Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tín chỉ carbon kém chất lượng cũng sẽ bị từ chối

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Không phải doanh nghiệp nào có mức phát thải âm đều có tín chỉ carbon để giao dịch trên thị trường, cũng có trường hợp bị đình chỉ do không đạt yêu cầu về tính minh bạch và hiệu quả thực tế trong việc giảm phát thải.

Rất nhiều doanh nghiệp hiện quan tâm đến việc làm thế nào để phát hành tín chỉ carbon và tìm nơi bán chúng để có thêm thu nhập, nhưng thực tế thì không hề đơn giản.

Nhưng nếu nhìn rộng hơn, doanh nghiệp phát hành tín chỉ carbon là một bài toán cân nhắc lợi ích và chi phí. Dựa trên quan điểm này, KTSG Online có buổi trao đổi với ông Vũ Chí Công, Giám đốc Quỹ đầu tư tác động VinaCarbon thành lập cuối năm 2023 thuộc Công ty quản lý quỹ VinaCapital. Danh mục của VinaCarbon tập trung vào các dự án giảm hoặc loại bỏ khí nhà kính và qua đó xây dựng một ngân hàng tín chỉ carbon chất lượng cao.

Nhiều lĩnh vực có tiềm năng phát hành tín chỉ carbon. Ảnh: Yên Minh

Tín chỉ carbon có cả loại tốt và kém

KTSG Online: Có một tin mừng là doanh nghiệp Việt dường như đang rất chủ động tìm kiếm thông tin trên sàn tín chỉ carbon. Ở vai trò là nhà tư vấn lâu năm trên thị trường, ông có quan sát gì thêm về câu chuyện này?

- Ông Vũ Chí Công: Thực tế thị trường carbon khởi động từ những năm 1997, hiện thế giới có gần 58 quốc gia đã phát triển thị trường carbon, 27 quốc gia áp dụng thuế carbon và một số áp dụng cả hai. Tuy nhiên, lĩnh vực này tại Việt Nam lại khá mới mẻ.

Thời gian qua, có rất nhiều các doanh nghiệp lớn đã chủ động tìm kiếm mua tín chỉ carbon tạo ra nhờ các dự án phát triển tại Việt Nam. Việc chủ động tìm hiểu sớm mang lại nhiều giá trị tích cực hơn là tiêu cực, giúp doanh nghiệp có giải pháp chuyển đổi xanh phù hợp với mình, nếu không muốn đối mặt với nguy cơ bị tụt hậu, hoặc thậm chí là suy vong khi đứng trước các “hàng rào xanh”. Việc tham gia vào thị trường carbon tự nguyện cũng không làm họ mất đi cơ hội tham gia vào thị tín chỉ carbon bắt buộc trong nước khi hình thành, dự kiến thí điểm vào năm 2025 và chính thức vào năm 2028.

Cơ hội sẽ đến cho tất cả không và liệu có rủi ro nào khi chủ yếu các “người chơi” hiện nay đều đến từ quốc tế, thưa ông?

- Các hoạt động giảm thiểu, loại trừ khí nhà kính theo cơ chế tín chỉ carbon tạo ra một loại “hàng hóa” tín chỉ carbon có thể trao đổi và mua bán trên thị trường nội địa và quốc tế. Nhờ điều này, rất nhiều công ty trên thế giới cũng như tại Việt Nam có thể gia tăng đáng kể nguồn thu nhập từ việc bán tín chỉ carbon.

Đó có thể là các tổ chức có mức phát thải ròng âm như các công ty lâm nghiệp thực hiện hoạt động trồng và bảo vệ rừng, các công ty sản xuất xe điện hay các công ty sản xuất lúa gạo áp dụng các phương pháp cải tiến trong canh tác.

Lạc quan luôn là điều tích cực, tuy nhiên cơ hội nào cũng đi kèm với rủi ro. Vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng đủ kiến thức để có thể phát huy được những thế mạnh của mình.

Vậy đâu là những điểm doanh nghiệp cần cần lưu ý khi phát hành hay giao dịch tín chỉ carbon?

- Thứ nhất, tín chỉ carbon sẽ không được cấp một cách đại trà hay dễ dàng cho các công ty hay dự án. Không phải doanh nghiệp nào có phát thải âm đều có tín chỉ carbon để giao dịch trên thị trường.

Thứ hai, giá trị lượng tín chỉ tạo ra có đủ bù lại các chi phí để thực hiện và đăng ký tín chỉ carbon trên các nền tảng hay không. Để có thể tạo ra tín chỉ carbon, doanh nghiệp phải ý thức được sự cần thiết của phát triển bền vững thông qua việc thực hành ESG một cách bài bản, đầu tư nhiều về nhân lực và công nghệ hiện đại, ít phát thải. Điều này cũng sẽ tạo ra khó khăn cho các doanh nghiệp khi phải huy động các nguồn tài chính.

Cuối cùng, chất lượng của tín chỉ carbon phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và cũng như tất cả các loại tài sản khác. Giá của tín chỉ carbon sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của chúng, ảnh hưởng rất lớn đến bài toán khả thi của doanh nghiệp.

Ông có thể nói chi tiết hơn về chất lượng của tín chỉ?

- Tiêu chuẩn ban hành tín chỉ có thể khác nhau, nhưng đều dựa trên nguyên tắc cốt lõi về chất lượng như tính bổ sung và đồng lợi ích (additionality), tính đo lường (quantification), tính liêm chính (integrity) và tính lâu dài (permernance). Điều đó có nghĩa là, để tạo ra tín chỉ carbon đã khó, nhưng để tạo ra tín chỉ carbon có chất lượng cao còn thách thức hơn rất nhiều lần.

Ông Vũ Chí Công, Giám đốc Quỹ đầu tư tác động VinaCarbon thành lập cuối năm 2023 thuộc Công ty quản lý quỹ VinaCapital. Ảnh: NVCC.

Gần đây, hội đồng liêm chính cho thị trường carbon tự nguyện (ICVCM) đã quyết định từ chối tín chỉ carbon từ hầu hết các dự án năng lượng tái tạo. Lý do chính là các dự án này không đáp ứng được yêu cầu "bổ sung" - additionality. Điều này có nghĩa là ICVCM nhận thấy rằng nhiều dự án năng lượng tái tạo có khả năng sẽ tiếp tục ngay cả khi không có các ưu đãi tài chính do tín chỉ carbon cung cấp.

Hay như những trường hợp các dự án không đảm bảo tuân thủ dẫn đến tranh cãi về tính minh bạch ví dụ như các dự án bếp cải tiến (cookstove) và lúa gạo ở Trung Quốc gần đây đã bị đình chỉ bởi Verra do không đạt yêu cầu về tính minh bạch và hiệu quả thực tế trong việc giảm phát thải.

Kiểm kê đúng, giám sát đủ, thẩm định minh bạch để đón cơ hội

Vậy ông có lời khuyên nào cho doanh nghiệp Việt hiện nay?

- Tôi cho rằng trước mắt, doanh nghiệp cần biết rõ hiện tại mình đang ở đâu hay thực trạng phát thải khí nhà kính như thế nào thông qua việc kiểm kê phát thải khí nhà kính, từ đó xác định được các “điểm nóng” cần và dễ chuyển đổi trước.

Các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ việc tăng trưởng xanh là xu hướng, để ngay từ bây giờ có các chiến lược xanh hóa hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, các doanh nghiệp nên “nằm lòng” rằng chi phí ẩn và những cơ hội sẽ bị đánh mất do không thực hiện chuyển đổi xanh sớm, sẽ lớn hơn nhiều so với chi phí để bắt đầu.

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, để tạo ra được tín chỉ carbon chất lượng cao thì bản thân doanh nghiệp ngoài việc đóng góp giảm phát thải khí nhà kính thì cũng tạo ra những giá trị khác về môi trường, xã hội và đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững. Họ cũng phải chi trả một chi phí rất lớn cho việc thẩm tra, thẩm định và ban hành tín chỉ carbon nên doanh nghiệp cũng cần tích cực trong việc tìm kiếm người mua lại các tín chỉ carbon.

Hiện các cơ quan quản lý đang soạn thảo khung pháp lý về thị trường tín chỉ carbon. Theo ông, đâu là những vấn đề quan trọng cần lưu ý?

- Chúng ta đang trông đợi Nhà nước sẽ sớm có những quy định và cơ chế cụ thể để nhà đầu tư tự tin hoạch định bài toán kinh tế của mình. Đó là các chính sách như quyền sở hữu với các tín chỉ carbon, hướng dẫn quy trình đăng ký, giao dịch tín chỉ carbon rõ ràng cho thị trường tự nguyện và tuân thủ.

Việc nâng cao hiểu biết về thị trường carbon và nhận thức đúng đắn về các yêu cầu tuân thủ với các cam kết của quốc gia như NDC là rất cần thiết để tránh những hiểu nhầm, lo ngại dẫn đến cản trở sự phát triển của thị trường carbon tại Việt Nam. Các quốc gia như Nhật Bản, Singapore hay ngay cả Indonesia đã đi trước chúng ta khá xa trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, các quy định về kiểm kê, giám sát và báo cáo phát thải cần phải được xây dựng và hoàn thiện đồng bộ, nhằm tạo tiền đề cho các doanh nghiệp chủ động xây dựng lộ trình sản xuất và nguồn lực phù hợp. Các quy định, quy chuẩn liên quan đến kiểm kê khí nhà kính và thẩm định cần phải thực hiện một cách minh bạch, chính xác theo quốc tế, và đưa ra các hệ số phát thải phù hợp với từng lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có các phương pháp giúp doanh nghiệp nắm bắt nguyên lý vận hành của thị trường carbon để họ có các phương án cân đối nguồn lực, tuân thủ pháp luật và sẵn sàng nắm bắt các cơ hội mới khi thị trường carbon đi vào vận hành.

Không kém phần quan trọng là các chính sách khuyến khích, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đầu tư vào các công nghệ giảm phát thải cần phải được thực hiện. Ví dụ, nhà nước ban hành các cơ chế ưu đãi thuế đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới