Chủ Nhật, 6/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Ai cứu sông Cầu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ai cứu sông Cầu?

Sông Cầu đang phải oằn mình gánh chịu đủ thứ chất thải chưa qua xử lý. Ảnh: Thành Trung

(TBKTSG) - Trước tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu đã được thành lập và chính thức ra mắt vào cuối tháng 3 vừa qua, theo Quyết định số 171 ngày 14-11-2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, hiện nay cơ quan này vẫn chưa tìm được tiếng nói chung với các bộ, ngành và địa phương để đưa ra những giải pháp hiệu quả…

Sông Cầu kêu cứu

Tại phiên họp lần thứ hai của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu (sau đây gọi tắt là ủy ban) và thông qua kế hoạch triển khai Đề án sông Cầu năm 2008 và giai đoạn 2008-2011, do Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức cuối tháng 3, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên lên tiếng cảnh báo rằng, tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường ở nhiều nơi trong lưu vực sông Cầu đã đến mức báo động, trong khi dự báo tác động môi trường của quá trình phát triển kinh tế - xã hội sẽ còn tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới.

“Ngay từ bây giờ, vấn đề bảo vệ môi trường các lưu vực sông phải được các bộ, ngành và đặc biệt là các địa phương liên quan đặt thành một nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách”, ông Nguyên nói. Ông Phạm Xuân Đương, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên kiêm Chủ tịch ủy ban, cũng thừa nhận sông Cầu đã trở thành một trong ba lưu vực sông bị ô nhiễm nặng nề nhất cả nước.

Theo Cục Bảo vệ Môi trường, các tác nhân gây ô nhiễm nước sông Cầu rất đa dạng. Tại Bắc Kạn, Bắc Giang và các vùng thuần nông khác trên lưu vực sông, thủ phạm là nước thải sinh hoạt và từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp không được kiểm soát, ngày đêm vô tư xả xuống dòng sông. Còn ở các huyện giáp sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc), huyện Đông Anh (Hà Nội)… tác nhân gây ô nhiễm là sản xuất công nghiệp, làng nghề và đô thị.

Xét về tổng lượng nước thải công nghiệp thì ngành khai thác mỏ, chế biến khoáng sản chiếm tỷ lệ cao nhất với 55%, sau đó là kim khí 29%, giấy 7% và chế biến nông sản thực phẩm 4%. Hoạt động khai thác và tuyển quặng phát triển mạnh ở Bắc Kạn và Thái Nguyên bao nhiêu, thì sông Cầu càng gánh nhiều hậu quả bấy nhiêu. Đáng chú ý là đa số mỏ khai thác nằm trong lưu vực sông Cầu không có hệ thống xử lý nước thải nên nguồn nước độc hại thải ra trong quá trình khai thác được xả thẳng vào nguồn nước mặt khiến con sông phải oằn mình gánh chịu.

Sản xuất giấy cũng góp phần làm cho dòng sông ngày càng bệnh nặng hơn, với tổng lượng nước thải khoảng 3.500 mét khối/ngày. Nước thải của Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ (Thái Nguyên) chứa các chất ô nhiễm vô cơ, COD, xơ sợi khó lắng, nước có màu đen, độ kiềm cao và bốc mùi ảnh hướng nhiều nhất tới chất lượng nước sông. Ngành chế biến thực phẩm với lượng nước thải 2.000 mét khối/ngày có thành phần chủ yếu là hợp chất hữu cơ, gluxit, lipit, vi khuẩn, coliform… không được xử lý cũng được đổ thẳng vào cống, mương, kênh rạch và chảy ra sông làm cho nước bốc mùi hôi thối.

Nếu Thái Nguyên là nơi có ngành công nghiệp gây ô nhiễm nặng nhất cho sông Cầu thì Bắc Ninh lại “vô địch” về nguồn ô nhiễm từ các làng nghề. Hơn 60 làng nghề của tỉnh mỗi ngày thải ra 3.500-4.000 mét khối nước xuống sông Cầu, trong đó chứa rất nhiều axít, kiềm, dầu, gỉ sắt và đều vượt tiêu chuẩn cho phép.

Về nước thải sinh hoạt, Hải Dương là tỉnh có lượng nước thải lớn nhất với khoảng 25%, tiếp đến là Bắc Giang 23%, Vĩnh Phúc 17%. Các bệnh viện và cơ sở y tế trên lưu vực sông xả ra một lượng nước thải y tế ước tính là 5.400 mét khối/ngày.

Đâu là giải pháp?

“Con sông Cầu đang kêu cứu. Nhưng không hiểu, lời khẩn cầu của một dòng sông đang lâm bệnh nặng có khiến Bộ Tài nguyên - Môi trường và các địa phương hành động ngay hay vẫn chỉ là những lời hứa?”, một chuyên gia về môi trường nói với TBKTSG.

Việc xác định “nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách” để cứu vãn các con sông bị ô nhiễm, trong đó có sông Cầu, thực ra đã được bộ nêu quyết tâm nhiều lần tại các hội nghị. Tại buổi công bố Báo cáo môi trường quốc gia năm 2006 với chủ đề “Hiện trạng môi trường nước ba lưu vực sông: Cầu, Nhuệ-Đáy và hệ thống sông Đồng Nai” hồi tháng 4-2007, các chỉ số điều tra về mức độ ô nhiễm của sông Cầu đã được ông Phạm Khôi Nguyên, khi đó là Thứ trưởng, khẳng định là “báo động”. Thời điểm đó, lãnh đạo bộ nói: “Ngay từ bây giờ, việc khắc phục ô nhiễm và bảo vệ sông cần phải làm ngay”. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các cơ quan chức năng đã làm được gì, ngoài việc đưa ra các thống kê và tổ chức hội nghị?

Chẳng hạn, theo báo cáo của Cục Bảo vệ Môi trường, năm 2005 sông Cầu đoạn chảy qua tỉnh Bắc Kạn đã bắt đầu bị ô nhiễm nhẹ ở một vài địa điểm. Tại khu vực cầu Phà và cầu Thác Riềng, hàm lượng BOD5 đã vượt quá Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) 5942-1995 đối với nguồn loại A. Tuy nhiên, hiện trạng môi trường sông đoạn chảy qua Bắc Kạn năm 2006-2007, cũng theo khảo sát của cục, vẫn có BOD5 vượt và xấp xỉ TCVN loại A giống như tình trạng năm 2005. Đó là chưa kể, COD đoạn suối Phượng Hoàng thuộc sông Cầu thậm chí còn cao hơn cả giai đoạn 2003-2005, tức là cao hơn TCVN loại B.

Trong khi đó, các cấp có thẩm quyền vẫn loay hoay chưa tìm ra giải pháp đồng bộ để cứu sông. Ban chỉ đạo lâm thời khai thác và bảo vệ lưu vực sông Cầu đã được thành lập theo thỏa thuận của sáu tỉnh trong khu vực. Song trên thực tế, các tổ chức và ủy ban này cho đến nay không còn hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả.

Giải pháp cụ thể khắc phục ô nhiễm sông Cầu và bảo vệ sức khỏe người dân là rất cần thiết và phải được tiến hành nhanh hơn các cuộc họp, khi tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh, thành phố xung quanh lưu vực sông đang tăng nhanh. Theo GS.TS. Yasuaki Maeda, chuyên gia môi trường của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) - tổ chức đã chọn sông Cầu để thí điểm dự án hỗ trợ “Nghiên cứu quản lý môi trường nước các lưu vực sông tại Việt Nam” nhằm nâng cao năng lực quản lý môi trường và xử lý ô nhiễm cho cán bộ môi trường Việt Nam - việc “vạch mặt” thủ phạm gây hại cho sông là rất đơn giản, cái khó là làm sao có được tiếng nói chung giữa các bộ, ngành và địa phương.

Chính vì thế, theo nhiều ý kiến, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là các cơ quan chức năng và các địa phương phải tìm ra cơ chế phối hợp tốt nhất để kiểm soát các khu vực bị ô nhiễm theo kiểu khoanh vùng. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng nên hạn chế cấp phép đầu tư khai thác khoáng sản, sản xuất bột giấy, khai thác cát tại lưu vực của sông.

Sông Cầu có lưu vực sông lớn và vị trí địa lý đặc biệt quan trọng trong hệ thống sông ngòi trên cả nước với diện tích 6.030 ki lô mét vuông, chảy qua bảy tỉnh, thành: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng và Hà Nội. Đây là khu vực có mật độ dân số rất cao với gần bảy triệu người. Ở lưu vực con sông này cũng có hơn 800 cơ sở sản xuất công nghiệp, 200 làng nghề và 1.200 cơ sở y tế nhưng việc quản lý chất thải lại rất lỏng lẻo.

THÀNH TRUNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới