(KTSG Online) – Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh quyết tâm hoàn thành 361 km đường cao tốc thuộc các dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 1, dù còn 70% khối lượng xây lắp cần hoàn thành.
- Phát triển hành lang kinh tế gắn với cao tốc Bắc – Nam phía Đông
- Áp lực tìm phương án thu hồi vốn đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông
Khánh thành 4 dự án trong năm 2022
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành (Ban Chỉ đạo) ngày 9-3, ông Nguyễn Duy Lâm - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - cho biết, 1/11 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1 đã hoàn thành, còn 7 dự án cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Về vật liệu đắp nền, hiện thiếu khoảng 12,5 triệu mét khối tại 6 dự án thành phần. Vấn đề này đang được các địa phương tích cực tháo gỡ và dự kiến cơ bản hoàn thành trong tháng 3.
Phản hồi vấn đề này, các địa phương khẳng định cam kết hoàn thành gỡ các vướng mắc về nguồn vật liệu đắp nền đường trong tháng 3-2022 cho các dự án.
Cũng tại cuộc họp, Bộ GTVT đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm giải quyết dứt điểm các thủ tục liên quan đến cấp phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) đường vào khai thác các mỏ đất.
Đánh giá kết quả thực hiện các dự án thuộc giai đoạn 1, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết tiến độ của các dự án đang triển khai tốt, giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành, nguồn vật liệu xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Nhưng còn một số nhiệm vụ chưa đáp ứng yêu cầu và khối lượng còn lại của giai đoạn 1 khá lớn.
“Trong năm nay, chúng ta phải hoàn thành 361 km cao tốc, trong số này, có nhiều dự án mà khối lượng xây lắp mới hoàn thành khoảng 30%, còn 70% cần hoàn thành trong 9 tháng nữa. Nếu công tác đền bù chậm hoặc vật tư thiếu thì việc hoàn thành 654 km cao tốc vào năm 2024 rất khó”, Phó thủ tướng nói và nhấn mạnh quyết tâm không lùi tiến độ tổng thể cũng như tiến độ của từng dự án.
Cụ thể, đến năm 2024 phải hoàn thành 654 km cao tốc thuộc giai đoạn 1. Trong đó, năm 2022 phải hoàn thành 361 km với 4 dự án phải khánh thành, gồm: Mai Sơn – Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây.
Để thực hiện mục tiêu này, ông yêu cầu các địa phương, gồm: Ninh Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận hết sức chú ý tháo gỡ vướng mắc về vật liệu đắp nền.
Phó thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, các thứ trưởng Bộ GTVT kiểm soát chặt chẽ tiến độ của 4 dự án nêu trên. Các ban quản lý dự án cần tăng cường giám sát nhà thầu.
“Nếu các nhà thầu xây dựng chậm tiến độ thì kiên quyết thay thế”, Phó thủ tướng nói và yêu cầu các ban quản lý dự án chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng GTVT nếu không đề xuất giải pháp để bù tiến độ, hoàn thành mục tiêu đề ra.
Bảo đảm chất lượng, tiến độ, nhưng phải chống thất thoát
Với các dự án thuộc giai đoạn 2, ông Nguyễn Duy Lâm cho biết việc triển khai 12 dự án thành phần với các đoạn, gồm: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km) cơ bản bám sát kế hoạch.
Nhưng khối lượng công việc còn lại phải hoàn thành để đảm bảo đủ điều kiện phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) các dự án khá lớn, gồm: thủ tục lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ; lập, phê duyệt báo cáo ĐTM; lập phê duyệt khung chính sách GPMB; giám sát đầu tư cộng đồng; hồ sơ lập BCNCKT dự án còn rất lớn. Vì vậy, cần có sự tập trung vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương liên quan mới có thể hoàn thành các công việc này.
Hiện 5/12 tỉnh đã có văn bản thỏa thuận về hướng tuyến và các công trình trên tuyến. Bộ GTVT đề nghị 7 tỉnh còn lại hoàn thành công tác thỏa thuận trước 10-3-2022.
Các địa phương đã cung cấp danh sách, vị trí mỏ vật liệu, vị trí đổ thải cho 12/12 dự án, hiện các đơn vị tư vấn đang thực hiện thí nghiệm chất lượng vật liệu, dự kiến hoàn thành trước ngày 20-3-2022.
Về công tác lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ, tiến độ yêu cầu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 20-4-2022, đây là đường găng tiến độ của dự án do liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương.
Theo Bộ GTVT, các ban quản lý dự án đã hoàn thành việc chỉ định thầu và các đơn vị tư vấn đang tổ chức khảo sát, lập BCNCKT các dự án thành phần. Các tư vấn đã được lựa chọn thuộc nhóm đơn vị tư vấn mạnh nhất trong ngành giao thông, có nhiều kinh nghiệm lập dự án, thiết kế, dự toán xây dựng công trình giao thông.
Kết luận, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết Bộ GTVT đã triển khai các hợp đồng tư vấn, chỉ định thầu, giao nhiệm vụ cho các Ban Quản lý dự án.
“Trong vòng chưa đầy 1 tháng, các Ban QLDA đã ký xong hợp đồng lựa chọn tư vấn để tiến hành các công việc chuẩn bị dự án, như lập BCNCKT, đánh giá tác động môi trường, xây dựng các khung chính sách”, Phó thủ tướng nói.
Ông cũng cho biết 4/12 địa phương có tuyến cao tốc (giai đoạn 2) đi qua đã lập ban chỉ đạo, hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Còn 8 địa phương chưa thành lập được ban chỉ đạo, hội đồng đền bù, hỗ trợ tái định cư.
“Việc này không khó. Điều kiện giống nhau cả nhưng các địa phương khác đã thành lập rồi”, Phó thủ tướng nói và yêu cầu các địa phương phải tập trung hơn nữa trong bối cảnh khối lượng công việc còn rất lớn.
Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo tất cả các mốc tiến độ đã quy định tại Nghị quyết 18 của Chính phủ, trong đó đặc biệt lưu ý một số mốc tiến độ sắp tới.
Cụ thể, 12 dự án thành phần sẽ bàn giao mốc giới mặt bằng cho các địa phương với hạn chót là 15-3 để các hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng của các địa phương triển khai thực hiện. Tới 30-4 sẽ bàn giao giai đoạn 2. Còn giai đoạn từ 30-5 tới 30-6 sẽ bàn giao giai đoạn 3.
Việc khởi công các dự án sẽ được thực hiện đồng loạt từ cuối năm 2022
Để thực hiện các mục tiêu này, Phó thủ tướng giao Bộ GTVT tổ chức lập, hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng; xác định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án, hoàn thành trước 20-3-2022.
Hoàn thành lập khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các dự án thành phần thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trước 8-4 để Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm tra, trình Thủ tướng quyết định.
Hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường cho từng dự án thành phần trước 18-4 để Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt.
Tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt 12 dự án thành phần, hoàn thành trước 30-6.
“Có những dự án phải làm sớm lên để có thể khởi công vào tháng 10”, Phó thủ tướng nói.
Với Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông yêu cầu thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên. Đồng thời, tổng hợp ý kiến thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chuyển mục đích sử dụng rừng để báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước 20-4.
Ngoài ra, phải thẩm tra xong khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để trình Thủ tướng trước 5-5.
Hoàn thành phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho từng dự án thành phần trước 15-5.
Với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó thủ tướng giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan khẩn trương tổ chức thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước 10-4.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu 8 địa phương chưa thành lập ban chỉ đạo và hội đồng đền bù, hỗ trợ tái định cư cần hoàn thành công việc này trong ngày 10-3. Đây là cơ sở để các địa phương phối hợp với Bộ GTVT lựa chọn các nhà tư vấn về tái định cư, khung chính sách giải phóng mặt bằng.
Cũng tại cuộc họp, Phó thủ tướng quán triệt 3 yêu cầu lớn với các dự án, gồm: bảo đảm chất lượng, tiến độ và chống thất thoát, tham nhũng, tiêu cực.
“3 mục tiêu này phải song hành với nhau. Chống tham nhũng tốt thì sẽ đẩy chất lượng công trình. Tiến độ mà ì ra thì lấy đâu chất lượng công trình tốt. Càng chậm thì càng tiêu cực, chất lượng càng kém”, ông nói.
Ông cũng yêu cầu họp Ban chỉ đạo hàng tháng. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể với vai trò Phó trưởng ban thường trực sẽ tổ chức giao ban hàng tuần để rà soát, đôn đốc triển khai thực hiện nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương.
Còn Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị với vai trò Phó trưởng ban sẽ tổ chức các đoàn thường xuyên đi kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng, phòng chống tiêu cực, thất thoát.