Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bàn tay sắt, bàn tay lụa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bàn tay sắt, bàn tay lụa

Hải Lý

(TBKTSG) – Ngày 11-11-2010 ngân hàng SB là tổ chức tín dụng cổ phần đầu tiên và sớm nhất công khai lãi suất tiền gửi 13%/năm cho kỳ hạn 12 và 13 tháng.

Nói đầu tiên là bởi cho đến lúc đó, các ngân hàng khác vẫn chỉ áp dụng mức cao nhất 12%/năm như đồng thuận. SB đang thiếu vốn và họ có những khoản vay không nhỏ các ngân hàng khác. Khác với mọi năm, năm nay SB đã đầu tư mua trái phiếu Chính phủ. Ngày 12-5-2010 trong số 4.030 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ phát hành đợt 7 của năm, SB đã mua tới 1.300 tỉ đồng”.

Trái phiếu là thứ hàng hóa an toàn với những ngân hàng dồi dào vốn huy động. Nhưng ngay cả với những tổ chức tín dụng có thâm niên kinh doanh trái phiếu, mua trái phiếu đồng nghĩa với cấu trúc lại tài sản, cân đối nguồn vốn nhanh, linh hoạt. Mua trái phiếu để có cái mang ra giao dịch trên thị trường mở, tìm kiếm nguồn tiền đồng giá rẻ lại càng phải nhanh và linh hoạt hơn. Khi “cả làng” cùng đổ đi mua trái phiếu, cùng chen chân giao dịch thị trường mở, thì chỉ một động thái điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng khiến các thành viên thiếu kinh nghiệm lao đao. Họ biết NHNN không thể cứ mãi duy trì số lượng tiền bơm ra lớn, kỳ hạn dài ngày. Sẽ đến lúc thị trường mở phải giảm quy mô vận hành theo yêu cầu kiềm chế lạm phát. Nhưng họ vẫn lao vào, bất chấp những quy định về quản trị rủi ro, để có được lợi nhuận.

Các tổ chức tín dụng nhỏ (vốn dưới 3.000 tỉ đồng, hiện có khoảng 15-20 ngân hàng) với quản trị kém đang là một trong số những nguyên nhân gây nên các “cơn sốt” lãi suất. Thực ra, bản thân quy mô nhỏ của ngân hàng không có lỗi. Cái lỗi nên chia làm hai phần. Về phía các ngân hàng là tuy nhỏ, vốn liếng ít, uy tín chưa có nhưng lại quá tham vọng tìm kiếm mức tăng trưởng cao, lợi nhuận nhiều, “đốt cháy” giai đoạn để “phổng phao” bằng chị bằng em. Họ kinh doanh bất chấp rủi ro, sẵn sàng cho vay dài hạn cả 5-10 năm trong khi vốn huy động được thấp và thường xuyên là người “ăn đong” trên thị trường liên ngân hàng.

Nói qua phải nói lại. Ở vế thứ hai lỗi thuộc về NHNN. Đã bao lần NHNN đứng ra xử lý bằng cách cứu các ngân hàng nhỏ, bơm thanh khoản, thậm chí cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn. Nhưng rồi đâu vẫn hoàn đó, một số ngân hàng nhỏ vẫn không ổn. Tổng dư nợ của họ vẫn cao hơn tổng vốn huy động. NHNN đã và đang dùng “bàn tay sắt” kiên quyết yêu cầu ngân hàng nhỏ tăng vốn với hạn chót cuối năm nay. Nếu ngân hàng nào không tăng đủ vốn sẽ bị giải thể, sáp nhập, mua bán lại…

Thực tế chỉ ra việc sáp nhập hay mua bán lại các ngân hàng ở Việt Nam rất khó khăn. Những ngân hàng nhỏ bán cổ phần với giá bằng mệnh giá cũng không tìm được người mua, thế nhưng họ vẫn cứ tồn tại dai dẳng. Họ cũng chịu sự quản lý, cùng một luật, cùng một quy định như các ngân hàng lớn. Điều đó không thích hợp với kinh tế thị trường. Nói như thế không có nghĩa là xóa bỏ hoàn toàn các tổ chức tín dụng nhỏ. Chúng có vai trò trong nền kinh tế. Vấn đề là ngân hàng nhỏ cần tồn tại, hoạt động trong khuôn khổ riêng dành cho nó. Vì sao không có những quy định kiểu ngân hàng nhỏ chỉ được huy động, cho vay vốn đến một mức nhất định nào đó? Chỉ được mở 3-5 chi nhánh, chỉ được hoạt động ở địa bàn một, hai tỉnh thành? Không được thanh toán quốc tế, không được cho vay bằng ngoại tệ?… Vì sao phải bắt buộc tất cả các ngân hàng TMCP nông thôn phải chuyển thành TMCP đô thị? Phải chăng vì quản lý thêm một tầng lớp ngân hàng nhỏ như thế thì quá phức tạp, quá khó khăn cho cơ quan quản lý? Cho nên cứ bỏ tất cả vào chung một rọ cho dễ quản lý, dễ thanh tra, kiểm soát?

Tuy nhiên, quản lý theo kiểu “bàn tay sắt” không phải bao giờ và trong hoàn cảnh nào cũng mang lại hiệu quả như mong đợi. “Bàn tay lụa” một khi sử dụng đúng thời điểm có khả năng mang lại hiệu quả không ngờ. Hãy xây dựng cho các ngân hàng nhỏ, quản trị còn thấp một sân chơi riêng, nơi xứng vừa với tầm vóc của họ. Sẽ có những doanh nghiệp quy mô địa phương, cơ sở sản xuất gia đình, hộ cá thể chuộng quan hệ với những ngân hàng nhỏ. Với những khoản vay có giá trị tối đa, thí dụ, 1-2 tỉ đồng, trong thời hạn tối đa 12-18 tháng, các ngân hàng nhỏ dễ dàng kiểm soát đường đi của đồng vốn. Và họ cũng có thể đạt được tỷ suất lợi nhuận cao nếu vốn điều lệ ở mức 300-500 tỉ đồng thay vì 3.000 tỉ đồng như đòi hỏi.

Ngược dòng thời gian, đa số các ngân hàng nhỏ hiện nay hình thành từ việc chuyển đổi từ ngân hàng TMCP nông thôn lên đô thị 4-5 năm trước trong trào lưu “sốt nóng” giá cổ phiếu ngân hàng và bán cổ phần ngân hàng cho nhà đầu tư nước ngoài. Cái thời cổ phiếu ngân hàng tăng giá gấp đôi trong vòng sáu tháng đã thực sự qua rồi và cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã khiến cho giấc mơ bán cổ phần cho nước ngoài của một số ông chủ ngân hàng Việt Nam trở nên xa vời. Tiếp tục để ngân hàng cổ phần nhỏ tồn tại và hoạt động với cái khung pháp lý chung cho toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng hiện nay là một bất hợp lý khó chấp nhận. Rồi đây, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài với công nghệ cao và kinh nghiệm lâu năm sẽ còn tăng cường hiện diện ở Việt Nam; các ngân hàng quốc doanh và cổ phần lớn đang tăng trưởng ngày một nhanh và mạnh; khoảng cách giữa những “ông lớn” và những ngân hàng nhỏ sẽ ngày một dài hơn. Một bộ khung pháp lý với những quy định đặc thù cho các ngân hàng nhỏ đã đến lúc phải được soạn thảo, ban hành. Đó cũng chính là một trong các con đường để giảm thiểu những biến động tiền tệ nóng lạnh, cải tổ hệ thống tài chính Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới