APEJ: Làm gì với gói kích cầu kinh tế?
Trung Châu
Giáo dục sẽ là đối tượng đầu tư quan trọng của các chính phủ. |
(TBVTSG) - Tạo công ăn việc làm, cải thiện dịch vụ dân sinh và tạo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế là những điều ưu tiên hàng đầu của các nước thuộc nhóm APEJ (các nước châu Á-Thái Bình Dương, trừ Nhật) trong các gói kích cầu kinh tế trị giá 767 tỉ đô-la Mỹ…
Theo một bản nghiên cứu mới đây nhất của tổ chức IDC Government Insights mang tên “Các gói kích cầu kinh tế và tăng ngân sách: Sự đối phó của các chính phủ đối với suy thoái kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương”, các sáng kiến có tổng giá trị lên đến 767 tỷ đô-la vừa được tiết lộ bởi nhóm các nước thuộc APEJ. Những sáng kiến này dành cho cả các gói kích cầu kinh tế và việc cải tiến các dự án hoặc chi phí đã được lập kế hoạch.
Gerald Wang, nhà phân tích thị trường của IDC Government Insights khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: “Hầu hết các ngân sách mới của chính phủ không đề cao chi phí cho ngành CNTT nhưng lại đưa nó vào diện như là một phần trong các sáng kiến mới và cấp bách. Đây vẫn là tin tức tốt lành cho các quan chức về CNTT cũng như doanh nghiệp ngành CNTT”.
Dựa trên những sáng kiến của các chính phủ trong nhóm này, các nhà phân tích của IDC Government Insights đã dự báo các lĩnh vực đầu tư chính, sự liên quan của những lĩnh vực này và chi phí cho CNTT cũng như những cơ hội tiềm năng cho các doanh nghiệp. Việc đầu tư này sẽ bắt đầu vào cuối năm nay và tiếp tục cho đến hết năm 2014.
Các dự án cơ sở hạ tầng
Các dự án cơ sở hạ tầng không chỉ tạo công ăn việc làm ngay mà còn kích thích dịch vụ dân sinh vì chúng tạo cơ hội cho các cơ quan nhà nước giải quyết các vấn đề tồn tại bấy lâu nay ảnh hưởng đến phúc lợi của người dân như là chỉnh đốn hệ thống giao thông hay nâng cấp cơ sở vật chất cho giáo dục và y tế.
Số các dự án về cơ sở hạ tầng này tăng lên cũng thúc đẩy việc đầu tư cho CNTT, cụ thể là vào các hạng mục như giám sát việc bảo dưỡng công trình ở vùng sâu vùng xa, thiết lập hệ thống tự động hóa bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn và bảo vệ môi trường, ví dụ như công nghệ giám sát việc xả chất thải công nghiệp.
Trường học tương lai
Các trường học tương lai, nơi mà các công nghệ và mô hình kinh doanh mới cho các nhóm mục tiêu được chú trọng, sẽ được xem như là đối tượng đầu tư chính yếu của chính phủ. Ngoài ra, đầu tư vào trường học còn thể hiện rõ mục tiêu của chính phủ trong việc tạo công ăn việc làm thông qua nền giáo dục. Một ví dụ về việc chi phí cho ngành CNTT sẽ phát sinh một khi xuất hiện các trường học là kế hoạch cải tiến cơ sở hạ tầng CNTT hiện hữu tại tất cả các cơ sở giáo dục.
Cải thiện y tế
Y tế là lĩnh vực đầu tư quan trọng của chính phủ các nước vì nó liên quan đến việc tạo công ăn việc làm, phát triển trình độ chuyên môn, tăng dịch vụ dân sinh và bao gồm cả kỹ thuật số. Việc đầu tư vào y tế rõ ràng là thúc đẩy đầu tư CNTT. Ví dụ như muốn thúc đẩy nhanh hơn việc cung cấp thông tin của bệnh nhân bằng kỹ thuật số thì việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng CNTT tại các bệnh viện là bắt buộc.
Công nghệ xanh
Khủng hoảng tài chính hiện nay cũng mở ra một cơ hội để bắt đầu lại guồng máy kinh tế, tập trung nhiều hơn vào các giải pháp mang tính bền vững cho nền kinh tế, xã hội và sinh thái. Về điều này, các gói kích cầu của mỗi quốc gia, ở những mức độ khác nhau, đều tìm cách để không những cứu sống mà còn “làm xanh” nền kinh tế của họ.
Hơn thế nữa, công nghệ xanh sẽ giúp các bộ ngành cắt giảm chi phí và đáp ứng các mục tiêu lạc quan về ngân sách bằng việc tập trung vào việc sử dụng năng lượng một cách có hiệu quả. Việc đầu tư để cải thiện cơ sở hạ tầng xanh hơn tại các nước trong nhóm APEJ rõ ràng là có liên quan đến CNTT trong các hạng mục như công nghệ phân bố đường dây điện thông minh, công nghệ sử dụng năng lượng có hiệu quả, công nghệ giảm ô nhiễm tiếng ồn,…
Ông Gerald Wang khuyên rằng trong khi các ưu tiên về kích cầu kinh tế hiện nay sẽ có ảnh hưởng lớn đến thái độ đầu tư ngắn hạn của chính phủ các nước thuộc APEJ, thì có một việc cần lưu tâm là những yếu tố “tiêu cực khách quan” vẫn đang tiếp diễn, vì thế cần thường xuyên “để mắt” đến những yếu tố này để có giải pháp kịp thời, bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Công trình nghiên cứu này của IDC Government Insights được xem như là bản chỉ dẫn cho các doanh nghiệp CNTT cách lập ra những chiến lược kinh doanh tối ưu để có thể hưởng lợi từ những cơ hội đến từ các sáng kiến kích cầu kinh tế nói trên.
(IDC Government Insights)