Thứ năm, 7/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đường dài của thị trường tín chỉ carbon Việt Nam

Hồ Nguyên Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thị trường tín chỉ carbon cần điều kiện gì để hình thành, phải mất bao lâu để hoàn thành một giao dịch và giá bao nhiêu cho một tín chỉ? Đây là những câu hỏi mà các bên liên quan tại Việt Nam - cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng - cần phải trả lời…

Theo các thỏa thuận khác nhau, WB sẽ hỗ trợ Việt Nam 120 triệu đô la Mỹ để thực hiện đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao trong giai đoạn 2023-2035. Phần lớn số tiền dùng để xây dựng hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV) ở vùng chuyên canh để định lượng mức giảm phát thải và xây dựng thị trường tín chỉ carbon. Ảnh: Chu Khôi

Phải mất trung bình bốn năm, hai dự án bán tín chỉ carbon rừng của Việt Nam cho Ngân hàng Thế giới (WB) và hai tổ chức quốc tế LEAF và Emergent mới có thể hoàn thành. Sau một thời gian dài manh nha từ năm 2005 đến nay, từ đầu năm tới, thị trường tín chỉ carbon sẽ hoạt động theo cơ chế thử nghiệm trong ba năm 2025-2027 và chính thức vận hành từ năm 2028.

Nhưng thị trường cần điều kiện gì để hình thành, phải mất bao lâu để hoàn thành một giao dịch và giá bao nhiêu cho một tín chỉ? Đây là những câu hỏi mà các bên liên quan tại Việt Nam - cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng - cần phải trả lời…

Theo Cục Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam hiện có hơn 300 chương trình, dự án đăng ký, nhưng chỉ 150 chương trình được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon.

Từ hai hợp đồng nổi bật đầu tiên

Tháng 8-2023, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thanh toán 80% giá trị hợp đồng 51,5 triệu đô la Mỹ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thông qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD). Số tiền 20% còn lại đã được chuyển giao vào đầu tháng 3 năm nay, theo trang chinhphu.vn.

Hợp đồng bán tín chỉ carbon rừng là một phần Thỏa thuận thanh toán giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2 tại sáu tỉnh Bắc Trung bộ được ký kết vào cuối tháng 10-2020 giữa Quỹ Đối tác carbon rừng (PCPF) và IBRD thuộc WB với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là khoản chi trả cho lượng giảm phát thải carbon nói trên trong giai đoạn từ ngày 1-2-2018 đến ngày 31-12-2019. Như vậy, mỗi tín chỉ carbon rừng sẽ là 1 tấn khí thải và trị giá 5 đô la. Khoản tiền này sẽ mang lại lợi ích cho 70.555 chủ rừng và 1.356 cộng đồng sống gần rừng.

Tuy vậy, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng giảm phát thải ở sáu tỉnh Bắc Trung bộ đạt 16,21 triệu tấn, dư 5,91 triệu tấn và WB đã chỉ đồng ý mua thêm 1 triệu tấn. Số còn lại, Bộ đang chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bộ cũng tiếp tục phối hợp với WB để đo đạc và thẩm định lượng tín chỉ trong hai giai đoạn 2020-2022 và 2023-2024.

Tương tự, Việt Nam sẽ bán 5,15 triệu tín chỉ carbon từ rừng Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026 cho LEAF và Emergent, với giá 51,5 triệu đô la Mỹ. Mỗi tín chỉ tương đương 10 đô la. Diện tích rừng giảm phát thải đăng ký với dự án là 3,24 triệu héc ta rừng tự nhiên và 1,02 triệu héc ta rừng trồng. LEAF là tên viết tắt của liên minh quốc tế về tài chính cho môi trường, nông nghiệp và cảnh quan, còn Emergent là hãng tư vấn và đầu tư có trụ sở tại Mỹ, chuyên về các dự án liên quan đến môi trường và khí hậu.

Như vậy, cả hai dự án nói trên đều thuộc loại đầu tư trung hạn đến dài hạn, nếu tính đến thời gian những cánh rừng hình thành và phát triển đủ lớn để tạo ra tác động tốt đến môi trường và chất lượng cuộc sống của các cộng đồng sống quanh rừng.

Tín chỉ carbon là tiền, nhưng không là “lá mít trên cây”...

Thị trường trao đổi tín chỉ carbon theo cơ chế tự nguyện ở Việt Nam đã phát triển manh nha từ rất sớm.

Nghị định Kyoto về khí hậu ký kết năm 1997, nhưng có hiệu lực từ đầu năm 2005, chủ yếu áp dụng cho các nước phát triển, trong khi đó Việt Nam được xếp vào nhóm đang phát triển. Tuy nhiên, sau khi Nghị định thư Kyoto có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến thị trường mới - ông Nguyễn Võ Trường An, Phó tổng giám đốc, Công ty Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA), phát biểu tại cuộc hội thảo về phát triển kinh tế xanh hôm 19-9 tại TPHCM(*).

Tại COP26, hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu do Liên hiệp quốc bảo trợ diễn ra tại Glasglow, Vương quốc Anh cuối tháng 11-2021, Việt Nam đã tuyên bố cùng thế giới thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050.

Một năm sau, năm 2022 hai dự án tín chỉ carbon WB và LEAF/Emergent mới bắt đầu thu hút sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, cách hiểu theo số đông của các ngành chức năng ở địa phương, các doanh nghiệp Việt Nam và công chúng về thị trường tín chỉ carbon hiện rất mơ hồ, đa dạng theo kiểu “tiền như lá mít trên cây”…

Năm ngoái, một đoàn doanh nhân Canada đã đến các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và một số tỉnh lân cận để khảo sát về tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon từ các khu rừng đước nguyên sinh. Qua việc trao đổi ý kiến mới nhận ra, chính quyền và doanh nghiệp địa phương tin rằng tín chỉ carbon rừng giống như tài nguyên gỗ rừng trước đây, có rừng là có tiền ngay mà không cần đầu tư gì.

Phía Canada nói rằng cần phải có một hãng tư vấn trước, sau đó tiến hành đo đạc và xác nhận trữ lượng rừng do một đơn vị độc lập thực hiện và chứng nhận, sau đó thì đi tìm người mua quốc tế. Như vậy, muốn khai thác và bán tín chỉ carbon từ rừng vẫn cần có vốn đầu tư ban đầu.

Đầu tháng 9-2024, có tin một công tư vấn đã bỏ ra hơn 8 triệu đồng để mua hơn 16 tấn CO2 giảm phát thải trên cánh đồng lúa rộng hơn 4 héc ta của bên được tư vấn ở một tỉnh Tây Nguyên. Hãng tư vấn đã đưa ra mức giá 20 đô la/mỗi tấn khí thải hay tín chỉ.

Tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng trường Chính sách công và Phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải thích rằng để đo đếm được lượng carbon thải ra môi trường để bán cho bên mua thì phải có hai hệ thống độc lập là các đơn vị tư vấn và các đơn vị thẩm định.

Phát biểu tại hội thảo về thị trường tín chỉ carbon tháng 8-2024 tại TPHCM, ông Hải nói khoảng 100 hãng tư vấn về việc giảm khí phát thải trên toàn cầu, nhưng chỉ khoảng 20 công ty thẩm định, cấp chứng nhận được nhiều quốc gia tin tưởng. “Và họ thường là các công ty tư nhân, độc lập và phi lợi nhuận”, vị tiến sĩ nói. Có thể kể đến Verra, Gold Standard, ACR, CAR…

Giá một tín chỉ carbon bao nhiêu?

Ông An từ sàn CCTPA nói thị trường tín chỉ carbon phi chính thức tại Việt Nam bắt đầu manh nhà từ năm 2017, nhưng chủ yếu các nhà đầu tư ngoại đến “đặt chỗ”, thậm chí trả tiền trước cho tín chỉ mà không cần chứng nhận có giá trị quốc tế. Đến thời điểm hiện nay, nhiều dự án mua bán theo hợp đồng song phương trong khi chưa có sàn giao dịch.

“Giá tín chỉ carbon ở Việt Nam hiện tại thấp một phần vì tính thụ động của thị trường. Chúng ta chưa có thể chủ động tìm người mua để đàm phán về giá cũng như chưa có dự án chất lượng”, ông An giải thích.

Nếu thông qua hai hợp đồng lớn đã nhắc ở trên thì giá tín chỉ carbon rừng Việt Nam ở mức 5-10 đô la mỗi tín chỉ. Nhiều người cho rằng giá này rẻ khi so sánh với giá tín chỉ ở châu Âu hay Mỹ có khi lên đến vài chục đô la hoặc vượt ngưỡng 100 đô la nếu từ một đơn vị tái chế nhựa.

Theo Tiến sĩ Trần Minh Hải, thị trường được chia làm hai loại: thị trường tự nguyện (với hàng hóa là tín chỉ carbon) và thị trường bắt buộc (với hàng hóa là hạn ngạch quota). Giá một tín chỉ carbon ở hai thị trường là khác nhau, và tùy thuộc vào cán cân cung và cầu của thị trường, và thường thì thị trường bắt buộc sẽ cao hơn nhiều.

Như vậy, giá bán ở hai hợp đồng lớn ở trên là được giá, ông Hải giải thích, “bởi tín chỉ rừng Amazon chỉ được định giá là 1,5 đô la”.

Nhưng đây chưa phải mức giá đáy. Tháng 10-2023, theo Reuters, CEO Wael Sawan của Shell đã hủy bỏ kế hoạch tự nguyện chi 100 triệu đô la mỗi năm để mua 120 triệu tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng từ hoạt động khai thác dầu khí mỗi năm của tập đoàn đến năm 2030. Như vậy, mỗi tín chỉ carbon mà Shell mua chỉ hơn 83 xu Mỹ.

Ở thị trường carbon bắt buộc, các doanh nghiệp phải giảm phát thải theo hạn ngạch mà nhà chức trách phân bổ. Hạn ngạch này giống như quota xuất nhập khẩu chính thức của mỗi nước, chính vì thế có giá cao hơn.

Mong chờ về thị trường mới

Thị trường thử nghiệm sẽ chạy thử trong ba năm 2025-2027, chính thức hoạt động từ đầu năm 2028. Ngay vào thời điểm này, thị trường tín chỉ carbon tự nguyện và chưa chính thức tại Việt Nam đã có những điểm mạnh so với các nước ASEAN. Tuy vậy, không phải các thị trường láng giềng không phải không có nhiều điều chúng ta cần học hỏi.

Nhiều doanh nghiệp Việt đang đầu tư vào thị trường tín chỉ carbon, trước tiên là công nghệ. Tại hội thảo hôm 19-9, ông Nguyễn Trí Huệ, Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư xuất nhập khẩu Đông Dương (DDG), nói rằng DDG đang triển khai công nghệ thu hồi khí CO2 từ khói thải nhà máy, và hóa khí thành dạng lỏng. Hiện DDG có nhà máy ở Bà Rịa - Vũng Tàu, với công suất thu hồi thiết kế 80 tấn CO2 mỗi ngày. Tuy nhiên, ông Huệ nói DDG vẫn đang tìm hiểu thị trường.

Trên thực tế, đây là một thị trường hoàn toàn mới. CO2 dạng lỏng được ứng dụng rộng rãi trong công nghệ thực phẩm, tạo gas cho nước giải khát, nước soda. Đây là hợp chất hữu ích có thể tạo tính trung hòa nước thải đồng thời điều hòa các loại nước uống thông thường. Hiện các startup công nghệ vật liệu mới trên thế giới có xu hướng tìm cách “giam” CO2 trong sản xuất xi măng và bê tông, số khí thải “giam” được là số tín chỉ startup có thể bán. Nhưng để tối ưu hóa các lợi thế và tạo ra những tín chỉ carbon chất lượng cao là con đường dài cho DDG cũng như nhiều doanh nghiệp khác của Việt Nam.

Thị trường tín chỉ carbon Việt Nam đang bước đi những bước chập chững đầu tiên, và phần lớn các bên liên quan nói vẫn mơ hồ.

Nhưng trong lúc các doanh nghiệp còn đang loay hoay, đã có nhiều đoàn nước ngoài từ Nhật Bản, Canada, Úc, Mỹ… đã “đặt gạch giữ chỗ” một cách dứt khoát. Có công ty tập trung vào đề án một triệu héc ta lúa nước chất lượng cao ở đồng bằng sông Cửu Long, có doanh nghiệp lên Tây Nguyên để tìm cơ hội từ những ruộng lúa khô, có tập đoàn tìm đến rừng dừa ở Bến Tre hay rừng đước ở cực Nam…

Ông Darryl James Dong, đại diện cấp cao văn phòng TPHCM của Công ty Tài chính quốc tế (IFC), nói tại cuộc hội thảo hôm 19-9(*) “khi có khung pháp lý rõ ràng thì các nhà đầu tư là ngân hàng hay công ty tài chính sẽ kéo đến”.

Nhưng một khi có những quy định sơ khởi cho giai đoạn thử nghiệm 2025-2027, thị trường vẫn còn nhiều “lỗ hổng”, đại diện một tập đoàn đa quốc gia xin giấu tên nói với Kinh tế Sài Gòn. Bên cạnh đó là tầm nhìn và đầu tư dài hạn, khả năng tiếp cận thông tin của địa phương và doanh nghiệp nhỏ và vừa, và khả năng quản lý dự án cùng với khuôn khổ pháp lý là những khoảng trống của thị trường mới tại Việt Nam.

Vị này đã ví von là mua tín chỉ trên thị trường tự nguyện thì giống như mua rau ở chợ truyền thống hay “chợ chồm hổm” hoặc “chợ cóc” và thường là chất lượng rau quả không được kiểm định. Rau quả mua trên kệ ở siêu thị thì đã đạt chuẩn, có các giấy chứng nhận thì có giá cao hơn và an toàn hơn. “Tình trạng thiếu tư vấn và công nhận của các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín, các doanh nghiệp Việt Nam có thể vướng phải lỗi mà các tổ chức lớn, các tập đoàn đa quốc gia rất cẩn trọng. Đó là nạn tẩy xanh (green washing)”, vị đại diện này nói.

Về mặt thời gian thành lập thị trường tín chỉ carbon, Việt Nam có thể chậm so với các nền kinh tế chủ yếu của ASEAN. Nhưng xét giá trị các giao dịch tín chỉ carbon thì Việt Nam đang dẫn đầu. Nhưng một khi đã bán tín chỉ carbon sớm, giống như “bán lúa non”, mà không thể chờ đợi thời cơ để bán được giá cao hơn. Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nói rằng “vừa có rừng vừa bán được tín chỉ carbon giá cao” là phương sách tốt nhất. Tức là bán tín chỉ carbon trên thị trường hạn ngạch.

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ban hành thuế carbon, mức thuế từ 1-137 đô la Mỹ/tấn khí thải. Singapore là nước đầu tiên ở ASEAN ban hành thuế carbon từ năm 2019 và Thái Lan dự kiến sẽ áp dụng thuế này từ năm 2025.

Với 76.000 héc ta dừa ở Bến Tre, Tiến sĩ Trần Minh Hải nêu ví dụ, muốn tham gia thị trường carbon, người dân trồng dừa và địa phương phải thuê hãng tư vấn đo đạc ban đầu là số diện tích rừng dừa này hấp thụ bao nhiêu khí CO2, các hoạt động liên quan như bón phân, đốt lá dừa, xơ dừa và các phế phẩm thải ra bao nhiêu khí phát thải. Sau đó, nông dân phải đưa ra các biện pháp giảm phát thải như giảm phân bón, thuốc trừ sâu, chế biến lá dừa, xơ dừa, gáo dừa… Phải có nhật ký thực hành giảm carbon và các máy đo lượng khí thải sẽ ghi nhận các thông số mỗi ngày, theo khung giờ nhất định và sau đó quy đổi ra tín chỉ carbon mỗi héc ta dừa trong một năm. Sẽ có đơn vị đo lượng carbon phát thải, công ty thẩm định và cấp giấy tín chỉ. Trồng lúa nước và lúa khô cũng theo quy trình tương tự.

 

 

 

 

 

 

 

(*) Diễn đàn Kinh tế Xanh 2024 “Tăng tốc để tăng trưởng xanh” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 19-9 tại TPHCM.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới