Thứ Ba, 10/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tiền mặt dôi dư, doanh nghiệp Nhật tìm kiếm các thương vụ M&A lớn ở nước ngoài

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm cách thu mua và sáp nhập (M&A) các công ty lớn hơn ở nước ngoài khi nguồn tiền mặt dư dôi hơn 4.200 tỉ đô la. Thị trường nội địa chật hẹp buộc các doanh nghiệp Nhật Bản phải tìm các mục tiêu tăng trưởng ở bên ngoài thông qua các thương vụ M&A.

Trong năm 2023, các doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện khoảng 660 thương vụ M&A ở nước ngoài, tăng 6% so với năm trước đó. Ảnh: AP

“Nhìn chung, nhu cầu các công ty Nhật Bản chuyển ra nước ngoài thực sự không thay đổi về cơ bản. Nhưng trong vài năm qua, chúng tôi nhận thấy các giao dịch đang trở nên lớn hơn. Vì vậy, tôi nghĩ rằng khát vọng phát triển cũng như đầu tư của các công ty Nhật Bản đã trở nên lớn hơn nhiều”, Yoshinobu Agu, giám đốc bộ phận M&A của Citi ở Tokyo nói.

Mỹ là điểm đến được ưa chuộng

Theo hãng dữ liệu Recof Data, doanh nghiệp Nhật Bản đã thực hiện khoảng 660 giao dịch M&A ở nước ngoài trong năm 2023, tăng 6% so với năm trước đó. Khoảng 1/3 giao dịch là ở Mỹ, phản ánh gu hay khẩu vị của các công ty Nhật với xứ này. Anh đứng thứ hai với 44 thương vụ, Singapore 42 giao dịch và Ấn Độ với 34 thương vụ.

Về giá trị giao dịch, các thương vụ M&A ở nước ngoài đạt tổng cộng 50,5 tỉ đô la trong năm 2023, tăng khoảng 7% so với năm trước đó, theo S&P Capital IQ Pro.

Một trong những thương vụ M&A lớn nhất gần đây là hãng thép hàng đầu Nippon Steel chi khoảng 14 tỉ đô la để thu mua U.S. Steel. Tuy vậy, bầu không khí chính trị trước kỳ bầu cử tổng thống tháng 11 sắp tới đã ảnh hưởng đến quá trình hoàn tất thương vụ.

Các giao dịch lớn tiếp theo trong Top 5 gồm: Panasonic Connect mua lại hãng quản lý chuỗi cung ứng Blue Yonder Group Inc.- hãng con độc lập thuộc Panasonic ở Mỹ – với giá 7,1 tỉ đô la.

Hãng chip Renesas Electronics mua lại công ty phần mềm Altium của Úc với giá 5,9 tỉ đô la (9,1 tỉ đô la Úc) trong giao dịch hoàn toàn bằng tiền mặt. Renesas cũng chi 5,7 tỉ đô la để mua hãng chip liên doanh Dialog Semiconductor giữa Anh và Đức.

Cuối cùng, hãng xây dựng nhà ở Sekisui House mua lại công ty xây dựng nhà ở MDC Holdings của Mỹ, với giá 4,9 tỉ đô la.

Tuy vậy, nhìn chung thị trường M&A nội địa ở Nhật Bản vẫn đạt quy mô nhỏ so với các thị trường phát triển khác. Cải cách quản trị doanh nghiệp do chính phủ lãnh đạo đã tạo nên sự bùng nổ mới trong các giao dịch M&A.

Hồi tháng 1-2024, Sở giao dịch chứng khoán Tokyo bắt đầu công bố tên của các công ty đã chia sẻ kế hoạch cải thiện các chỉ số hiệu quả vốn và định giá. Trước đó, tháng 8-2023 Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp (METI) đã phác thảo các hướng dẫn nhằm thúc đẩy hoạt động M&A. METI nhấn mạnh rằng các chiến thuật phòng thủ của doanh nghiệp Nhật Bản nhằm ngăn chận các đề nghị thu mua nên được hạn chế và các đề nghị mua lại nên được doanh nghiệp Nhật xem xét một cách nghiêm túc.

Tìm kiếm các thị trường tiềm năng

Các công ty Nhật Bản đang tìm kiếm mục tiêu tại những nơi có nền kinh tế tăng trưởng và dân số trẻ, theo Akihiro Kido, giám đốc M&A tại hãng chứng khoán Mizuho Securities. Ông cho rằng “khẩu vị” với các thương vụ ở Trung Quốc vẫn chưa hồi phục. Kido nói doanh nghiệp Nhật xem nền kinh tế Mỹ, Đông Nam Á và Ấn Độ có tiềm năng và cũng nhiều cơ hội hơn.

Tại Mỹ, các công ty Nhật Bản có xu hướng theo đuổi các vụ mua lại 100% vì thị trường minh bạch. Tại Đông Nam Á và Ấn Độ, công ty Nhật chỉ muốn chiếm cổ phần thiểu số vì họ muốn khai thác mạng lưới kinh doanh và mối quan hệ với chính quyền của các giám đốc điều hành địa phương.

Masuo Fukuda, phó chủ tịch kiêm giám đốc ngân hàng đầu tư tại Citi ở Tokyo cho biết, đồng yen yếu đã không kiềm hãm các hoạt động M&A ở nước ngoài của các công ty Nhật Bản, bởi các giao dịch như vậy đã trở nên “mang tính chiến lược nhiều hơn”. Bất kể biến động tiền tệ, tất cả sẽ thấy mức độ M&A tăng bền vững.

Bởi vốn không phải là vấn đề chính đối với các công ty Nhật Bản.

Theo Bộ Tài chính, các công ty Nhật Bản, không bao gồm các tổ chức tài chính, đã có mức dự trữ tiền mặt kỷ lục là 600.900 tỉ yen (4.200 tỉ đô la) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2024 vừa rồi.

Takashi Ohara, đối tác tại hãng tư vấn Bain & Co. ở Tokyo, cho rằng các công ty Nhật Bản giàu tiền mặt “đến mức chính phủ và các nhà đầu tư đều đang gây áp lực để thực hiện các giao dịch”.

Agu của Citi cho biết, điều quan trọng là các công ty Nhật Bản phải thể hiện sự tiến bộ để duy trì đà tăng trưởng của các thương vụ M&A. “Hiện tại, các công ty Nhật Bản nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các nhà đầu tư. Nếu điều đó không xảy ra, đó có thể là một rủi ro tiềm ẩn đối với hoạt động M&A tại Nhật Bản. Điều quan trọng, đặc biệt là đối với các công ty lớn, là không được mất lòng tin từ các nhà đầu tư”, Agu nhận định.

Theo Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới