một khoảng cách lớn trong nguồn vốn hỗ trợ công nghệ giai đoạn đầu, đặc biệt là trong mảng công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sự thiếu hụt có thể kể đến như: không có đủ các nguồn tài trợ cho các nghiên cứu từ phòng thí nghiệm, để từ đó có thể thí điểm để thương mại hoá; cũng như không có nhiều các chương trình, cơ chế vay vốn cho các doanh nghiệp trong mảng này.

Đối với các giải pháp khí hậu, việc tiếp cận vốn xúc tác sẽ rất quan trọng cho sự phát triển trong giai đoạn đầu, nghiên cứu và phát triển, sau đó là mở rộng thị trường. Từ nguồn vốn xúc tác ban đầu, các startup cũng dễ dàng huy động thêm vốn không pha loãng từ các khoản tài trợ phi lợi nhuận, đóng vai trò giảm thiểu rủi ro cho khoản đầu tư ban đầu.

Trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo cấp cao TPHCM hồi cuối năm 2023, ông đã từng đề nghị thí điểm “sandbox” cho các giải pháp xanh. Câu chuyện pháp lý hiện nay là gì thưa ông?

– Ngoài các vướng mắc pháp lý liên quan đến giới khởi nghiệp nói chung, các công ty lĩnh vực xanh vẫn đang chờ Việt Nam công bố chính sách liên quan tới hệ thống phân loại tài chính xanh (green taxonomy).

Theo Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA), đây là hệ thống phân loại để xác định các hoạt động kinh tế và đầu tư, giúp thúc đẩy một quốc gia đạt được các mục tiêu môi trường ưu tiên cụ thể của quốc gia đó, ví dụ như giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Thị trường tín chỉ carbon cũng đang có những bước đầu thử nghiệm và theo kế hoạch năm 2025 chúng ta sẽ có phiên bản đầu tiên của thị trường này. Nghị Quyết 98 cũng là nền tảng để xây dựng phiên bản thí điểm cho thị trường carbon tại TPHCM.

Các doanh nghiệp, tổ chức sẽ có nhiều động lực hơn nếu có những cơ chế chính sách về green taxonomy và thị trường tín chỉ carbon, hỗ trợ nguồn thu nhập từ việc bán tín chỉ, hoặc bán được sản phẩm với giá cao hơn nếu đạt được các chỉ số cụ thể về môi trường, phát triển bền vững.

Trước hay sau gì thì tiêu chí “xanh” cũng thành một chuẩn mực để đưa các sản phẩm ra thị trường. Do đó, các doanh nghiệp nên có chiến lược “xanh hóa” sản phẩm để hoà nhập với xu hướng của người tiêu dùng và thế giới.

Vậy chúng ta nên có giải pháp gì về vốn, thưa ông?

– Để kêu gọi thêm nhiều vốn hơn trong mảng kinh tế xanh, các nhà sáng lập cần đi sát với nhu cầu thị trường và mô hình kinh doanh cũng cần được định hướng dựa theo các quy định, chế tài mới. Đây cũng là một trong những sự hỗ trợ chúng tôi muốn mang lại cho các nhà sáng lập.

Sự thiếu hụt về nguồn vốn xúc tác như đã nêu ở trên, cũng là một trong những động lực chính để chúng tôi tổ chức Thách Thức Net Zero hàng năm cùng với Temasek Foundation và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS). Chúng tôi muốn đây là sự kiện thường niên và là cầu nối bù đắp cho những thiếu hụt này.

Nhìn xa hơn, Touchstone cũng mong muốn hướng tới việc thiết lập nền tảng mở cho khởi nghiệp xanh, giúp các bên liên quan trong lĩnh vực công nghệ chống biến đổi khí hậu có thể hỗ trợ và hợp tác hiệu quả.

Có thể hiểu nôm na là khi doanh nghiệp cần giải quyết vấn đề nào trong chuỗi cung ứng, họ có thể đưa ra yêu cầu và kết nối với nhiều công ty khởi nghiệp cung cấp giải pháp thông qua nền tảng này. Cách làm này cũng đồng thời kết nối các tập đoàn sở hữu các công nghệ xanh, hỗ trợ các nhà sáng lập huy động thêm nguồn vốn xanh, từ đó có thể giúp công nghệ khí hậu giai đoạn đầu tại Việt Nam có thể nhanh chóng phát triển ở quy mô lớn.

Xin cảm ơn ông!

‘Ba nhà’ cùng bàn cách tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero

Những chuyển động mới của Chính phủ, doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến trình Net Zero, nguồn vốn để phát triển kinh tế xanh, hành trình chuyển đổi, xây dựng thị trường xanh của doanh nghiệp… là các vấn đề sẽ được nhà chuyên gia, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp cùng thảo luận tại sự kiện Phát triển bền vững 2024 với chủ đề “Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero”, do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức vào ngày 19-9 tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới