Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phát triển hành lang kinh tế gắn với cao tốc Bắc – Nam phía Đông

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đề xuất phát triển hành lang kinh tế Bắc – Nam có hành lang phía Đông gắn với đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông và quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Thông tin này được Bộ KHĐT chia sẻ tại tại báo cáo Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cơ quan này kiến nghị tập trung hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc – Nam và kinh tế Đông – Tây. Với hành lang kinh tế Bắc – Nam, có 2 hành lang gồm hành lang phía Đông gắn với đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông và quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau; hành lang phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây từ Cao Bằng đến Kiên Giang – Cà Mau.

Trong đó, ưu tiên phát triển hành lang kinh tế phía Đông và phát triển dải ven biển giai đoạn đến năm 2030.

Với hành lang kinh tế Đông – Tây, Bộ KHĐT cho rằng cần ưu tiên hình thành các hành lang kinh tế có các điều kiện thuận lợi như có trục giao thông quan trọng, thường là đường cao tốc, gắn với các đầu mối giao thương quan trọng như cảng biển, cửa khẩu quốc tế, sân bay quốc tế hay các địa phương trên hành lang có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị.

Ngoài ra, ưu tiên các hành lang có khả năng liên kết với các hành lang kinh tế khu vực và quốc tế.

Về các vùng động lực, Bộ KHĐT cho biết cả nước hiện có 4 vùng kinh tế trọng điểm với quy mô khá lớn, gồm 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Nhưng quy mô các vùng kinh tế trọng điểm quá lớn, chưa có cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội nên chưa thực sự trở thành các vùng động lực. Thậm chí, nhiều địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm có trình độ phát triển dưới hoặc tương đương mức trung bình cả nước.

Vì vậy, cơ quan này cho rằng cần lựa chọn một số địa bàn có vị trí thuận lợi nhất trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay với các yếu tố, gồm có sân bay quốc tế cửa ngõ; có cảng biển cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển; có tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao để hình thành các vùng động lực của quốc gia.

“Sau khi xác định các hành lang kinh tế ưu tiên, các vùng động lực, cần bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mạng lưới kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, phát triển các vùng gắn với các hành lang kinh tế và hình thành, phát triển các vùng động lực”, Bộ KHĐT cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới