Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

AI mở rộng cánh cửa thị trường cho sản phẩm số

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Các doanh nghiệp toàn cầu đã nhận ra sức mạnh của AI trong việc xây dựng và phát triển các sản phẩm tài chính số mới cho thị trường ASEAN và Việt Nam. Trong đó có thể kể đến hai câu chuyện tiêu biểu của Validus từ Singapore và Tyme có nguồn gốc từ Nam Phi khi bước vào thị trường Việt Nam.

Thái Lan đang thu hẹp khoảng cách trong đầu tư cho các giải pháp AI với Singapore. Người Thái cũng tham vọng biến Bangkok thành cái nôi, trung tâm mới cho công nghệ AI ở ASEAN. Ảnh: GVS

Đầu tư cho các giải pháp AI tại Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng gần bốn lần, từ 175 triệu đô la trong năm 2022 lên 646 triệu đô la vào năm 2026. Các con số này cho thấy sự thức tỉnh của ASEAN trong việc chậm trễ và cách biệt trong đầu tư cho AI trong nội khối ASEAN, so với các con số ở Mỹ và Trung Quốc.

ASEAN tụt hậu trong đầu tư cho AI

Báo cáo của hãng tư vấn Kearney của Mỹ và quỹ đầu tư EDBI của Cơ quan phát triển kinh tế Singapore công bố tháng 10-2020 chỉ ra rằng: “AI có thể giúp nâng nền kinh tế các nước Đông Nam Á lên tầm cao hơn. Nhưng điều này chỉ xảy ra khi ASEAN nỗ lực thu ngắn khoảng cách trong đầu tư vào ngành công nghệ AI khiến khối này bị tụt hậu sau Mỹ và Trung Quốc 2-3 năm trong việc ứng dụng AI”.

Đầu tư cho các giải pháp AI ở Mỹ đạt 155 đô la mỗi đầu người, trong khi con số trung bình ở ASEAN là 2 đô la trong giai đoạn 2015-2019, chênh lệch hơn 77 lần. Trong khi đó, Trung Quốc có số dân khổng lồ nhưng vẫn đạt mức 21 đô la trong năm 2019, cao hơn 10 lần - nhà nghiên cứu Basil Lui, đối tác phụ trách về đầu tư của EDBI, ghi nhận.

Singapore nổi bật trong khối Đông Nam Á với mức đầu tư 68 đô la mỗi đầu người vào năm 2019. Nhưng Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Philippines bị bỏ xa với mức chi dưới 1 đô la. Trong các nền kinh tế có tầm vóc ở khu vực, Việt Nam và Philippines đang bị bỏ rơi khá xa phía sau: Việt Nam chỉ chi 3 xu Mỹ và Philippines thì dưới 1 xu Mỹ.

Khoảng cách giữa 1 xu và 68 đô la là một chặng đường thăm thẳm, không thể dễ dàng vượt qua. Với 68 đô la/người cho đầu tư vào AI đứng đầu ASEAN và nền kinh tế công nghệ tiên tiến, Singapore vẫn chưa vào Top 10 thị trường AI lớn nhất toàn cầu. Mỹ và Trung Quốc luôn dẫn đầu về đầu tư cho AI từ 2013-2023. Riêng Mỹ chiếm ưu thế tuyệt đối với gần 60% nhà nghiên cứu AI được xếp hạng thượng thặng và nguồn quỹ tư nhân đổ vào tài trợ nghiên cứu lên đến 249 tỉ đô la.

Chắc chắn, GenAI sẽ là thị trường khổng lồ của hiện tại và tương lai, với tỉ lệ tăng trưởng vũ bão. Theo Statista, quy mô thị trường GenAI tại Đông Nam Á dự đoán sẽ đạt 2,18 tỉ đô la trong năm 2024. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm CAGR trong giai đoạn 2024-2030 là 23,27%, khiến quy mô phình to thành 7,65 tỉ đô la vào năm 2030, tức tăng hơn 3,5 lần. Để có khái niệm so sánh, Statista nói thị trường có quy mô lớn nhất thế giới sẽ là Mỹ với giá trị 23,30 tỉ đô la trong năm 2024, tức gần 12 lần quy mô của ASEAN.

Theo báo cáo mới nhất của startup Dataiku chuyên về AI của Mỹ, các doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã chi mạnh cho việc ứng dụng AI tại doanh nghiệp của họ. Đặc biệt là các doanh nghiệp Đông Nam Á, mức chi cho AI tăng 67% trong năm 2023 so với năm trước đó.

Báo cáo của Dataiku lưu ý rằng các nền tảng AI sẽ là danh mục phần mềm phát triển nhanh nhất trong giai đoạn 2022-2026. Cụ thể là tại Đông Nam Á, chi tiêu cho các giải pháp AI được dự đoán sẽ tăng gần 300%, tức gần bốn lần - từ 174 triệu đô la vào năm 2022 lên 646 triệu đô la vào năm 2026.

Các báo cáo khác của Statista và ASEAN Secretariat nói rằng các startup AI trên toàn cầu gọi được 50 tỉ đô la vốn trong năm ngoái, trong đó riêng các startup GenAI gọi được 10 tỉ đô la. Hầu hết các startup gọi được vốn là ở Mỹ và châu Âu.

Trong khi đó, các startup AI ở ASEAN gọi được số vốn khiêm tốn hơn chỉ 2,5 tỉ đô la trong hai năm 2022-2023. Xét về tỉ lệ quy mô thị trường giữa ASEAN và Mỹ chẳng hạn, sẽ thấy rằng các startup AI ở ASEAN rất khiêm tốn so với Mỹ về số lượng lẫn chất lượng và uy tín gọi vốn. Mỹ áp đảo ngành AI toàn cầu với hơn 15.000 startup, châu Âu có hơn 6.000.

Các lĩnh vực BFSI (ngân hàng, dịch vụ tài chính và bảo hiểm) được dự đoán là lĩnh vực chi tiêu nhiều nhất, chiếm 26,6% chi tiêu AI theo ngành dọc. Tiếp theo là lĩnh vực sản xuất và sau đó là khu vực Chính phủ, lần lượt chiếm khoảng 17% và 11% chi tiêu cho AI.

AI là bệ phóng cho dịch vụ tài chính số

Tài chính vẫn luôn là vấn đề nhức đầu, thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Đông Nam Á. Hơn 80% SME khu vực phải đối mặt với rào cản lớn trong việc tiếp cận với các định chế ngân hàng, tài chính truyền thống với các điều khoản nghiêm ngặt về tài sản thế chấp và quy trình sàng lọc phức tạp.

Không gian trống này tạo nên thị trường cho vay dành cho SME lên đến 24 tỉ đô la tại Việt Nam. Đây là cơ hội thị trường tiềm năng cho các hãng công nghệ tài chính (fintech) quốc tế.

Thành lập năm 2015, Validus là công ty fintech hàng đầu ASEAN có trụ sở tại Singapore. Với nguồn vốn từ quỹ Vertex Ventures thuộc sở hữu của Chính phủ Singapore, Validus đã phát triển thành nền tảng tài chính có tác động lớn đến sự phát triển của SME Đông Nam Á.

Từ trụ sở chính Singapore, Validus đã mở rộng phạm vi hoạt động sang Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Năm 2019, Validus mở văn phòng tại TPHCM. Các đối tác chiến lược của Validus Vietnam gồm Tập đoàn TTC, quỹ đầu tư Do Ventures Fund và VinaCapital Ventures. Đầu năm 2024, Tập đoàn Reazon Holdings của Nhật Bản đã quyết định đầu tư một khoản lớn không tiết lộ vào Validus Vietnam do “tiềm năng thị trường cao” tại Việt Nam.

Hãng fintech này đã giải ngân hơn 4 tỉ đô la Singapore cho 80.000 khoản vay ở bốn thị trường ASEAN trên. Validus phân tích dữ liệu, sử dụng AI và quan hệ đối tác trong chuỗi cung ứng để đánh giá rủi ro tín dụng và cấp vốn cho các SME ở ASEAN thông qua nền tảng online.

CEO Đinh Văn Bình của Validus Vietnam nói rằng, nguồn vốn mới được đầu tư cho phát triển sản phẩm, công nghệ và dữ liệu. Reazon sẽ hỗ trợ cho Validus Vietnam thiết lập quan hệ đối tác thương mại thông qua mạng lưới của Reazon nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài chính toàn diện dành cho các SME tại Việt Nam.

Do tỉ phú người Nam Phi Patrice Motsepe kiểm soát, Công ty tài chính số Tyme Group đã dời đại bản doanh từ Nam Phi sang Singapore do nhận ra tiềm năng tài chính số của khu vực. Hiện Tyme kinh doanh ở ba thị trường Singapore, Philippines và Việt Nam. Tuần rồi, công ty tài chính có nguồn gốc từ Nam Phi nói đang xem xét mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

Từ chối giải thích các chi tiết, CEO kiêm đồng sáng lập Coen Jonker nói rằng Tyme sẽ giới thiệu sản phẩm ứng trước tiền mặt cho người bán hàng (merchant). Giải pháp cho SME vay là sản phẩm đầu tiên của Tyme, dự kiến sẽ có mặt trên thị trường Việt Nam trong quí 2-2024.

“Việt Nam là một trong những thị trường gần như phù hợp hoàn hảo cho một doanh nghiệp như của chúng tôi”, Jonker nói với báo chí.

Nhưng Tyme đã vạch rõ định hướng của một hãng công nghệ tài chính số từ nhiều năm trước. Năm 2018, Tyme đã mua lại Tech Hub, vốn thuộc sở hữu của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) và cho ra đời Tyme Vietnam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới