Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

ADB và WB: Kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn dự kiến

T.H

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam ông Andrew Jeffries ngày 21-9 ghi nhận, kinh tế Việt Nam được đánh giá phục hồi nhanh hơn dự kiến và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức.

Đại diện ADB đánh giá, nền kinh tế Việt Nam phục hồi ổn định nhờ các cân đối kinh tế mạnh mẽ từ Chính phủ; các ngành sản xuất chế biến chế tạo và dịch vụ cũng phục hồi nhanh hơn dự kiến.

Cụ thể, quí 2 kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng GDP đạt 7,7% và đạt mức tăng bình quân 6,4% trong nửa năm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và 2020 dù vẫn thấp hơn mức trước đại dịch.

Tăng trưởng khu vực dịch vụ phục hồi đạt mức 6,6% từ 3,9% trong cùng kỳ năm 2021 nhờ lượng khách du lịch trong nước tăng mạnh lên 60,8 triệu lượt. Du lịch trong nước phục hồi kéo theo các dịch vụ liên quan đến du lịch tăng 7% trong nửa năm 2022.

Các ngành kinh tế chủ lực đang phục hòi giúp Việt Nam có tăng trưởng triển vọng - Ảnh TTXVN

Kinh tế phục hồi đã thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ tài chính và ngân hàng lên mức 9,5% so với 9,1% cùng kỳ năm trước và cao hơn nhiều so với trước đại dịch; số doanh nghiệp quay trở lại làm ăn cũng tăng mạnh...

Trong 8 tháng đầu năm, nhờ hoạt động kinh tế phục hồi và tỷ giá hối đoái ổn định, xuất khẩu đã đạt 250,8 tỉ đô la, tăng 17,1% so với cùng kỳ 2021. Sản xuất trong nước phục hồi kéo nhập khẩu tăng 13,6%, đạt 246,8 tỉ đô la, giúp thặng dư thương mại đạt 4 tỉ đô la.

Do vậy, ADB giữ nguyên tín nhiệm triển vọng kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với GDP tăng 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023 trong khi hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ thận trọng của Việt Nam và việc kiểm soát giá hiệu quả, đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu đã giúp kiềm chế lạm phát ở mức 3,8% năm 2022 và 4% năm 2023, không thay đổi so với dự báo ADB đưa ra trước đó.

Tuy nhiên, ADB cũng cảnh báo, triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng. Đầu tiên là với xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng của ADB, suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn có thể tác động nặng nề đến xuất khẩu hơn dự báo, điều này sẽ làm cán cân tài khoản vãng lai xấu đi.

Theo phân tích của ADB, cầu trên thị trường thế giới yếu hơn khiến xuất khẩu chậm lại. Tiền đồng giảm giá làm giá trị hàng nhập khẩu đắt hơn hàng xuất khẩu, dự kiến dẫn đến thâm hụt thương mại trong năm nay.

Kinh tế trưởng của ADB, ông Cường cho biết, trong tháng 8, số lượng đơn đặt hàng với Việt Nam đã giảm. Trong đó số đơn đặt hàng từ Hàn Quốc, Đài Loan giảm kéo theo một số thị trường khác. Điều này theo ADB là bình thường, đặc biệt trong tình cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất.

Trước đó, một số chuyên gia, tổ chức cũng bày tỏ sự thận trọng về xuất khẩu của Việt Nam trước những thách thức đang tồn tại. HSBC đã ghi nhận các dấu hiệu ban đầu cho thấy nhu cầu với nhiều mặt hàng điện tử đang giảm đi.

VnDirect đã đưa ra quan điểm, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có thể chậm lại trong các tháng cuối năm 2022. Theo các tổ chức này, nguyên nhân chính là điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, đứt gãy chuỗi cung ứng có thể làm suy yếu triển vọng tăng trưởng, dẫn đến nhu cầu yếu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh xuất khẩu, nền kinh tế Việt Nam cũng phải đối diện với rủi ro lạm phát cao. Dù các đợt tăng lãi suất quyết liệt của ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn đã góp phần giảm áp lực tăng giá trên toàn cầu, sự gia tăng bất ổn địa chính trị toàn cầu lại có thể đẩy giá hàng hóa lên cao, ảnh hưởng đến lạm phát. Lạm phát toàn cầu vẫn cao dù có xu hướng giảm gốc và các điều kiện tài chính thắt chặt cũng sẽ làm kiều hối tiếp tục giảm.

Xuát khẩu thủy hải sản tăng trưởng, giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn dự kiến - Ảnh minh họa: T.C

Ngân hàng Thế giới (WB) trong công bố ngày 16-9 nhận định rằng, quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam tiếp tục diễn ra mặc dù lạm phát toàn cầu tăng cao và tăng trưởng kinh tế yếu đi ở các quốc gia đối tác thương mại chính.

WB khuyến cáo, các cấp có thẩm quyền cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến giá lương thực, thực phẩm và các mặt hàng cơ bản. Đồng thời, mặc dù giá nhiên liệu gần đây đã hạ nhiệt, nhưng biến động giá nhiên liệu trên toàn cầu vẫn khó lường.

Việt Nam nên khuyến khích sản xuất và sử dụng năng lượng thay thế nhằm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu nhập khẩu và thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Bên cạnh đó, hệ thống trợ giúp xã hội cần được củng cố, bao gồm cả hệ thống đăng ký, lựa chọn đối tượng và giải ngân, tạo thuận lợi tiếp cận những người dân bị ảnh hưởng trong thời gian dịch bệnh vừa qua.

Nhìn chung WB cũng đánh giá kinh tế Việt Nam tích cực. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ trong tháng 8 tăng trưởng cao, thêm tương ứng 15,6% và 50,2% so với cùng kỳ. Vốn FDI đăng ký giảm nhưng giải ngân FDI tiếp tục được cải thiện, góp phần cho xu hướng tăng liên tục trong 11 tháng.

Lạm phát CPI giảm nhẹ từ 3,1% trong tháng 7 xuống còn 2,9% trong tháng 8. Tăng trưởng tín dụng vẫn được duy trì ở mức cao, 16,2%. Ngân sách Nhà nước ghi nhận bội thu trong 8 tháng liên tiếp.

Trong bối cảnh kinh tế tiếp tục hồi phục, WB và ADB dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn hơn nhiều khu vực khác. Theo Dragon Capital, VN-Index sẽ không "xuyên thủng" ngưỡng 1.200 điểm. Thị trường đang ở mức định giá hấp dẫn, với P/E 10 lần và tăng trưởng EPS đạt mức 17%. Thị trường Việt Nam có triển vọng về lợi nhuận vượt trội trong nhóm các thị trường mới nổi trong khi rủi ro ở mức độ thấp hơn nhờ nội tại vĩ mô ổn định.

Theo ADB, WB và TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới