(KTSG Online) - Uớc tính, đến hết tháng 9-2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội là 43% so với tổng kế hoạch và 47,3% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
- Hà Nội hủy kết quả đấu giá 3 mỏ cát trị giá 1.700 tỉ đồng
- Điều chỉnh giảm hơn 2.000 tỉ đồng vốn đầu tư đường Vành đai 4 Hà Nội
Chiều 11-10, tại Hội nghị giao ban quí 3-2024 với lãnh đạo quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, năm 2024, thành phố giao hơn 81.033 tỉ đồng vốn kế hoạch đầu tư công (bằng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Đến ngày 25-9, lũy kế giải ngân của toàn thành phố là 29.647 tỉ đồng, đạt 36,6% kế hoạch, ước đến hết tháng 9-2024 là 43% so với tổng kế hoạch và 47,3% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, TTXVN đưa tin.
Trong năm 2024, thành phố bố trí vốn cho 17 dự án trọng điểm với số vốn kế hoạch là 15.603 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 7.106 tỉ đồng; vốn ODA cấp phát là 2.315 tỉ đồng; ODA vay lại là 1.545 tỉ đồng; ngân sách thành phố là 4.636 tỉ đồng. Lũy kế giải ngân của các công trình trọng điểm đến ngày 25-9 là 4.355 tỉ đồng, đạt 27,9% kế hoạch.
Do nhiều nguyên nhân, tiến độ triển khai các công trình còn chậm, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố tháng 9-2024, thành phố đề xuất loại bỏ 5 dự án ra khỏi danh mục công trình trọng điểm 2021 - 2023 của thành phố do dự kiến không đảm bảo tiến độ gồm dự án Khu công nghiệp Sóc Sơn; dự án Khu công viên phần mềm; 2 dự án Bảo tồn phục dựng hệ thống thủy văn tại Khu di tích Cổ Loa và phục dựng Điện Kính Thiên; dự án Đại học Thủ đô.
Đến nay, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình dân dụng vẫn còn 2 dự án chưa có kết quả giải ngân (Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín; tuyến đường số 8 - Bắc Cổ Nhuế Chèm); 16 dự án có tỉ lệ giải ngân dưới 10% và một số dự án kéo dài, giải ngân thấp như: Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Sơn Tây; dự án xây dựng đường vành đai 1; nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long; tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình; xây dựng nhà tái định cư tại phường Trần Phú...
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội có tỷ lệ giải ngân trên trung bình của thành phố, nhưng các dự án sử dụng vốn ODA hiện nay triển khai còn chậm.
Theo Ban Quản lý hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp, tỷ lệ giải ngân mới đạt 28,5%, dưới trung bình cả thành phố, trong đó một số dự án kéo dài, giải ngân thấp như xây dựng Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2 tại huyện Sóc Sơn; xây dựng trạm bơm Văn Khê và hệ thống kênh tiêu ra sông Hồng trên địa bàn huyện Mê Linh; xây dựng, nâng cấp trạm bơm Phương Trạch; hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.
Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình cả thành phố (26,9%). Trong đó, còn 10 dự án chưa có kết quả giải ngân và một số dự án kéo dài, giải ngân thấp như: Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi (Km185 - 189); Cống hóa và xây dựng tuyến đường từ nút rẽ ra phố Núi Trúc đến phố Sơn Tây... Dự án vành đai 4; Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai...