Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Alibaba chẻ nhỏ thành 6 công ty để khơi dậy tinh thần kinh doanh

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) sẽ chia nhỏ cỗ máy kinh doanh khổng lồ thành sáu công ty được điều hành độc lập, có thể tự huy động vốn và chào bán cổ phiếu để niêm yết. Alibaba sẽ trở thành công ty chủ quản (holding company) nắm giữ cổ phần chi phối ở các công ty này. Đây  là đợt tái tổ chức kinh doanh lớn nhất của Alibaba kể từ khi khi thành lập hơn hai thập niên trước tại căn hộ của Jack Ma ở thành phố Hàng Châu.

Alibaba Group sẽ trở thành công ty holding, nắm giữ cổ phần chi phối ở 6 công ty con hoạt động độc lập. Ảnh: Shutterstock

Thông báo của Alibaba hôm 28-3 cho biết sáu công ty độc lập này có tên gọi Cloud Intelligence Group (dịch vụ đám mây và dữ liệu lớn), Taobao Tmall Commerce Group (thương mại điện tử trong nước) Local Services Group (dịch vụ giao đồ ăn và bản đồ), Cainiao Smart Logistics (dịch vụ logistics), Global Digital Commerce Group (thương mại điện tử quốc tế),  và Digital Media and Entertainment Group (dịch vụ phát  trực tuyến và sản xuất phim ảnh). Daniel Zhang, Giám đốc điều hành tập đoàn Alibaba, sẽ đích thân đứng đầu công ty con Cloud Intelligence Group.

Sau khi chia tách thành 6 công ty, tình trạng niêm yết cổ phiếu của Alibaba niêm yết trên sàn New York và Hồng Kông vẫn không thay đổi.

Alibaba cho biết, mỗi đơn vị kinh doanh sẽ phải tự đối mặt với các thử thách của thị trường và tìm ra con đường riêng để cạnh tranh, bao gồm cả tìm cách huy động của riêng thông qua các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Trong thư gửi cho nhân viên, Daniel Zhang, người vẫn ngồi ở vị trí cao nhất của công ty mẹ, cho biết sẽ trao mọi quyết định hoạt động bao gồm tuyển dụng và sa thải, nghiên cứu và phát triển, xây dựng kế hoạch lãi và lỗ cho các giám đốc điều hành của từng công ty. “Mỗi nhân viên của Alibaba, bất kể họ thuộc nhóm kinh doanh hay công ty nào, đều phải khám phá lại tinh thần kinh doanh, Zhang nhấn mạnh.

Zhang cho biết: “Sự chuyển đổi này sẽ trao quyền, giúp tất cả các công ty của chúng ta trở nên linh hoạt hơn, nâng cao khả năng ra quyết định và cho phép phản ứng nhanh hơn với những thay đổi của thị trường. Các chức năng văn phòng trung gian và hỗ trợ tại Alibaba sẽ được giảm bớt, và chỉ các chức năng cần thiết để tuân thủ quy định của công ty niêm yết sẽ được giữ lại”.

Mục tiêu của cuộc cải tổ này hợp lý hóa hoạt độnng quản lý và rút ngắn quá trình ra quyết định để giúp khơi dậy tinh thần kinh doanh

Thông báo của Alibaba thừa nhận tính linh hoạt, khả năng phản ứng và tính sáng tạo của một tập đoàn với 200.000 nhân viên bị “hạn chế nghiêm trọng”.

Theo Alibaba, những bước đột phá lớn nhất hiện nay đến từ các công ty mới thành lập và các công ty nhỏ với vài trăm nhân viên. Đó là bằng chứng cho xu hướng mới trong thế giới công nghệ.

Khi quyết định từ bỏ quyền ra quyết định mang tính tập trung, Alibaba đang lấy học hỏi các tập đoàn công nghệ nổi tiếng toàn cầu như Alphabet, được thành lập với tư cách là công ty holding nằm giữ cổ phần ở công thành viên như hãng tìm kiếm Google ,Google X, Calico Life Sciences, Google Ventures.

Sáu công ty thành viên của Alibaba sẽ không đồng đều về quy mô hoặc phạm vi kinh doanh. Gần 70% trong số 170 tỉ nhân dân tệ (24,7 tỉ đô la) doanh thu quí 3 của Alibaba đến từ các nền tảng thương mại điện tử, chủ yếu là Taobao và Tmall Marketplace.

Nhưng mảng dịch vụ điện toán đám mây là đơn vị phát triển nhanh nhất và có tiềm năng lớn nhất của Alibaba, với doanh thu tăng 3% lên 20,2 tỉ nhân dân tệ trong quí cuối năm 2023. Alibaba đang điều hành hoạt động kinh doanh điện toán đám mây lớn nhất Trung Quốc.

Khoảng 600 tỉ đô la giá trị vốn hóa của Alibaba bị thổi bay từ khi giá cổ phiếu của Alibaba đạt đỉnh vào tháng 10-2020. Kể từ đó, chính phủ Trung Quốc mở chiến dịch chấn chỉnh các doanh nghiệp tư nhân, đưa ra hàng loạt quy định quản lý và tăng cường giám sát hoạt động của các tập đoàn công nghệ khổng lồ trong nước.

Tập đoàn công nghệ tài chính Ant Group, công ty liên kết của Alibaba bị các cơ quan quản lý buộc phải hủy thương vụ IPO đình đám vào tháng 11-2020. Và vào năm 2021, Alibaba đã bị giới chức trách Trung Quốc  phạt 2,6 tỉ đô la trong một cuộc điều tra chống độc quyền.

Động thái tái tổ chức hoạt đông kinh doanh của Aliabab diễn ra vào thời điểm có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang “nồng ấm” trở lại với doanh nghiệp công nghệ khi tìm cách vực dậy tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Jack Ma, nhà sáng lập thẳng thắn và sức lôi cuốn của Alibaba, người không xuất hiện trước công chúng và đi du lịch nước ngoài trong vài tháng, vừa trở lại Trung Quốc.

 Theo SCMP, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới