Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Vốn ngoại vào trung tâm dữ liệu, cuộc đua bắt đầu ‘nóng’

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG Online) - Tại khu công nghệ cao TPHCM (SHTP), hiện chỉ còn một suất đầu tư vào dự án trung tâm dữ liệu nhưng lại có đến 5 nhà đầu tư, trong đó có 4 nhà đầu tư nước ngoài muốn rót vốn. Ở nhiều khu công nghiệp và các thành phố lớn khác, nhiều doanh nghiệp quốc tế cũng đến tìm cơ hội sau khi Việt Nam bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài tại các trung tâm dữ liệu từ đầu năm tới.

Chi phí đầu tư thấp cùng với thị trường lớn được thúc đẩy bởi nền kinh tế kỹ thuật số, công nghệ AI, lưu trữ cao... Việt Nam đang có lợi thế phát triển data center. Tuy nhiên, thách thức không ít phía trước.

Bên trong trung tâm dữ liệu của VNG. Các doanh nghiệp nước ngoài đang muốn rót nhiều vốn cho hệ thống trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Ảnh: VNG

Nhà đầu "ngoại" bắt đầu chuyển động

Dự kiến vào trung tuần tháng này, TPHCM mới công bố danh mục các dự án cần kêu gọi đầu tư vào SHTP, trong đó chỉ có một dự án về trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ bộ phận xúc tiến đầu tư của khu công nghệ cao này, hiện có 5 nhà đầu tư lớn quan tâm, muốn rót vốn vào dự án này.

Trao đổi với KTSG Online, nguồn tin này cho biết, dự án cần ít nhất 300 triệu đô la Mỹ. Trong 5 nhà đầu tư muốn tham gia thì có đến bốn doanh nghiệp đến từ những quốc gia có thế mạnh phát triển trung tâm dữ liệu là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore

"Dòng đầu tư hướng đến phát triển trung tâm dữ liệu ở Việt Nam đang rất "nóng". Chúng tôi tin rằng khi công bố dự án cần kêu gọi đầu tư, sẽ có thêm các nhà phát triển trung tâm dữ liệu khác muốn tham gia", ông nói và cho biết đây là dự án lớn dành cho khách hàng hyperscaler, đặc biệt là hướng đến các ứng dụng AI có quy mô 3.000 rack (không gian chứa các thiết bị mạng).

Trước đó, một số nhà đầu tư nước ngoài cũng đã có những bước đi đầu tiên để phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam. Trong đó, Công ty Supermicro (Mỹ) mới ký ghi nhớ với Tập đoàn Sovico về phát triển trung tâm dữ liệu tại Việt Nam; ST Telemedia Global Data Centres (Singapore) hợp tác với VNG xây trung tâm thứ hai tại Khu chế xuất Tân Thuận (TPHCM), dự kiến đi vào hoạt động vào 2026.

Nhiều tập đoàn như Công ty Australia Edge Centres, Quỹ đầu tư GAW Capital, Tập đoàn NTT Global Data Centres… cũng gia tăng hợp tác, đầu tư  tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp khác cũng bày tỏ ý định muốn tham gia thị trường.

Chẳng hạn, Amazon Web Services và công ty quản lý tài sản Keppel của Singapore đã chia sẻ với Nikkei về việc muốn đầu tư vào máy chủ dữ liệu tại Việt Nam. Trước đó, Reuters cũng đưa tin vào tháng Tám, Google đang cân nhắc xây trung tâm dữ liệu và sẽ là khoản đầu tư lớn của một công ty công nghệ của Mỹ tại nền kinh tế hơn 100 triệu dân. Alibaba cũng có kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu tầm cỡ tại Việt Nam.

Những thông tin trên cho thấy, ngày càng có nhiều nhà cung cấp dịch vụ đám mây toàn cầu, đặc biệt từ Mỹ tham gia vào thị trường Việt Nam, giúp thị trường nâng cao tính cạnh và đa dạng dịch vụ.

Việt Nam hiện có hơn 30 trung tâm dữ liệu vừa và nhỏ, với tổng số hơn 20.000 rack được cho là còn trong giai đoạn sơ khai. Theo nhiều chuyên gia, nền kinh tế kỹ thuật số đang mở rộng nên mức tiêu thụ dữ liệu trong nước ngày càng tăng cao. Lượng người am hiểu công nghệ thông tin tham gia vào các hoạt động sử dụng nhiều dữ liệu như mạng xã hội, thương mại điện tử  và chơi game cùng với việc áp dụng dữ liệu lớn, IoT và công nghệ đám mây được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự mở rộng đáng kể của thị trường trung tâm dữ liệu trong thập kỷ tới.

Thị trường sẽ thay đổi lớn

Theo nhiều nguồn tin, nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường nhiều hơn nhờ những chính sách mới đem lại thuận lợi cho nhà đầu tư. Trong đó, việc Luật Viễn thông cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu hoàn toàn các trung tâm dữ liệu trong nước, không giới hạn tỷ lệ góp vốn, miễn thủ tục cấp phép cùng các ràng buộc gia nhập thị trường thông thường... được xem là những yếu tố rất tích cực để khuyến khích doanh nghiệp rót vốn.

Các trung tâm dữ liệu hiện nay chủ yếu do các doanh nghiệp công nghệ trong nước đầu tư. Ảnh: L. H

Một thuận lợi khác thu hút nhà đầu tư FDI là chi phí để phát triển trung tâm dữ liệu tại Việt Nam thấp hơn các nước khác trong khu vực. Theo báo cáo Cushman & Wakefield, chi phí phát triển dự án trung tâm dữ liệu năm 2023/2024, bao gồm giá đất, chi phí phá dỡ, giải phóng mặt bằng và xây dựng ở Việt Nam là 168 đô la/m2. Mức này được đánh giá là thấp nhất trong 37 thành phố của 14 thị trường trọng điểm tại châu Á Thái Bình Dương.

Báp cáo của JLL cũng cho biết, chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu ở Việt Nam là từ 6 - 13 triệu đô la/MW, có lợi thế hơn so với Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... những nơi có chi phí xây dựng leo thang.

Với những thuận lợi trên, bà Celina Chua, Giám đốc Giải pháp Khách hàng Trung tâm Dữ liệu (APAC) tại JLL, nhấn mạnh Việt Nam đang ở vị trí ưu tiên trong danh sách các quốc gia mà nhà đầu tư và nhà vận hành đang tìm hiểu khi xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường.

"Nhờ có vị trí địa lý chiến lược cùng các chính sách kinh tế năng động, dân số trẻ am hiểu công nghệ và nhu cầu địa phương hóa dữ liệu, Việt Nam đang trở thành một trung tâm quan trọng cho trung tâm dữ liệu ở châu Á”, bà Celina nói.

Theo Research and Markets, thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam dự kiến đạt mức 1,03 tỉ đô la vào năm 2028 và 1,26 tỉ đô vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép bình quân 10,8% mỗi năm.

Tuy nhiên, làn sóng từ các trung tâm dữ liệu mới có thể tạo ra thách thức cho việc sử dụng điện vì các lĩnh vực như sản xuất chip, AI... tiêu thụ nhiều điện năng sẽ gây áp lực lên mạng lưới điện hiện tại. Vào năm ngoái, trước tình trạng thiếu điện ở phía Bắc, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bày bỏ lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng đến sự vận hành của các trung tâm dữ liệu.

Thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam còn đối mặt với những thách thức khác, đặc biệt là yêu cầu giảm lượng khí thải carbon và chi phí đầu tư cao, thời gian hoàn vốn lên đến 5-8 năm; thiếu quy hoạch chi tiết và hạ tầng năng lượng xanh... Đây cũng là lý do mà nhiều địa phương và cả Khu công nghệ cao TPHCM đang dành ưu tiên cho những nhà đầu tư cam kết phát triển data center xanh, ứng dụng trong A, bên cạnh với yêu cầu về việc nhà đầu tư có kinh nghiệm và có tiềm lực tài chính.

Có thể nói, "cuộc đua" xây dựng trung tâm dữ liệu tại thị trường Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu tăng tốc. Trong thời gian tới, thị trường sẽ có những thay đổi lớn, điều này sẽ gây áp lực lên các công ty viễn thông trong nước, vốn đang chiếm đến 97% thị phần, buộc những doanh nghiệp này phải nhanh chóng có biện pháp ứng phó.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới