(KTSG) - Tuyến metro đầu tiên Bến Thành - Suối Tiên của TPHCM đang từ từ về đích, dự kiến sẽ khai thác thương mại sau 16 năm xây dựng. Cùng lúc, chính quyền thành phố nói rằng cần huy động nguồn vốn khổng lồ 36 tỉ đô la để hoàn thành 183 km tuyến metro đến năm 2035. Câu chuyện khai thác quyền đặt tên của Dubai năm nào có thể là một ví dụ tham khảo được.
- TPHCM lên phương án huy động vốn làm các tuyến metro
- Chính thức vận hành thử Metro Bến Thành-Suối Tiên
Quyền đặt tên (naming right) dành cho các doanh nghiệp tài trợ với các ga metro được thành phố Dubai khai thác thành công và trở thành hình mẫu cho cả thế giới. Đất nước Trung Đông cũng mở rộng hơn việc khai thác không gian quảng cáo của các phương tiện giao thông công cộng.
Dubai đã khai thác quyền đặt tên như thế nào?
Rất khó để xác định chính xác quốc gia đầu tiên sử dụng quyền đặt tên tàu điện ngầm, theo các tài liệu của Ngân hàng Thế giới (WB)(1) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)(2). Cả hai tổ chức này nói rằng việc đặt tên các ga hoặc tuyến tàu điện ngầm theo tên các tập đoàn hoặc cá nhân đã phát triển dần theo thời gian, không có thời điểm hoặc địa điểm rõ ràng nào để xác định ai là người nghĩ ra cách kinh doanh quyền đặt tên cho các ga metro hay kinh doanh không gian của các toa xe, không gian công cộng của hệ thống metro.
Tuy nhiên, tài liệu của Trung tâm nguồn lực đối tác công tư (PPPRC) thuộc WB cho rằng thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) được xem là nơi tiên phong trong lĩnh vực này với dự án Dubai Metro. PPPRC cũng khuyến cáo rằng các ga metro thường gắn liền với hình ảnh hay biểu tượng của thành phố, nên cần có hướng dẫn để các tên mới phù hợp với các giá trị cộng đồng.
Thành lập năm 2005, Cơ quan Đường bộ và Giao thông (RTA) là cơ quan chính phủ của UAE, được trao mọi quyền hạn để phát triển, vận hành và kinh doanh toàn bộ mạng lưới giao thông của quốc gia này. RTA vận hành các phương tiện công cộng, gồm xe buýt, tàu điện ngầm và xe điện (tram), taxi, phà vận tải biển và các hình thức vận tải liên thành phố.
Năm 2008, một năm trước khi Dubai Metro khai trương, RTA khởi động “Dự án quyền đặt tên tàu điện ngầm Dubai” cho 23 trong số 53 ga của hệ thống, không bao gồm các ga có địa danh lịch sử. Gói quyền đặt tên bao gồm biển hiệu bên trong ga, biển báo bên ngoài ga và không gian bên trong toa tàu. Các quyền này có thể được xem là tài sản thế chấp tại ngân hàng.
RTA chọn công ty trúng thầu trên ba tiêu chí: tổng quát (không chọn tên cá nhân, công ty phải có văn phòng tại Dubai, không có lịch sử làm ăn gian lận hay phi đạo đức), thương mại (giá thầu chiếm 65% điểm đánh giá, thời gian tài trợ lâu dài 15%, và phương thức thanh toán 20%), gắn kết (cam kết vì sự phát triển của Dubai và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp CSR).
RTA đặt ra thời hạn hợp đồng là 10 năm. Doanh nghiệp bỏ thầu phí cho năm đầu tiên, và tăng theo mức lạm phát hàng năm và phải định rõ phương thức thanh toán. RTA đề xuất nhà thầu trả trước 30% tổng giá trị hợp đồng khi ký. Bằng việc bán quyền đặt tên thôi, chưa kể không gian quảng cáo và tiền vé, Dubai Metro đã có thêm 2 tỉ dirham (khoảng 545 triệu đô la Mỹ thời điểm đó) trong giai đoạn 2010-2020. Trước đó, RTA đã thu được 70-90 triệu dirham (19-25 triệu đô la) từ việc bán quyền đặt tên trong năm 2008.
Năm 2010, RTA hợp tác với hãng quảng cáo Hypermedia để quản lý và kinh doanh quảng cáo tàu điện ngầm, bao gồm quy hoạch không gian quảng cáo cũng như thiết kế, vận hành và tiếp thị các dịch vụ quảng cáo tại các ga, toa tàu và các tuyến đỏ và xanh của hệ thống Dubai Metro. Với các tuyến xanh và đỏ, Dubai Metro “sở hữu” tổng diện tích bán lẻ 8.112 mét vuông, 200 cửa hàng bán lẻ, 228 máy ATM và 90 kios…
Bài học cho cả thế giới
Quyền đặt tên tàu điện ngầm đã trở thành một chiến lược phổ biến đối với các thành phố và cơ quan quản lý vận tải và metro trên toàn cầu. Đó là mô hình mà tất cả các bên liên quan đều thắng hay có lợi.
Chính quyền thông qua cơ quan vận hành có thêm nguồn thu mới, không phải từ tiền bán vé, để cải tạo các nhà ga, các tuyến metro, mở rộng mạng lưới… Doanh nghiệp tài trợ được quảng bá thương hiệu trong không gian metro, nâng tầm nhận diện thương hiệu. Cộng đồng hay hành khách được hưởng các tiện nghi và dịch vụ tốt hơn mà không phải trả thêm phí, thuế.
Mô hình kinh doanh của Dubai Metro đã nhanh chóng lan nhanh khắp các thành phố lớn trên toàn cầu. Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha thực hiện theo mô hình này năm 2012. Cơ quan quản lý giao thông London (TfL) học theo Madrid vào năm 2015 khi đổi tên ga tàu nổi tiếng Canada Water thành Buxton Water - tên một loại nước khoáng của Tập đoàn Nestlé. TfL không tiết lộ Nestlé trả bao nhiêu cho khoản tài trợ. Nhưng thỏa thuận này là một phần trong nỗ lực huy động 3,4 tỉ bảng, bao gồm cả doanh thu bán vé, trong giai đoạn 2015-2024 để cải tạo mạng lưới metro thuộc loại lâu đời nhất thế giới - khai trương năm 1863.
Tại Đông Nam Á, Prasarana - nhà cung cấp dịch vụ vận tải công thuộc sở hữu Chính phủ Malaysia - đã triển khai dự án quyền đặt tên năm 2007. Quyền đặt tên có giá hơn 10 triệu ringgit, tỷ giá thời điểm đó là 2,3 triệu đô la Mỹ, cho hợp đồng năm năm. Singapore cũng có thỏa thuận tương tự với Trung tâm thể thao Singapore (SSH) - khu phức hợp thể thao và giải trí rộng 35 héc ta được thành lập theo thể thức đối tác công tư giữa Sports Singapore và Sports Hub Pte. Ltd.. Năm 2013, Ngân hàng OCBC - một trong ba ngân hàng lớn nhất của Singapore và cũng là của ASEAN về giá trị tài sản - đã chi 50 triệu đô la Singapore (36 triệu đô la Mỹ thời điểm đó) để đặt tên mới cho SSH theo hợp đồng 15 năm.
Tuy vậy, mạng lưới metro ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc gây sự chú ý trong thời gian gần đây.
Cuối tháng 9 vừa rồi, Seoul Metro thông báo đã kiếm được nguồn thu 15 tỉ won (11,4 triệu đô la Mỹ) từ việc bán quyền đặt tên các ga tàu điện ngầm trong bốn năm qua.
Kể từ năm 2016, Seoul Metro đã bắt đầu bán đấu giá quyền đặt tên của các ga metro cho các doanh nghiệp quan tâm, giúp công ty vượt qua những khó khăn về tài chính. Các thỏa thuận đổi tên này giữa Seoul Metro và nhà tài trợ có giá trị cứ mỗi ba năm. Theo thỏa thuận, những cái tên mới được đặt trong ngoặc đơn và hiển thị bên cạnh tên gốc của ga metro. Các tên mới cũng được sử dụng trong các thông báo trên tàu và tại ga.
Trong số 276 ga trên tám trong chín tuyến tàu điện ngầm do Seoul Metro quản lý, 39 ga có thêm tên mới theo các hợp đồng tài trợ. Doanh nghiệp muốn giành được quyền đặt tên cho một ga metro phải nằm cách ga trong phạm vi 500-1.000 mét, phải chọn một cái tên thích hợp với địa điểm và không gian công cộng. Doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí trên và bỏ giá cao nhất sẽ trúng thầu.
Trong đợt đấu thầu mới nhất năm 2024, ga metro kiếm được nhiều tiền nhất là Ga Gangnam với hợp đồng trị giá hơn 1,1 tỉ won. Từ tháng 10 năm nay, ga này sẽ có thêm tên mới là Ga Haru Plant Dental Clinic - một phòng khám nha khoa cách đó không xa.
Xếp sau Gangnam - Haru Plant, CJ Olive Young - hãng con chuyên bán lẻ các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp của Tập đoàn CJ - chi 1 tỉ won để được nêu tên bên cạnh Ga Seongsu. Tương tự hãng thẻ Shinhan Card chi 874,5 triệu won cho Ga Euljiro 3-ga…
Hy vọng về hệ thống metro của thành phố
Toàn bộ chiều dài của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên là 20 ki lô mét, đi qua 13 ga. Khởi công năm 2008, tuyến metro đầu tiên được kỳ vọng hoạt động từ năm 2017.
Nhiều doanh nghiệp đã nhìn ra cơ hội kinh doanh mới từ tuyến metro này.
Năm 2014, T.P - một doanh nghiệp phát hành báo chí và xuất bản ở thành phố - đã hy vọng khai thác quyền xuất bản báo in miễn phí trên tuyến đầu tiên. Sự thoái trào của báo in và thời gian khai trương nhiều lần bị trì hoãn khiến doanh nghiệp bỏ luôn ý định…
Tiếp đó, có lẽ từ mô hình Madrid và London, một hãng tư vấn Anh đã đeo đuổi trong nhiều năm, mời chào TPHCM gói thầu tư vấn về cách thức khai thác toàn bộ không gian của hệ thống, như kêu gọi doanh nghiệp tài trợ để giành quyền đặt tên cho ga metro, xây dựng hệ thống quảng cáo bảng điện tử tại các nhà ga, kế hoạch cho thuê các cửa hàng trong hệ thống metro…
Chẳng hạn như nếu lấy ga Bến Thành làm cột mốc trung tâm, thì một trong các ngõ ra của ga có thể là ngân hàng thương mại hàng đầu, như Techcombank, BIDV, Vietcombank, VietinBank hay MB Bank, hay các chuỗi gym lớn như California Fitness & Yoga hay Citygym... Các doanh nghiệp này sẵn sàng bỏ tiền tài trợ, quảng cáo để lối ra sơn màu hay logo của doanh nghiệp…
Hãng tư vấn Anh cũng chuẩn bị kế hoạch khai thác toàn bộ các cửa hàng bán hàng ở các ga. Khách đi metro một ngày ít nhất hai lượt buộc phải thấy và phải dùng các sản phẩm và dịch vụ ở các ga, vì thuận tiện…
Nhưng đáng tiếc, cả hãng tư vấn và thành phố đều bỏ lỡ cơ hội.
Mới đây, khi có tin tuyến metro số 1 sẽ hoạt động vào cuối năm, một số doanh nghiệp đã nghĩ đến khai thác hệ thống WiFi trên các tuyến metro…
(1) https://ppp.worldbank.org/public-private-partnership/transportation/station-naming-rights-dubai
(2) https://blogs.adb.org/blog/beyond-fares-revenue-solutions-metros-india