(KTSG Online) – Sau giai đoạn “bị lãng quên”, mối quan tâm về tỷ giá đã trở lại vào giai đoạn cuối năm, trong bối cảnh thị trường tiếp tục chịu sức ép từ diễn biến các đồng ngoại tệ mạnh trên thế giới.
Đô la tăng giá liên tiếp
Thị trường ngoại hối dường như chuẩn bị có đợt biến động mới, khi tỷ giá bất ngờ tăng mạnh từ giữa tuần trước. Ngân hàng Vietcombank chào giá bán 25.462 đồng/đô la vào chiều ngày 23-10, trong khi thị trường tự do chào bán quanh mức 25.742 đồng/đô la. Tỷ giá liên ngân hàng cũng tăng mạnh trong thời gian qua, quanh vùng 25.000 đồng/đô la.
Trong tuần trước, tỷ giá liên ngân hàng cũng như tại các ngân hàng thương mại tăng mạnh 1,46%, tương đương mức tăng 2,9% so với cuối tháng 9 và 3,7% so với cuối năm 2023, theo báo cáo cập nhật của Công ty chứng khoán SSI. Tuy nhiên, có một điểm tích cực là tỷ giá trên thị trường tự do vẫn ghi nhận mức tăng thấp (chỉ 0,1% so với tuần trước đó), cũng như chênh lệch giữa hai thị trường cũng được thu hẹp lại.
Tiền đồng chịu sức ép trong bối cảnh chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ với rổ ngoại tệ mạnh khác) đang tăng lên trong thời gian qua. “DXY đang tăng trở lại, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng bật tăng và giá vàng lập đỉnh mới. Những yếu tố này đang tạo ra áp lực mạnh hơn đối với xu hướng tỷ giá trong nước”, ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích khối Khách hàng Cá nhân, Công ty chứng khoán Maybank bình luận.
Trong bản tin cập nhật thị trường tài chính ngày 23-10 của Ngân hàng ACB, chỉ số DXY tiếp tục tăng nhẹ thêm gần 0,1% trong ngày hôm qua, lên mức cao nhất trong vòng 15 tuần. DXY tăng được lý giải vì thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ điều chỉnh lộ trình cắt giảm lãi suất chậm lại. Thị trường hiện đang nhận định có 10% khả năng lãi suất được giữ không đổi.
Một điểm cần chú ý khác là đồng đô la Mỹ tăng lên trong tương quan nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới hạ lãi suất. Chẳng hạn như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa cắt giảm lãi suất lần thứ ba trong năm, khi lạm phát có xu hướng giảm về mức mục tiêu 2%. Tương tự, Trung Quốc cùng Thái Lan cũng vừa cắt giảm lãi suất. Trong khi chỉ số DXY tăng lên gần đây, nhiều đồng tiền chủ chốt khác ở châu Á hiện nằm trong chiều giảm như đồng yen Nhật Bản, hay đồng won Hàn Quốc.
Sức ép ngắn hạn lên tiền đồng
Ngoài diễn biến tăng giá trên thị trường thế giới, nhu cầu về đồng đô la vào cuối năm thường được cho là tăng lên theo mùa vụ, từ đó gây sức ép ngắn hạn đến thị trường ngoại hối của Việt Nam.
Đánh giá của nhóm phân tích thị trường của ACB cho thấy trong ngày hôm qua, lực cầu ngoại tệ hoàn toàn vượt trội so với nguồn cung trên thị trường. Vùng giá hiện tại cũng đã tiệm cận mức tỷ giá bán đô la của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Còn theo SSI, không chỉ nhu cầu nhập khẩu tăng mà cũng cần lưu ý khoản trái phiếu Chính phủ quốc tế đáo hạn trong quí này.
Một động thái khác cũng được chú ý là trong phiên thứ Sáu tuần trước và thứ Hai vừa qua, NHNN phát hành tín phiếu giá trị ròng 34.000 tỉ đồng, trở lại “hút ròng” sau hơn 5 tháng. Theo nhóm phân tích Maybank, lãi suất trúng thầu ở vùng 3,75% (kỳ hạn 14 ngày) và 4% (kỳ hạn 28 ngày) vẫn cho thấy định hướng nới lỏng của NHNN. Ngoài ra, NHNN chưa có động thái muốn bán đô la can thiệp trực tiếp, với mức giá 25.402 đồng/đô la.
Trao đổi với KTSG Online trước đó, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, cho rằng áp lực tỷ giá sẽ mang tính thời điểm.
“Ở thời điểm cung cầu không gặp nhau, tiền chưa về hay doanh nghiệp chưa muốn bán, hoặc cần tiền bán ngay cũng sẽ gây ra biến động trên thị trường ngoại hối. Còn nếu xảy ra đồng thời thì tỷ giá đỡ biến động hơn”, ông Khoa nói.
Ngoài ra, vị này cũng nói thêm rằng sẽ khó đoán định được sức ép lớn như thế nào và kéo dài hay không, đặc biệt là trong bối cảnh rất khó đoán định biến số từ thế giới. Yếu tố kỳ vọng sẽ xoay chuyển rất nhanh không chỉ vì Fed, mà còn theo kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ và căng thẳng địa chính trị.
Trong khi đó, nguồn cung về ngoại tệ được đánh giá là “không có vấn đề gì” khi nhìn đến dòng tiền từ hoạt động xuất khẩu, kiều hối và giải ngân vốn FDI. Vì thế nhiều nhà phân tích kỳ vọng khả năng nguồn cung cuối năm nay sẽ giúp ổn định tỷ giá trong nửa cuối quí 4 này.
Lạc quan hơn, đại diện phân tích của Maybank bình luận áp lực tỷ giá lần này sẽ không kéo dài khi Fed bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất. “Chúng tôi tin vào kịch bản tiền đồng sớm ổn định so với đô la Mỹ trong thời gian tới và NHNN sẽ vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, ông Lâm nói.