Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giải mã phương pháp phân tích báo cáo tài chính

Lê Hoài Ân (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Phân tích báo cáo tài chính của doanh nghiệp là một việc làm thường xuyên đối với nhà đầu tư. Một câu hỏi phổ biến đó là nên thực hiện phân tích bảng cân đối kế toán trước hay là bảng kết quả kinh doanh trước? Câu hỏi này tưởng chừng như phụ thuộc vào quan điểm của từng nhà phân tích, nhưng phía sau nó đều có logic và tính động của nó tùy thuộc vào đặc điểm mô hình kinh doanh khác nhau của các doanh nghiệp được phân tích.

Ảnh: TTXVN

Phân tích tài chính là nhằm làm sáng tỏ cấu trúc tài chính và cấu trúc kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các dự báo phục vụ các mục tiêu sau khác nhau. Thông qua việc hiểu rõ về cấu trúc tài chính - tức là các khoản nợ, vốn chủ sở hữu và phân bổ tài sản, cùng với cấu trúc kinh doanh - bao gồm doanh thu, chi phí và lợi nhuận, nhà phân tích có thể đánh giá khả năng sinh lời, mức độ an toàn và tính thanh khoản của doanh nghiệp. Những hiểu biết này không chỉ giúp dự báo lợi nhuận và rủi ro trong tương lai mà còn tạo nền tảng để phục vụ các mục tiêu khác nhau như định giá doanh nghiệp, quyết định đầu tư, hoặc đề xuất cải thiện hiệu quả quản trị tài chính. Phân tích tài chính, xét cho cùng, là một quá trình khám phá và làm rõ các yếu tố chi phối sự phát triển của doanh nghiệp, giúp định hình các chiến lược tài chính hợp lý và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn.

Mô hình phân tích tài chính doanh nghiệp truyền thống

Đối với các doanh nghiệp sản xuất và thương mại, phân tích tài chính thường bắt đầu từ bảng kết quả kinh doanh để có cái nhìn nhanh về doanh thu và biên lợi nhuận. Ví dụ, với Công ty Thép Hòa Phát, doanh thu của công ty trong năm 2022 bị ảnh hưởng lớn bởi biến động giá nguyên liệu như thép, than đá và quặng sắt. Phân tích bảng kết quả kinh doanh cho phép nhà đầu tư hiểu rõ sự thay đổi biên lợi nhuận khi giá nguyên liệu dao động, giúp đánh giá hiệu quả quản lý chi phí của công ty. Trong năm 2022, khi giá thép giảm mạnh, biên lợi nhuận của Hòa Phát bị ảnh hưởng tiêu cực, cung cấp một bức tranh rõ ràng hơn về các thách thức mà công ty phải đối mặt.

Sau khi đánh giá lợi nhuận, phân tích bảng cân đối kế toán sẽ giúp hiểu rõ cấu trúc tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp. Cụ thể, việc xem xét tài sản dài hạn, vốn vay và vốn chủ sở hữu cho thấy mức độ an toàn và tính cân đối của cấu trúc tài chính. Những kế hoạch trong việc thay đổi quy mô doanh thu ở bảng kết quả kinh doanh sẽ tác động đến sự thay đổi trong mức tài sản cần đầu tư, từ đó ảnh hưởng đến quy mô và cấu trúc nguồn vốn cần sử dụng. Đối với Hòa Phát, quá trình mở rộng đầu tư vào các dự án lớn như Khu liên hợp thép Dung Quất đã làm gia tăng tài sản cố định và nợ phải trả dài hạn. Phân tích bảng cân đối kế toán giúp nhà đầu tư nắm bắt rõ khả năng tài trợ dài hạn của công ty và các rủi ro tài chính liên quan trong quá trình mở rộng sản xuất.

Việc phân tích tài chính trong quá khứ là nhằm giúp chúng ta đưa ra những dự báo tốt hơn về triển vọng tài chính của doanh nghiệp trong tương lai. Trong quy trình dự báo tài chính cho doanh nghiệp sản xuất, việc dự báo doanh thu và lợi nhuận bắt đầu từ bảng kết quả kinh doanh, từ đó xác định nhu cầu đầu tư vào tài sản cố định và vốn lưu động, được thể hiện trong bảng cân đối kế toán. Ví dụ, nếu dự báo doanh thu của Hòa Phát tăng trong năm 2023, nhu cầu đầu tư vào máy móc và thiết bị cũng sẽ tăng theo để đáp ứng sản xuất, kéo theo các khoản vay dài hạn. Quy trình này giúp đảm bảo tính logic trong việc đánh giá triển vọng tài chính, đồng thời xác định các yếu tố rủi ro trong cấu trúc vốn.

Phân tích ngân hàng lại đi theo một logic khác

Khác với các doanh nghiệp sản xuất, ngân hàng không tạo ra doanh thu từ bán hàng mà từ hoạt động cho vay và đầu tư. Do đó, phân tích bảng cân đối kế toán thường được ưu tiên để hiểu rõ cấu trúc tài sản và các khoản cho vay. Các ngân hàng thường tập trung vào tỷ lệ dư nợ cho vay, tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu chính phủ và các tài sản khác nhằm đảm bảo thanh khoản và giảm rủi ro.

Mỗi năm thì các ngân hàng thương mại sẽ dựa trên mức room tín dụng được cấp từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và khả năng tăng trưởng để thực hiện phân bổ vào các loại tài sản tài chính phù hợp, từ các khoản cho vay khách hàng, cho vay tổ chức tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp. Mỗi loại tài sản đầu tư sẽ có một mức sinh lời và mức rủi ro tương ứng. Tùy thuộc vào chiến lược và khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng mà họ sẽ thực hiện phân bổ các loại tài sản tăng trưởng khác nhau trong năm.

Bảng 1-2 thể hiện một ví dụ minh họa về luận điểm phân tích đối với tình hình tài chính của Ngân hàng ACB từ báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán KBSV. Nội dung thể hiện việc phân tích cấu trúc tài sản của ngân hàng đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc đánh giá sức khỏe tài chính của một ngân hàng.

NIM (Net Interest Margin) là yếu tố chính tiếp theo trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động của ngân hàng nhưng lại phụ thuộc hoàn toàn vào cấu trúc tài sản và nguồn vốn trong bảng cân đối kế toán. NIM thể hiện lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay. Những ngân hàng lớn như Vietcombank, ACB và Techcombank có NIM ổn định nhờ vào cơ cấu tài sản hiệu quả. Sau khi đánh giá triển vọng tăng trưởng thì chúng ta sẽ đánh giá xem liệu kế hoạch tăng trưởng đó có thể giúp cải thiện hoặc ít nhất duy trì mức NIM hiện tại hay không, từ đó đánh giá khả năng sinh lời của các ngân hàng.

Yếu tố cuối cùng trong những biến số quan trọng mà chúng ta cần phân tích đó là mức tỷ lệ nợ xấu dự kiến của các ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu sẽ phản ánh phần nào chất lượng danh mục cho vay của ngân hàng. Sự sụt giảm trong chất lượng danh mục sẽ khiến tiềm năng lợi nhuận của ngân hàng bị ảnh hưởng xấu và cả chất lượng lợi nhuận của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng xấu đi.

Việc phân tích cấu trúc tài sản và xu hướng thay đổi trong cấu trúc tài sản của ngân hàng đặt tiền đề quan trọng cho việc phân tích và dự báo xu hướng của bảng kết quả kinh doanh của ngân hàng trong tương lai, cuối cùng xác định được lợi nhuận tiềm năng của ngân hàng.

Quy trình phân tích tài chính cần được thực hiện theo thứ tự phù hợp với loại hình doanh nghiệp dựa trên đặc thù mô hình kinh doanh khác nhau. Đối với ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại ở Việt Nam, thì chúng ta bắt đầu từ bảng cân đối kế toán, sẽ cung cấp cái nhìn toàn diện về cấu trúc tài sản và nguồn vốn, giúp đánh giá chính xác hơn khả năng sinh lời. Hiểu rõ sự khác biệt này không chỉ giúp nhà đầu tư đánh giá chính xác sức khỏe tài chính mà còn tránh được các sai lầm trong việc phân tích và dự báo triển vọng của doanh nghiệp.

(*) CFA

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới