Có nên "làm khó" Viettel cung cấp truyền hình cáp?
Vân Oanh
Ảnh chụp nhân viên một nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp đang lắp đặt dịch vụ cho khách hàng. Ảnh: Vân Oanh |
(TBKTSG Online) - Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) nộp đơn xin cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp nhưng bị Hiệp hội Truyền hình trả tiền (VNPayTV) phản ứng mạnh mẽ. Nhưng quan điểm của Bộ Thông tin Truyền thông cho thấy việc doanh nghiệp viễn thông như Viettel tham gia thị trường là phù hợp.
Trả lời tại bàn tròn trực tuyến với chủ đề tăng tính cạnh tranh cho thị trường truyền hình trả tiền, được báo điện tử Vietnamnet.vn tổ chức vào ngày 28/3, ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông đã đại diện Bộ Thông tin Truyền thông tham gia trả lời tại bàn tròn này.
Ông Tuấn cho rằng, sự tham gia của Viettel vào thị trường truyền hình trả tiền sẽ tận dụng được cơ sở hạ tầng viễn thông đã có để cung cấp dịch vụ là phù hợp. Trên quan điểm đó, Bộ Thông tin Truyền thông đã cấp phép cho Viettel cung cấp dịch vụ truyền hình qua giao thức internet (IPTV) để tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng của mình.
Trả lời câu hỏi “Theo quy hoạch phát triển truyền dẫn phát sóng, phát thanh truyền hình thì Chính phủ sẽ không khuyến khích phát triển truyền hình cáp analog nữa. Vậy vì sao Bộ thông Truyền thông lại xem xét cấp phép cho Viettel phát sóng truyền hình cáp analog? Liệu điều này có trái quy hoạch phát triển của ngành phát thanh truyền hình hay không?”, ông Tuấn cho hay, theo quy hoạch phát triển phát thanh truyền hình tới 2020, phân định có ba phương thức truyền dẫn. Trong đó, truyền hình số mặt đất sẽ hướng tới chuyển từ truyền hình mặt đất sang số chia thành 4 nhóm. Trong đó, nhóm thứ nhất là các thành phố trực thuộc trung ương sẽ hoàn thành trước 2015, các nhòm còn lại sẽ tiến hành theo lộ trình hai năm một. Hướng tới năm 2020, sẽ chuyển đổi toàn bộ truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất.
Đối với truyền hình cáp, trong quy hoạch có ghi rõ, hướng tới phải sử dụng chung cơ sở hạ tầng. Ngầm hóa tuyến cáp để đảm bảo mỹ quan đô thị. Sử dụng công nghệ cao, hướng tới sử dụng công nghệ số. Tuy nhiên, lộ trình này là tới năm 2020. Trong thời gian này các doanh nghiệp có thể tùy nhu cầu sản xuất kinh doanh để triển khai các công nghệ phù hợp.
Vẫn theo ông Tuấn, Viettel đã trình bộ đề án cung cấp truyền hình cáp dựa trên đường trục có sẵn để đưa truyền hình cáp tới các vùng sâu vùng xa, để người dân có thể sử dụng với giá thành rẻ. Bộ thấy rằng, về công nghệ không phù hợp, nhưng căn cứ một số văn bản (như Nghị định 25 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn chi tiết về luật viễn thông và Quy chế của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động truyền hình trả tiền), nếu như doanh nghiệp đảm bảo các tiêu chí phù hợp với quy định, thì Bộ Thông tin Truyền thông mới cấp phép.
Trả lời câu hỏi liệu thị trường truyền hình trả tiền đã bão hòa – như quan điểm của VNPayTV đưa ra để lập luận về việc không nên cấp phép cho Viettel – ông Tuấn cho rằng: “Hiện truyền hình trả tiền có tổng số khoảng bốn triệu thuê bao. VNPayTV cho rằng bão hòa cũng đúng. Nhưng thực ra, số thuê bao này tập trung chủ yếu ở thành phố lớn nơi có sự canh tranh hết sức khốc liệt của nhiều thương hiệu như VCTV, K+, AVG… Tuy nhiên, tính chung số thuê bao truyền hình trả tiền trên số hộ gia đình chỉ mới chiếm 20%. Ở các nước phát triển, tình trạng bão hòa của truyền hình trả tiền phải đạt trên 70% - 80%. Do vậy vẫn còn rất nhiều sân để các doanh nghiệp phát triển truyền hình trả tiền. Hơn nữa phần đông các hộ dân không có truyền hình trả tiền lại nằm ở vùng sâu vùng xa.
Như vậy, định hướng của bộ trong việc quy hoạch truyền hình trả tiền đến năm 2020 là tập trung mở rộng truyền hình trả tiền tới vùng sâu vùng xa, nơi người dân chưa có điều kiện tiếp cận với dịch vụ này. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh ở những nơi thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt.”
Thực tế, khi doanh nghiệp viễn thông tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, họ có vai trò như một đơn vị truyền dẫn phát sóng truyền hình. Cũng là một trong những khách mời của buổi bàn tròn, trả lời cho câu hỏi “Luật Viễn thông quy định như thế nào về trường hợp doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng?”, ông Nguyễn Phong Nhã, Cục phó Cục Viễn thông cho hay, hiện có hai mảng quản lý đối với truyền hình trả tiền: cơ sở hạ tầng viễn thông (như mạng cáp quang, mạng cáp đồng trục đến hộ gia đình) do Cục Viễn thông quản lý và dịch vụ truyền hình trả tiền là dịch vụ ứng dụng viễn thông do Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử quản lý.
Tham gia bàn tròn trên còn có ông Mai Liêm Trực, nguyên thứ trưởng bộ Thông tin Truyền thông. Trả lời câu hỏi “Ông đánh giá thế nào về việc VNPayTV có văn bản đề nghị không cấp phép dịch vụ truyền hình trả tiền cho Viettel?”, ông Trực cho rằng, thực ra, phản ứng của hiệp hội này không có gì lạ. Nhưng cách lập luận của VNPayTV khiến ông hơi ngạc nhiên.
Ông Trực cho biết, trước đây khi Việt Nam mở cửa thị trường viễn thông, các doanh nghiệp đang độc quyền, muốn bảo vệ lợi ích, phản ứng để ngăn cản đối thủ cũng là bình thường. “Nhưng nói doanh nghiệp viễn thông không nên cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền là không đúng. Vì thời đại bây giờ sự hội tụ giữa truyền thông, viễn thông, truyền hình là rất rõ. Các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng đi khắp nơi, truyền dữ liệu, thoại qua cáp quang... nên nếu họ có cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền thì cũng chỉ là tận dụng hạ tầng sẵn có mà thôi,” ông Trực nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi “Quan điểm của ông thế nào về lập luận của VNPayTV cho rằng doanh nghiệp viễn thông cung cấp truyền hình trả tiền là đầu tư ngoài ngành?”, ông Trực nói: “Bộ Thông tin Truyền thông đã khẳng định doanh nghiệp viễn thông tham gia thị trường truyền hình trả tiền không phải là đầu tư ngoài ngành, bởi họ chỉ sử dụng hạ tầng sẵn có của viễn thông để cung cấp dịch vụ.”
Ông Trực còn cho rằng quy hoạch của Bộ Thông tin Truyền thông về việc phải có ít nhất 3-4 doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng là hoàn toàn đúng đắn. Chỉ có như vậy thì thị trường mới có sự cạnh tranh. Nhưng cần lưu ý những doanh nghiệp này đều phải là doanh nghiệp lớn, tương đương với nhau về thế và lực, "chứ một ông lớn và vài ông nhỏ thì vẫn chưa thể bình đẳng, lành mạnh được. Các doanh nghiệp viễn thông mạnh nhảy vào thì mới tạo thế cân bằng được với các ông lớn truyền hình trả tiền hiện nay. Mỗi địa phương nên có 2-3 doanh nghiệp mạnh, mỗi doanh nghiệp chiếm khoảng 25-30% thị phần thì người tiêu dùng mới được lợi nhất, giá mới giảm được".
VNPayTV vừa có văn bản gửi lên Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Quốc hội… đề nghị không cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp cho Viettel. Sự khác biệt giữa hai lần gửi văn bản kiến nghị này là: trong văn bản gửi lên Bộ Thông tin Truyền thông từ cách nay cả năm, VNPayTV đề nghị không cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp cho các doanh nghiệp viễn thông nói chung (bởi biết FPT, Viettel, VNPT… xin cấp phép dịch vụ này). Còn lần gửi văn bản này, VNPayTV đề nghị cụ thể là không cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp cho Viettel. Theo lời của một chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình đề nghị giấu tên, sở dĩ VNPayTV phải tiếp tục gửi văn bản lên các cấp cao vì họ nhận thấy trong các doanh nghiệp viễn thông xin cấp phép, nhiều khả năng Viettel sẽ có được giấy phép này. Hơn nữa Viettel mới là đối thủ đáng ngại nhất với các doanh nghiệp truyền hình trả tiền, bởi có hệ thống hạ tầng mạng cáp rộng khắp đến tận tuyến xã. Điều mà các doanh nghiệp truyền hình trả tiền không có được. Chưa kể đến nhìn cách cạnh tranh của Viettel để có khách tại thị trường viễn thông di động cũng làm cho nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh truyền hình trả tiền phải lo ngại. Lý lẽ mà VNPayTV đưa ra để lập luận cho đề nghị trên là thị trường truyền hình trả tiền đang có dấu hiệu bão hòa, kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Nhà nước đang có chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế Nhà nước, nếu để cho các doanh nghiệp như Viettel cung cấp dịch vụ truyền hình cáp nghĩa là đầu tư ngoài ngành. Việc Tập đoàn viễn thông Viettel xin đầu tư để cung cấp dịch vụ truyền hình cáp sẽ gây ra nhiều hệ quả xấu… VNPayTV cho rằng, thị trường truyền hình trả tiền đã bão hòa và có quá nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ (hiện thị trường truyền hình trả tiền đã có tới 67 đơn vị cung cấp dịch (trong đó có tới gần 60 đơn vị kinh doanh truyền hình cáp, còn lại là các loại hình truyền hình trả tiền sử dụng các công nghệ khác nhau như truyền hình số mặt đất, số vệ tinh, truyền hình Internet). Hiệp hội này còn cho rằng việc cấp phép cho Viettel sẽ gây ra những mâu thuẫn giữa những đơn vị đang tham gia thị trường truyền hình trả tiền, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng mà các đơn vị này đã đầu tư và tạo ra nhiều vấn đề phức tạp mà nhà nước sẽ phải xử lý trong thời gian tới. Hơn nữa, Viettel cũng đã được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình internet thì tại sao không tập trung cung cấp dịch vụ này mà phải đầu tư để cung cấp dịch vụ truyền hình cáp... Được biết, trong hồ sơ xin cấp phép cung cấp dịch vụ, Viettel đặt mục tiêu sẽ đạt được 5 triệu thuê bao sau năm năm đầu tiên triển khai cung cấp dịch vụ, với cơ cấu 35% tại thành thị và 65% tại nông thôn, bằng một nửa số lượng khách mà toàn bộ các doanh nghiệp truyền hình trả tiền có được trong 10 năm qua. |