(KTSG) - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang xâm nhập vào thế giới kinh doanh, có tiềm năng tạo ra những bước đột phá trong nhiều lĩnh vực.
- Cần Thơ dùng trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo để tăng trải nghiệm cho du khách
- TPHCM: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo cứu sống 48% bệnh nhân đột quỵ thoát khỏi tàn phế
Chẳng hạn, hãng nông cụ John Deere nổi tiếng vừa cho ra mắt một loạt các máy móc nông nghiệp có khả năng tự vận hành. Những chiếc máy xới đất được trang bị 6 camera có sử dụng AI, không những biết tự lái mà còn có thể nhận biết chướng ngại vật để tránh.
Tờ Economist trích lời Julian Sanchez, người phụ trách bộ phận công nghệ của hãng John Deere cho biết, hiện nay chừng một nửa các xe nông cụ do hãng bán ra là có trang bị AI.
Như những hệ thống dùng camera để nhận biết cỏ dại lẫn trong vụ mùa để tự quyết định phun thuốc diệt cỏ. Như loại máy gặt đập liên hợp tự động thay đổi cấu hình để khỏi lãng phí ngũ cốc thu hoạch tùy theo từng tình huống. Sanchez cho biết với một nông trang cỡ vừa, chi phí cộng thêm để mua nông cụ có AI sẽ được hoàn vốn sau hai hay ba năm.
John Deere không phải là minh chứng duy nhất cho thấy AI đang làm đảo lộn thế giới kinh doanh, tạo ra những giá trị mới cho cả khách hàng lẫn doanh nghiệp. Một khảo sát của McKinsey Global Institute cho thấy, năm nay có đến 50% các doanh nghiệp trên khắp thế giới đang sử dụng một hình thức AI nào đó, tăng mạnh so với mức 20% vào năm 2017. Những mô hình “nền tảng” bước từ phòng thí nghiệm ra thương trường đang tạo ra nhiều khác biệt.
Khác với ngành công nghệ nói chung đang suy trầm, lĩnh vực AI lại sôi động; năm 2022 các quỹ đầu tư mạo hiểm đã rót đến 67 tỉ đô la Mỹ vào các hãng chuyên về AI. Từ tháng 1 đến tháng 10 vừa qua, đến 28 chú kỳ lân AI được tạo ra - đây là những công ty khởi nghiệp được định giá từ 1 tỉ đô la trở lên.
Microsoft đang đàm phán để nâng tỷ lệ cổ phần trong OpenAI - đây là nơi vừa mới cho ra mắt một AI mang tên ChatGPT biết trò chuyện và giải đáp mọi thắc mắc, yêu cầu của công chúng rất thành công.
Alphabet, công ty mẹ của Google, chuẩn bị đầu tư 200 triệu đô la vào Cohere, một đối thủ cạnh tranh với OpenAI. Đã có ít nhất là 22 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực AI do các cựu nhân viên của OpenAI và Deepmind thành lập. Deepmind là một công ty chuyên về AI của Alphabet.
Trong khi các hãng công nghệ lớn đang sa thải nhân viên để cải thiện tình hình tài chính, các doanh nghiệp tầm cỡ trong nhiều lĩnh vực lại đang ra sức tuyển mộ tài năng AI. Các hãng lớn ở Mỹ đã đăng thông tin tuyển dụng đến 7.000 vị trí chuyên gia AI và học máy trong ba tháng qua, gấp 10 lần so với quí 1-2020. Họ cũng đã tung tiền ra mua đến 52 công ty AI khởi nghiệp trong vòng 12 tháng qua.
Ứng dụng AI vào công việc kinh doanh rõ nét nhất chính là các tập đoàn công nghệ. Chẳng hạn, Google đã tích hợp AI vào việc mua bán quảng cáo đi kèm với kết quả tìm kiếm, một công việc hầu như tự động hóa hoàn toàn không đội ngũ nhân sự nào có thể đảm đương nổi.
Google còn dùng AI để cải thiện kết quả tìm kiếm thông tin cho người dùng, phát hiện các cách tiết kiệm điện năng tại các trung tâm dữ liệu, cải tiến chất lượng dịch thuật của Google Translate…
Amazon dùng AI để quản lý chuỗi cung ứng, điều khiển các robot xếp hàng trong kho hàng, hỗ trợ tuyển dụng nhân viên mới. Meta dùng AI để dọn mâm bát trên Facebook phù hợp khẩu vị từng người; hay Siri của Apple ngày càng mạnh…
John Deere không phải là minh chứng duy nhất cho thấy AI đang làm đảo lộn thế giới kinh doanh, tạo ra những giá trị mới cho cả khách hàng lẫn doanh nghiệp. Một khảo sát của McKinsey Global Institute cho thấy, năm nay có đến 50% các doanh nghiệp trên khắp thế giới đang sử dụng một hình thức AI nào đó, tăng mạnh so với mức 20% vào năm 2017.
Kế đến là các sản phẩm AI mà các công ty công nghệ lớn chào mời cho khách hàng, từ Google đến Amazon, Microsoft qua các dịch vụ đám mây họ đang cung cấp. Tức khách hàng không chỉ thuê chỗ trên các máy chủ của các hãng này; họ còn cung cấp các dịch vụ đám mây liên quan đến AI cho khách, từ các công ty bảo hiểm đến các hãng sản xuất dùng AI để nâng năng suất, cải tiến sản phẩm.
Một điều cần lưu ý là từ AI đang bị xem là nhàm chán vì được dùng quá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng nên hầu như các sản phẩm có sử dụng “trí tuệ thông minh nhân tạo” thường được tránh dán nhãn AI.
Một ví dụ: Trận bão Ian vào tháng 9 buộc Walmart đóng cửa một trung tâm phân phối lớn, làm tắc nghẽn dòng chảy hàng hóa đến các siêu thị quanh đó tại Florida. Ngay lập tức Walmart dùng một mô hình giả lập chạy bằng AI để xem chuỗi cung ứng nhận hàng từ các trung tâm khác rồi phân phối thì tình hình sẽ như thế nào.
Trước đây việc quản lý chuỗi cung ứng cũng làm được việc này nhưng cần mất vài ba ngày mới có kết quả. Nay AI giúp giảm thời gian xử lý xuống còn vài giờ.
Các mô hình AI nền tảng có thế mạnh là sau khi được huấn luyện xong, chúng có thể làm nhiều việc thay vì chỉ chuyên sâu vào một tác vụ. Ví dụ GPT-3 của OpenAI có thể viết thông tin tiếp thị gửi cho khách hàng, làm sổ thuế cho công ty, xây dựng một trang web hoàn chỉnh dựa vào các gợi ý.
Giao cho các AI viết chương trình máy tính, nó sẽ sản xuất các dòng mã lệnh nhanh như chớp. Hoặc như Copilot, một chương trình AI của GitHub thuộc Microsoft có khả năng hỗ trợ các lập trình viên bằng cách dựa vào nội dung họ biên soạn, máy sẽ đưa ra những gợi ý, giúp họ đẩy nhanh tốc độ lập trình đến 50%.
Thế mạnh của AI là tính sáng tạo - chúng ta từng chứng kiến các bức tranh vẽ rất đẹp của AI - thế nên doanh nghiệp đang tận dụng AI vào việc kinh doanh mang tính sáng tạo.
Chẳng hạn, hãng Nike mua lại một hãng chuyên về AI để dùng các thuật toán của họ nhằm tạo ra các mẫu giày mới. Alexa của Amazon có thể sáng tác truyện trẻ con để kể cho chúng nghe. Nestle dùng hình ảnh do Dalle-2, một AI khác của OpenAI tạo ra để bán yaourt.
Một số hãng tài chính đang dùng AI để phác thảo báo cáo hàng quí của họ, dĩ nhiên chỉ là bản nháp đầu tiên sẽ được nhân sự thật đọc và tinh chỉnh.
Triển khai AI vào kinh doanh, tờ Economist nhận định, doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề có thể nảy sinh như AI cũng đầy thiên kiến, có khả năng sản sinh nội dung mang tính phân biệt, dễ bị kiện.
Ví dụ một nghiên cứu của Đại học Stanford cho biết nếu yêu cầu GPT-3 hoàn chỉnh câu “Hai người Hồi giáo bước vào…” thì nội dung sẽ rất có khả năng nói đến bạo lực so với đổi yêu cầu sang hai người với tôn giáo khác. Đó là bởi AI được huấn luyện bằng nội dung có trong thực tế, phản ảnh cái thiên kiến của con người. AI cũng có thể cho ra nội dung sai, hay có lỗi.
Dù sao thời của AI trong kinh doanh đã tới - cần nắm bắt cơ hội hoặc chịu tụt lùi so với thế giới.