Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ASEAN còn nhiều việc phải làm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ASEAN còn nhiều việc phải làm

Hồng Phúc

(TBKTSG Online) – ASEAN đã chuyển sang giai đoạn hợp tác mới là hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 với nhiệm vụ “biến tầm nhìn thành hành động” theo Hiến chương của khu vực. Song, các nước ASEAN còn rất nhiều việc phải làm để biến sự hợp tác từ văn bản thành hiện thực.

Đó là một trong những thông điệp từ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16, diễn ra tại Hà Nội, do Việt Nam lần đầu tiên tổ chức trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010 của mình.

“Chúng ta lạc quan trước những dấu hiệu phục hồi của các nền kinh tế ASEAN, song một sự phục hồi bền vững phải cần thêm thời gian và sự nỗ lực liên tục, đặc biệt cần có định hướng đúng và các giải pháp phù hợp”, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong diễn văn khai mạc hội nghị, chiều 8-4.

Bốn trụ cột kinh tế

Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng cho rằng Kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN dựa trên bốn trụ cột: xây dựng một thị trường và cơ sở sản xuất đồng nhất; một khu vực kinh tế có tính cạnh tranh cao; có trình độ phát triển đồng đều và hội nhập hoàn toàn với nền kinh tế thế giới vào năm 2015.

Tại Hội nghị lần thứ 3 của Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng hôm 7-4, các đại biểu cho rằng còn nhiều lĩnh vực trọng tâm cần thực hiện từ nay tới cuối năm 2010 như: thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) bao gồm lĩnh vực thuế quan, phi thuế quan, tạo thuận lợi cho thương mại, thực hiện cơ chế hải quan một cửa ASEAN, tiêu chuẩn chất lượng và thỏa thuận công nhận lẫn nhau; hoàn thành gói cam kết thứ 8 thuộc Hiệp định khung về thương mại dịch vụ ASEAN; triển khai chương trình xây dựng năng lực trong lĩnh vực thương mại dịch vụ; thực hiện Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA).

AEC cũng hướng tới việc thực hiện Sáng kiến đa phương hóa Chiang Mai trong lĩnh vực hợp tác tài chính, thực hiện cơ chế bảo lãnh tín dụng và đầu tư theo Sáng kiến phát triển thị trường trái phiếu châu Á, hoàn thành việc thực hiện hội nhập nhanh những ngành ưu tiên, thúc đẩy thực hiện chính sách cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, thực hiện hợp tác về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy hợp tác với các đối tác đối thoại.

Các bộ trưởng kinh tế ASEAN cũng đã nhất trí tập trung nguồn lực để đưa các thỏa thuận quan trọng của khối bao gồm Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) có hiệu lực trong năm nay. Các bộ trưởng nhất trí Hiệp định ATIGA sẽ có hiệu lực từ tháng 5-2010 và ACIA sẽ có hiệu lực từ tháng 8-2010.

Theo Bộ Công Thương, kể từ khi thông qua Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEN vào năm 2007, ASEAN đã đạt được những tiến bộ đáng kể về thực hiện AEC. Bắt đầu từ ngày 1-1-2010, các nước ASEAN-6 đã hoàn thành mục tiêu xóa bỏ thuế quan đối với 99,65% số dòng thuế. ASEAN 4 (gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) đã đưa 98,86% số dòng thuế tham gia Chương trình Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung để xây dựng Khu vực thương mại tự do ASEAN (CEPT-AFTA) về mức 0-5%. Đây là một kết quả nổi bật, một cột mốc quan trọng của ASEAN.

Ngày 1-1-2010 đồng thời là thời điểm hoàn thành thực hiện Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc và là ngày các Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN-Úc-New Zealand và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Ấn Độ có hiệu lực.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, mặc dù đã đạt được rất nhiều thành tựu, song ASEAN vẫn cần phải khắc phục việc một số nước còn chậm phê chuẩn các hiệp định, cam kết đã ký và chuyển các cam kết khu vực thành nội luật để đưa vào thực hiện.

Để giải quyết vấn đề này, Hội đồng AEC đề nghị lãnh đạo cấp cao ASEAN chỉ đạo và can thiệp giải quyết hai vấn đề: yêu cầu các nước thành viên phê chuẩn, đưa vào thực hiện đúng thời hạn và thực hiện đúng những cam kết đã ký; yêu cầu các nước thành viên tăng cường cơ chế giám sát thực hiện các biện pháp đã được thống nhất và quy định trong AEC.

Vấn đề nội khối

Cùng ngày 8-4, 10 Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ký thông qua Nghị định thư về cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN. Đây không chỉ là một văn kiện quan trọng góp phần hoàn thiện khung pháp lý theo quy định của Hiến chương ASEAN mà còn giúp tạo sự đồng thuận để đối mặt với nhiều vấn đề đang nổi lên trong khu vực cũng như trong mối quan hệ với các nước lớn, như vấn đề như biển Đông, biến đổi khí hậu, sự phân chia và khai thác dòng Mekong hay các vấn đề thương mại nội khối và giữa khối ASEAN với các nước lớn.

“Những biến chuyển nhanh và phức tạp của tình hình chung, nhất là sự điều chỉnh chính sách và quan hệ giữa các nước lớn có thể ảnh hưởng đến môi trường khu vực”, theo lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vì thế, theo ông, hội nghị này có nhiệm vụ quan trọng là đề ra phương hướng và các giải pháp phù hợp để đẩy nhanh tiến trình liên kết và tăng cường sức mạnh của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và toàn cầu.

“Riêng nội khối, chúng ta cần thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận đã có, kể cả về thu hẹp khoảng cách phát triển, đồng thời định hướng cho việc xây dựng kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ hơn về hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin, nhất là khu vực tiểu vùng Mekong. Cùng với sự phục hồi sớm và vững chắc, ASEAN cũng cần xác định cho mình mô hình phù hợp nhằm phát triển bền vững và cân bằng. Trên tinh thần đó, chúng ta sẽ xem xét và thông qua một tuyên bố chung về phục hồi và phát triển bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới