Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ấn Độ thất bại trong chính sách hạn chế xuất khẩu gạo và lúa mì

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính sách hạn chế xuất khẩu gạo và lúa mì của Ấn Độ trong năm nay để hạ nhiệt giá trong nước đã cho thấy thất bại khi hai mặt hàng lương thực vẫn tăng giá sau đó. Đó là nhận định của Prerna Sharma Singh, Giám đốc và là người đồng sáng lập Công ty tư vấn và nghiên cứu chính sách Indonomics Consulting ở New Delhi, trong bài viết đăng trên Nikkei Asia hôm 9-12.

Cuối tháng 11, New Delhi đã dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu gạo hữu cơ (ngoại trừ gạo thơm basmati hữu cơ). Các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ được cho là đang xem xét dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu còn lại đối với gạo, lúa mì và đường. Ảnh: Knnindia

Theo bài viết, với việc xuất khẩu sụt giảm và tăng trưởng kinh tế chậm lại, Ấn Độ đã bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu mà nước này đã áp đặt hồi đầu năm nay nhằm kiềm chế áp lực lạm phát trong nước sau khi giá cả hàng hóa tăng vọt do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Cuối tháng 11, New Delhi đã dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu gạo hữu cơ (ngoại trừ gạo thơm basmati hữu cơ). Ngoài ra, cho đến nay Ấn Độ cũng đã bỏ các hạn chế xuất khẩu thép và quặng sắt cấp thấp. Các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ được cho là đang xem xét dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu còn lại đối với gạo, lúa mì và đường.

Vào đầu tháng 9, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo 100% tấm với mục đích tăng nguồn cung trong nước. Sau đó, nước này áp mức thuế 20% đối với xuất khẩu gạo basmati nói chung (bao gồm gạo trắng và gạo lứt) nhằm bảo vệ nguồn cung trong nước sau khi giá tăng mạnh trên thị trường bán lẻ.

Sharma Singh nhận định, việc nới lỏng những hạn chế này là một sự thừa nhận ngầm rằng chúng mang lại rất ít lợi ích cho Ấn Độ, và trên thực tế phần lớn là phản tác dụng.

Ông cho rằng Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, vì vậy việc nước này áp đặt các hạn chế đối với phần lớn gạo xuất khẩu là “vô trách nhiệm và vô ích”. Vô trách nhiệm ở chỗ giá gạo toàn cầu tăng cao hơn vì chính sách hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ và điều này gây tổn thương cho các nước nghèo vốn đang phải vật lộn để chi trả các hóa đơn nhập khẩu. Vô ích ở chỗ “thủ phạm” lớn hơn gây áp lực giá cả trong nước của Ấn Độ là chi phí cao hơn của phân bón, lao động và các vật tư đầu vào khác của ngành nông nghiệp.

Sự suy yếu của đồng rupee trong năm nay cũng làm trầm trọng vấn đề. Đồng rupee mất giá làm tăng thêm chi phí nhập khẩu dầu thô và phân bón của Ấn Độ, do các sản phẩm này được giao dịch trên toàn cầu bằng đô la Mỹ. Hơn nữa, bằng cách tăng chi phí vận chuyển, tăng mạnh thuế nhiên liệu ở cấp tiểu bang lẫn liên bang, giới chức trách Ấn Độ đã khiến giá cả duy trì ở mức cao, Singh nhận định.

Các động thái mang tính dân túy của chính phủ nhằm tăng giá mua tối thiểu đối với gạo, lúa mì và mía của nông dân cũng thúc đẩy lạm phát. Tình trạng năng suất nông nghiệp thấp cũng là một vấn đề. Theo Singh, trong khi nông dân Ấn Độ sản xuất 4 tấn lúa/hecta thì nông dân ở Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, có thể đạt tới 6 tấn lúa/hecta.

Lạm phát thực phẩm tính theo giá bán lẻ ở Ấn Độ tăng 7% trong tháng 10, cải thiện so với mức tăng 8,6% trong tháng 9 nhờ giá rau, dầu ăn và đậu lăng, đậu thận, đậu Hà Lan tăng chậm hơn.

Nhưng Singh lưu ý tốc độ tăng giá đối với lúa mì và gạo trở nên nhanh hơn sau khi New Delhi áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với hai mặt hàng lương thực chủ lực này. Trong tháng 4, tháng trước khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu lúa mì, giá lúa mì bán lẻ hàng năm tăng 9,6%, nhưng đã tăng đến 17,6% trong tháng 10. Trong khi đó, giá gạo bán lẻ hàng năm tăng 10,2% trong tháng 10, so với mức tăng 4% trong tháng 4.

Sharma Singh cho rằng chính sách hạn chế xuất khẩu cũng làm gián đoạn các chuyến hàng xuất khẩu, khiến Ấn Độ thành một nhà cung cấp không đáng tin cậy. Điều này có khả năng hạn chế nhu cầu ở nước ngoài trong tương lai đối với các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Ấn Độ nếu các nhà nhập khẩu tìm kiếm nguồn cung mới ở nước họ hoặc các nơi khác.

Đồng thời, chính sách này cũng sẽ tước đi cơ hội kiếm lợi nhuận tốt ở các thị trường nước ngoài của các nhà sản xuất và nhà đầu tư trong chuỗi giá trị nông nghiệp của Ấn Độ. Từ đó, sẽ không khuyến khích họ thực hiện các khoản đầu tư mới, khiến cho việc quản lý lạm phát giá lương thực trong tương lai trở nên khó khăn hơn.

Theo Singh, các thông báo hạn chế xuất khẩu nghiêm ngặt thường truyền đạt thông điệp đến người dân rằng có sự thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng ở những mặt hàng bị kiểm soát xuất khẩu. Điều đó khuyến khích hoạt động tích trữ và đầu cơ, khiến cho các biện pháp hạn chế xuất khẩu thậm chí còn kém hiệu quả hơn trong việc kiểm soát giá cả. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi giá gạo và lúa mì tiếp tục tăng kể từ tháng 5.

Các lựa chọn tốt hơn trong ngắn hạn để hỗ trợ người tiêu dùng là giải phóng bớt lượng gạo trong các kho dự trữ của Tổng công ty lương thực Ấn Độ và giảm thuế nhiên liệu.

Tính đến ngày 1-11, chính phủ Ấn Độ đang dự trữ 16,56 triệu tấn gạo và 26,37 triệu tấn lúa. Với nhu cầu hoạt động hàng quí để phân phối gạo cho người nghèo và dự trữ chiến lược chỉ khoảng 10,25 triệu tấn, thì gạo dự trữ vẫn còn thặng dư. Vì vậy, đã đến lúc Ấn Độ tận dụng những kho dự trữ này.

Về lâu dài, Sharma Singh cho rằng cần dự báo tình hình cung cầu tốt hơn, cập nhật thời tiết thường xuyên hơn để giúp nông dân đưa ra quyết định gieo trồng và thu hoạch kịp thời. Các biện pháp củng cố thị trường giao dịch tương lai cũng sẽ giúp tất cả các bên ở Ấn Độ quản lý biến động giá lương thực hiệu quả hơn mà không gây những tác động bất lợi.

Ông nhấn mạnh: “Điều quan trọng là New Delhi phải tuân thủ một cơ chế chính sách thương mại dễ dự đoán hơn đối với các mặt hàng nông sản và thương lực. Điều đó sẽ khuyến khích đầu tư, đặc biệt cần thiết trong lĩnh vực hạ tầng, để giúp xử lý các nông sản đã thu hoạch. Những cải tiến như vậy có thể làm giảm tổn thất sau thu hoạch và giữ giá lương thực thấp hơn”.

Theo Singh, trọng tâm chính sách nông nghiệp Ấn Độ nên chuyển từ lương thực sang trái cây, rau và thực phẩm giàu protein, bao gồm cả sữa và gia cầm, để phù hợp với những thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng. Điều phối tốt hơn giữa cung và cầu cũng có thể giúp giảm biến động giá cả. Cuối cùng, thúc đẩy thương mại tự do, thay vì cấm hoặc hạn chế xuất khẩu, sẽ có lợi hơn cho việc ổn định giá cả ở Ấn Độ, Singh kết luận.

Theo Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới