(KTSG Online) - Bên cạnh nỗi lo các thị trường xuất khẩu chủ lực còn đối diện với khó khăn kinh tế, doanh nghiệp đồ gỗ còn gặp thách thức với việc chuyển đổi để đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu cùng với đơn hàng cạnh tranh giá bán thấp.
- EuroCham kêu gọi Việt Nam hoàn thiện hành lang pháp lý chuyển đổi xanh
- Việt Nam hướng tới mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỉ đô năm 2025
Áp lực tối ưu hóa chi phí để cạnh tranh
So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,7 tỉ đô la Mỹ trong 7 tháng đầu năm tăng 25% được đánh giá là mức tăng cao hiện nay. Do đó, nhiều người cho rằng thị trường đồ gỗ đang “ấm dần lên”.
Tuy vậy, các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành cho là thị trường này vẫn chưa tốt. Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) Đỗ Xuân Lập, thực tế là các nhà nhập khẩu chỉ mua tích trữ trong kho.
"Sau thời gian dài giảm nhập hàng vào năm ngoái, giờ tồn kho giảm thì nay họ mua thêm hàng để phòng trừ nhiều yếu tố, trong đó, có yếu tố cước vận tải tăng giá”, ông Lập lưu ý, và nói: "Sản xuất tăng nhưng bán thì không tăng, xu hướng thị trường là không bền vững".
Cũng cho rằng thị trường còn nhiều khó khăn, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, nói thêm doanh nghiệp gỗ còn đang đối mặt với tình trạng yêu cầu giảm giá từ nhà nhập khẩu, dẫn đến biên lợi nhuận giảm sâu.
Điều này buộc doanh nghiệp phải tìm cách tối ưu hóa sản xuất, trong đó đầu tư công nghệ và chuyển đổi số giúp giảm đáng kể chi phí, tăng năng suất lao động...
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty Lâm Việt, chia sẻ sau khi đầu tư phần mềm thì lực lượng quản lý của công ty chỉ còn 30 so với 90 người trước đây. Không chỉ giảm chi phí về nhân sự, mà lợi ích lớn hơn là lãnh đạo công ty có dữ liệu để hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch sản xuất...
"Phần mềm quản trị toàn diện từ kho đến giá thành, dòng tiền, nhân sự... Nếu thiết bị của nhà máy hư hỏng, phần mềm sẽ báo ngay hư cái gì để sửa chữa”, ông Liêm nói.
Nhờ tính năng dự báo năng suất và tối ưu hóa của hệ thống đã giúp Lâm Việt chủ động phòng tránh giao hàng trễ hạn, tăng uy tín với khách hàng, từ đó công ty có được nhiều đơn hàng từ các nhà nhập khẩu lớn.
Tương tự, theo ông Trần Anh Vũ, Phó trưởng phòng logistics Công ty Xây dựng Kiến trúc AA, khoản đầu tư hơn 40 tỉ đồng cho phần mềm SAP cho thấy nhiều lợi ích như quản lý tới tận chân công trình, quản lý được từng sản phẩm và tạo ra được sự thúc đẩy tiến độ công việc trong nội bộ công ty. Không còn tình trạng công việc bị dồn ứ hay việc thất lạc hàng hóa; sai sót về công việc cũng giảm xuống mức thấp nhất…
"Việc sử dụng máy móc tự động, phần mềm kỹ thuật số có thể thay thế 45% lao động thủ công, qua đó tăng năng suất ít nhất 30-40%", ông William Pang, CEO Pablo Publishing & Exhibition, nói và cho rằng "Chuyển đổi số bây giờ không còn là phong trào nữa, mà các doanh nghiệp ngành gỗ phải thực hiện để tăng tính cạnh tranh".
Tuy nhiên, với kinh nghiệm 15 năm hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hệ thống quản lý và chuyển đổi số, ông Hà Tất Thắng, Giám đốc Công ty Techworld Solutions Vietnam, đánh giá số lượng doanh nghiệp ngành gỗ đầu tư vào chuyển đổi số rất thấp. Nguyên nhân do đa phần các doanh nghiệp trong ngành có quy mô nhỏ và chủ yếu làm hàng gia công.
Các chuyên gia cũng chỉ ra ngành gỗ có những đặc thù về quy trình sản xuất nhiều công đoạn, mỗi loại nguyên liệu, phụ liệu cũng có nét đặc trưng riêng, cần yếu tố về mỹ thuật, nghệ thuật… nên việc chuyển đổi số phức tạp hơn.
Còn theo lý giải của các doanh nghiệp, nguyên nhân là chi phí ban đầu bỏ ra lớn; năng lực công nghệ và đội ngũ nhân sự chưa đáp ứng được chuyển đổi số.
Thông thường một dự án chuyển đổi số cần khoảng 5 năm để thu hồi vốn và một doanh nghiệp có quy mô khoảng 1.000 công nhân sẽ có mức chi phí khoảng 10-15 tỉ đồng. Với xu thế chi phí nhân công tăng và giảm gia công..., theo ông Thắng, doanh nghiệp nên sớm bắt tay vào các ứng dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.
Cấp thiết chuyển đổi xanh
Ngoài những khó khăn trên, ngành đồ gỗ còn đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới do các thị trường đòi hỏi ngày càng cao về tính bền vững, thân thiện với môi trường.
Nhiều doanh nghiệp gỗ cũng đã và đang lấy sản xuất xanh làm chiến lược và lợi thế cạnh tranh. Theo đó, các doanh nghiệp liên tục đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Đơn cử tại Công ty Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (Bình Định) sau khi đầu tư hệ thống sấy nhiệt hơi nước thay thế lò sấy dùng bóng đèn hồng ngoại giúp lượng điện năng tiêu thụ tiết kiệm được 3/4.
Bên cạnh sử dụng nguồn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng trong sản xuất, phần lớn doanh nghiệp còn đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo như một hành động thiết thực cho sản xuất bền vững hơn.
Với dàn pin năng lượng mặt trời, hơn 3 năm qua, chi phí tiền điện tại nhà xưởng gỗ Tiến Đạt giảm từ 20-25 tỉ đồng/năm xuống còn 13-15 tỉ đồng/năm. Còn hệ thống điện mặt trời tại nhà máy gỗ Tây Ninh, với công suất 1,17 MWp, giúp nhà máy giảm phát thải hơn 1.000 tấn CO2 mỗi năm...
Việc sử dụng điện mặt trời không chỉ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh mà còn là điều kiện không thể thiếu trong quá trình hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp than bị vướng về thủ tục đấu nối nguồn điện mặt trời vào hệ thống lưới điện quốc gia. Điều này vừa mất cơ hội giảm khoảng 30% tiền điện mà còn mất cơ hội nhận các chứng chỉ xanh, giảm phát thải carbon…
Mặt khác, thời gian gần đây, các quy định về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm được các thị trường tiêu thụ đồ gỗ lớn đưa ra ngày càng chặt chẽ, chi tiết hơn. Câu chuyện cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC), chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (COC) dù không mới nhưng vẫn còn mang tính thời sự.
Đối với thị trường EU, quy định về không gây mất rừng và suy thoái rừng (EUDR) sẽ có hiệu lực vào tháng 12-2024. Các doanh nghiệp xuất sang EU đang gặp vướng mắc khi các nhà nhập khẩu EU liên tục yêu cầu họ cam kết tuân thủ EUDR. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thực thi.
Bên cạnh đó, từ năm 2027, hàng hóa đưa vào thị trường Mỹ và EU phải đáp ứng các tiêu chuẩn giảm phát thải nhà kính. Hai thị trường này cũng sẽ kiểm soát, đánh giá hàm lượng các-bon trong sản phẩm. Nếu hàm lượng các-bon cao hơn quy định thì bắt buộc các nhà xuất khẩu phải nộp thêm thuế hoặc tín chỉ các-bon.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Viforest, cho rằng dần dần, tất cả các thị trường nhập khẩu đồ gỗ sẽ siết chặt các điều kiện liên quan đến yếu tố xanh; xanh từ sản xuất đến thương mại xanh, tăng trưởng xanh… Vì vậy, ngành chế biến gỗ xuất khẩu buộc phải đáp ứng yêu cầu truy xuất đến tận người trồng rừng. "Đây không còn là đòi hỏi mang tính tự nguyện, mà đã trở thành điều kiện bắt buộc nếu muốn bán hàng cho đối tác”, ông Hoài nói.
Dù còn nhiều thách thức nhưng theo các chuyên gia không còn cách nào khác là phải chuyển đổi dần để thích ứng và tồn tại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nào đi tiên phong trong chuyển đổi xanh sẽ có nhiều cơ hội hơn, tiếp cận sớm hơn với các nguồn vốn quốc tế, từ đó giúp doanh nghiệp duy trì và gia tăng khả năng cạnh tranh trên thương trường.