Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bán hàng cho thành viên CPTPP giúp mang về hơn 31 tỉ đô la trong 7 tháng

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Xuất khẩu vào các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Việt Nam trong 7 tháng tăng 21,43 % so cùng kỳ năm ngoái, vượt mức tăng 16,6% xuất khẩu chung cả nước.

Trong Hiệp định CPTPP, mặt hàng thủy sản được xóa bỏ thuế ngay sau khi hiệp định có hiệu lực được xem là cơ hội để doanh nghiệp ngành hàng này xuất khẩu vào các nước thành viên. Ảnh: website BCT

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam qua các nước thành viên CPTPP đạt 31,47 tỉ đô la Mỹ và chiếm 14,48% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam.

Đây là kết quả cao trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu chung cả nước trong cùng thời gian có mức tăng trưởng là 16%.

Theo Bộ Công Thương, kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ tháng 1-2019, Việt Nam đã chứng kiến tăng trưởng nhảy vọt của hàng hóa xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP.

Ngay cả thời điểm kinh tế - thương mại toàn cầu nói chung và các đối tác trong khối CPTPP nói riêng đứng trước rất nhiều khó khăn, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng.

Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường thuộc khối CPTPP năm 2021 đều ghi nhận mức tăng trưởng dương. Trong đó, các thị trường xuất khẩu đạt giá trị lớn gồm Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Úc, Canada, Mexico, Chile. Ba thị trường còn lại gồm Peru, Brunei và New Zeland cũng tăng trưởng mạnh, nhưng giá trị tuyệt đối trong giao dịch thương mại còn thấp.

Còn theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 31,47 tỉ đô la Mỹ, tăng 21,43 % so cùng kỳ năm 2021 và chiếm 14,48% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam...

Trong đó, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn nhất trong các nước thành viên CPTPP với kim ngạch xuất khẩu đạt 13,44 tỉ độ (tăng 13,39% so với cùng kỳ năm ngoái), chiếm 24,7% tỷ trọng xuất khẩu trong các nước CPTPP và chiếm 6,18% trong kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam.

Canada là quốc gia đạt kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai với kim ngạch đạt 3,87 tỉ đô la, tăng gần 32,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Kế đến là thị trường Malaysia với kim ngạch đạt 3,46 tỉ đô la, tăng 4,26%.

Điều này cho thấy phần nào doanh nghiệp đã thể hiện khả năng thích ứng, bắt nhịp nhanh với các điều kiện CPTPP mang lại. Đáng chú ý là sự gia tăng cao về kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường chưa có FTA, như Canada, Mexico, Peru.

Doanh nghiệp cũng đã tận dụng các lợi thế của Hiệp định để xuất khẩu, không chỉ các mặt hàng điện tử, dệt may, da giày… mà còn có các mặt hàng nông sản kim ngạch có thể chưa cao nhưng đã làm thay đổi nhận thức của người nông dân về sản xuất, về lưu thông hàng hoá, đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn của thị trường quốc tế.

Theo giới phân tích, một trong những khó khăn mà doanh nghiệp khi đưa hàng hóa vào thị trường khu vực này chính là quy tắc xuất xứ của CPTPP phức tạp hơn so với các FTA mà Việt Nam đã tham gia.

Cụ thể quy định về xuất xứ hàng hoá trong CPTPP có nhiều hình thức khác nhau. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có quá trình sản xuất, mua nguyên liệu, canh tác… theo tiêu chuẩn. Quy định này cũng yêu cầu doanh nghiệp sẽ phải tập hợp các hồ sơ chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hoá, chỉ dẫn hàng hoá, C/O...

Những khó khăn này cũng được xem là một trong những lý do mà số doanh nghiệp chủ động tham gia khai thác những thị trường mới trong CPTPP còn chưa cao.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã có một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có CPTPP.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới