Thứ ba, 5/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Để Luật Chứng khoán sửa đổi không ‘làm khó’ nhà đầu tư chuyên nghiệp

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Việc nâng cao tiêu chuẩn nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tại dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) là cần thiết, nhất là sau những sự việc xảy ra trong quá khứ. Nhưng nếu quy định cứng nhắc, sẽ tạo ra rào cản với nhà đầu tư và thị trường.

Thế khó của nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã bổ sung quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp - một cấu phần trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDNRL), với những quy định theo hướng nâng cao tiểu chuẩn. Cụ thể, có ít nhất hai năm kinh nghiệm đầu tư; giao dịch tối thiểu 10 lần/quí trong bốn quí gần nhất; thu nhập tối thiểu 1 tỉ đồng/năm trong trong năm gần nhất…

Những quy định mới có thể khiến nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp bị hạn chế giao dịch hơn. Ảnh: LÊ VŨ

Với yêu cầu mới, không ít nhà đầu tư lâu năm như ông P.L.T.L (Hà Nội) sẽ thành nhà đầu tư không chuyên nghiệp, dù đã có xác nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp của công ty chứng khoán. Bởi ông chỉ có khớp 8 lệnh mua - bán cả năm 2023.

Nếu muốn giữ xác nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp để có thể mua TPDNRL, ông P.L.T.L cho rằng nhà đầu tư phải thay đổi hành vi theo định hướng của nhà giao dịch chuyên nghiệp (Professional Trader), tức thực hiện nhiều giao dịch hơn mỗi quí.

“Nhưng dù có giao dịch 10 lần một quí, vẫn khó trở thành Professional Trade vì 95% nhà giao dịch, dù chuyên hay không chuyên, đều thua lỗ. Năm nay là giai đoạn minh chứng rõ nét nhất việc nhà đầu tư mua – bán nhiều không hiệu quả bằng nhà đầu tư tư mua và nắm giữ cổ phiếu dài hạn”, ông L giải thích.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Nguyên Minh Đức (TPHCM) cho rằng, quy định tấn suất giao dịch tối thiểu là chưa đủ cơ sở để đánh giá một nhà đầu tư là chuyên nghiệp hay không. “Tôi tham gia thị trường 14-15 năm, giao dịch với tần suất thấp. Song lợi nhuận luôn được đảm bảo”, ông Đức nói.

Tuy nhiên, ngay cả khi đáp ứng được những điều kiện để trở thành nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, thì những nhà đầu tư như ông L, ông Đức vẫn không thể tham gia các đợt chào bán TPDNRL. Bởi dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp muốn giao dịch TPDNRL phải là tổ chức, theo quy định tại khoản 1, Điều 11 Luật Chứng khoán.

Từ góc nhìn chuyên gia, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TPHCM, Công ty chứng khoán DSC đánh giá, các quy định nâng rào cản tham gia thị trường. Trong đó, định hướng “Mua - bán TPDNRL trên thị trường sơ cấp là dành cho tổ chức, các quỹ, tự doanh công ty chứng khoán. Còn nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp có thể mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp” là rõ ràng và mang tính bền vững, sau khi vận hành sàn giao dịch TPDNRL năm 2023. Nhưng một số quy định bổ sung về điều kiện là nhà đầu tư chuyên nghiệp chưa hợp lý, nhất là quy định nhà đầu tư cá nhân phải có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần/quí trong bốn quí gần nhất.

"Điều này hoàn toàn không phù hợp với nhóm có chiến lược đầu tư dài hạn, với số lần giao dịch thấp. Ngoài ra, quy định về nhà đâu tư cá nhân chuyên nghiệp hiện tại đã rất ‘chặt’ sau những lần sửa đổi” ông Huy nói và cho rằng cơ quan quản lý nên chú trọng việc đào tạo, trang bị kiến thức nhà đầu tư.

Bổ sung, các chuyên gia của Công ty Luật TNHH toàn cầu ATA cho rằng quy định về thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu riêng lẻ với nhà đầu tư chuyên nghiệp đang mâu thuẫn với chính điều kiện để được xét duyệt tư cách nhà đầu chuyên nghiệp tại dự thảo.

“Các nhà làm luật yêu cầu nhà đầu tư phải thường xuyên giao dịch và phải đạt mức thu nhập cao từ hoạt động giao dịch. Nhưng khi mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ, họ phải chờ 3 năm mới được bán. Điều này sẽ gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư khi mua chứng khoán được chào bán riêng lẻ của công ty đại chúng”, chuyên gia của ATA cho biết.

Về dài hạn, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế lo ngại, quy định tại dự thảo sẽ hạn chế phần lớn nhà đầu tư tham gia thị trường TPDNRL, làm mất đi một nguồn vốn lớn.

“Nhà đầu tư cá nhân đang nắm gần 27% khối lượng trái phiếu, chỉ sau ngân hàng thương mại. Việc siết điều kiện sẽ làm hạn chế lực lượng, vốn đang nắm giữ 1/4 khối lượng trái phiếu phát hành, tham gia thị trường. Trong khi đó, mỗi năm thị trường cần trên 800.000 tỉ đồng TPDN phát hành mới để đáp ứng mục tiêu đưa quy mô thị trường TPDN đạt mức tương đương 25% GDP vào năm 2030”, ông Thịnh nói và lo ngại việc thiếu nhà đầu tư cá nhân có thể dẫn đến tình trạng không đủ người mua.

Ứng xử ra sao với nhà đầu tư?

Để bảo vệ nhà đầu tư và đảm bảo sự phát triển của thị trường, các chuyên gia của ATA kiến nghị các nhà làm luật xem xét, bỏ yêu cầu về tần suất giao dịch. Đồng thời, quy định căn cứ xác định mức thu nhập tối thiểu theo hai hướng.

Đầu tiên thu nhập thực tế, tức là mức thu nhập phát sinh sau khi bán chứng khoán trên tài khoản. Hướng thứ hai là thu nhập ước tính, dựa trên chênh lệch giá mua vào và giá trị hiện tại của tài khoản.

Theo chuyên gia của ATA, không ít nhà đầu tư, gồm nhà đầu tư chuyên nghiệp, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, đầu tư vào trái phiếu không có tài sản bảo đảm để hưởng lợi nhuận cao. Do đó, không nên vì mong muốn bảo vệ nhà đầu tư mà “ngăn sông cấm chợ”, bởi điều này ngược với quy luật thị trường và nhu cầu của nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư trái phiếu phải ý thức rõ ràng và đánh giá được rủi ro, đồng thời chấp thuận đó như một quy luật của thị trường. Ảnh: Dũng Minh.

Về điều kiện xác định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối nghiên cứu và phân tích khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Yuanta cho rằng, cơ quan quản lý có thể khảo quy định tại một số quốc gia phát triển. Trong đó, tập trung vào ba yếu tố chính gồm: kinh nghiệm trên thị trường; giá trị tài sản ròng (NAV); thu nhập hằng năm hoặc tài sản tài chính.

Chẳng hạn, tại Singapore, nhà đầu tư chuyên nghiệp được Cơ quan Tiền tệ Singapore quy định là đáp ứng tiêu chí: có giá trị tài sản ròng vượt quá hai triệu SGD, hoặc có thu nhập hằng năm ít nhất 300.000 SGD, hoặc tài sản tài chính vượt một triệu SGD.

Tại Malaysia, Ủy ban Chứng khoán quốc gia này quy định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp phải có tổng tài sản cá nhân vượt ba triệu MYR hoặc có thu nhập hằng năm không dưới 300.000 MYR. Còn tại Thái Lan, Ủy ban Chứng khoán và giao dịch quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân cần có tài sản ròng ít nhất 30 triệu baht, hoặc có thu nhập hằng năm ít nhất ba triệu baht, hoặc đầu tư vào chứng khoán và phái sinh ít nhất tám triệu baht...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới