Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bàn thêm về quần thể  làng cổ Đường Lâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bàn thêm về quần thể  làng cổ Đường Lâm

(TBKTSG) – Trong khuôn khổ chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học về các biến đổi của làng xã ở đồng bằng Bắc bộ giữa Trung tâm quốc gia Nghiên cứu khoa học (Pháp) và Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (Việt Nam), chúng tôi đã tiến hành hai cuộc điền dã ở Đường Lâm (5-6-1990 và 10-11-1991).

Sau đó, riêng tôi đã trở lại Đường Lâm cả chục lần vừa để thăm những người quen thân vừa để cập nhật tri thức về xã này. Kết quả là chúng tôi đã xuất bản được cuốn Mông Phụ, un village du delta du fleuve Rouge, được dịch sang tiếng Việt với tựa đề Mông Phụ, một làng ở đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2003).

Từ năm, sáu năm nay, hai ba cuộc hội thảo khá lớn đã được tổ chức để bàn về việc bảo tồn “làng cổ Đường Lâm”. Với tư cách là người đã có dịp nghiên cứu về vùng đất đáng yêu này, tôi xin góp vài kiến liên quan đến chủ đề vừa nêu ra.

Làng cổ Đường Lâm?

Khi vào trang web bằng tiếng Việt của Google, ta có thể tìm thấy cả trăm bài báo viết về “làng cổ Đường Lâm”. Theo tôi, cụm từ này là không chỉnh, vì người đọc có thể hiểu xã Đường Lâm hiện nay là một “làng cổ”.

Trước hết phải nói rằng “xã” (mới) – được lập ra sau Cách mạng tháng Tám và nhất là từ năm 1954 ở miền Bắc và từ năm 1975 ở miền Nam – là tương đương với “tổng” ngày xưa, tức là gồm nhiều “xã” (cũ), từ duy nhất được dùng trong thời Pháp thuộc để chỉ đơn vị hành chính cơ sở; từ đời Nguyễn trở về trước đơn vị này được gọi bằng hàng chục tên khác nhau: xã, thôn, phường, giáo phường, trang, trại, giáp, vạn, phố, động…

Trong ngôn ngữ hàng ngày, người Việt thường dùng từ “làng” có thêm chút chi “thân thương” hay “cảm xúc” (“émotionnel”, theo cách nói của nhà dân tộc học kiệt xuất Nguyễn Từ Chi) để chỉ “xã” (cũ) này hoặc đơn vị địa vực nằm bên trong nó (như thôn, xóm) nhưng có bản sắc riêng nhờ có đình, chùa hay một số tập tục riêng.

Do đó, ta không thể dùng từ làng để chỉ xã (mới) Đường Lâm hiện nay mà để chỉ chín thôn thành viên của nó.

Một vấn đề khác là không phải tất cả chín thôn (làng) này đều là “làng cổ” cả. Thực ra chỉ có năm thôn Cam Thịnh, Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Lâm và Đoài Giáp là đã được lập ra cách đây hơn 500 năm. Bốn thôn còn lại (Phụ Khang, Hà Tân, Hưng Thịnh và Văn Miếu) thì đều tách ra từ vài làng nói trên hoặc được lập ra cách đây chưa đến hai trăm năm.

Và trong năm “làng cổ” này chỉ có Mông Phụ là còn giữ được nhiều “nét xưa” tạo ra được dáng dấp tổng thể của một làng cổ với ngôi đình, cổng làng, cây đa cổ thụ, ao làng, quán (nhà nhỏ xây ở ngoài đồng, không có tường, để dân làng trú mưa, nắng hay để những người lỡ độ đường qua đêm vì xưa kia họ không được phép vào ngủ trong làng), điếm canh, giếng công, đường làng lót gạch… và hàng trăm ngôi nhà cổ có tường bằng đá ong và mái lợp bằng ngói mũi hài.

Vì các làng cổ nói trên (trừ Cam Lâm) nằm sát bên nhau đến mức không còn ranh giới rõ ràng, phải chăng ta nên dùng cụm từ “quần thể làng cổ Đường Lâm” để gọi chúng?

Đường Lâm: đất hai vua?

Ngày nay, không những ở Đường Lâm, nhiều người – trong đó cả một số nhà sử học – thường dùng thành ngữ “đất hai vua” để chỉ xã này và đôi khi để chỉ riêng thôn Cam Lâm. Hai vua đó là Phùng Hưng (761-802) và Ngô Quyền (899-944).

Đúng là phần lớn các sử liệu đều ghi Phùng Hưng và Ngô Quyền “là người Đường Lâm”. Nhưng ta không rõ đó là một huyện hay một làng. Và ta cũng không biết là nó nằm tại đâu ở đồng bằng sông Hồng. Dường như hiện nay hầu hết các sử gia Việt Nam đều xem Đường Lâm là tên một xã: cụ thể đó là xã Đường Lâm, thậm chí làng Cam Lâm vì ở làng này từ mấy thế kỷ nay có đình Phùng Hưng cũng như nhà thờ và lăng Ngô Quyền.

Trước đây, chính quyền xã này cũng đã dựa vào các bằng chứng đó để xin Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đổi tên thành Đường Lâm vào ngày 21-11-1964. Nhưng nhiều tư liệu lại ghi là, dưới đời Đường, Đường Lâm là tên huyện. Thực vậy, theo Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ và Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, huyện Đường Lâm này đại khái tương ứng với huyện Mỹ Đức hiện nay thuộc Hà Nội.

Vào đầu thế kỷ 19, Cam Lâm có tên là Cam Tuyền (xem Các trấn tổng xã danh bị lãm, 1981:42). Nhưng chỉ khoảng 60 năm sau đó, tên Cam Lâm đã thấy được ghi trong Đại Nam nhất thống chí. Phải chăng việc đổi Cam Tuyền thành Cam Lâm là để nối liền làng này với tên Đường Lâm thời xưa, rồi đi đến kết luận như trong Đại Nam nhất thống chí: “hai vương cùng một ấp, việc ấy chưa bao giờ có”.

Rốt cuộc, cụm từ “hai vương cùng một ấp” sau này đã được chuyển thành “đất hai vua”. Việc đổi “Cam Tuyền” thành “Cam Lâm” theo đúng quy tắc đổi tên làng xã ở Việt Nam thời xưa mà học giả bậc thầy Hoàng Xuân Hãn là người đầu tiên đã tìm ra trong cuốn Lý Thường Kiệt: tên làng xã mới bao giờ cũng giữ lại một “từ” của tên cũ: như “Cam Tuyền” thành “Cam Lâm” hoặc “Phi Phú”  “Phú An”  “Bảo An” (xã Điện Quang, Quảng Nam).

Tưởng cũng nên nói thêm rằng xã Đường Lâm hiện nay, cùng với xã Cam Thượng láng giềng, chắc là hai hóa thân của giáp Cam Giá vào đời Lý. Thật vậy, theo Đại Việt sử ký toàn thư (I:247), năm 1117 “người giáp Cam Giá dâng hươu đen” cho vua Lý Nhân Tông (Đường Lâm thuộc vùng “bán sơn địa”, khá gần núi Ba Vì). Như ta biết, từ Hán-Việt “cam giả” có nghĩa là “cây mía” xưa kia vốn được trồng rất nhiều ở vùng này nên thành tên nôm của nó qua nhiều thành ngữ như “phố Mía” (tức phố Tân Hội nay không còn nữa), “chùa Mía” (tức chùa Sùng Nghiêm ở Đông Sàng), “chợ Mía” (chợ Đông Sàng), “gà Mía”, “bà chúa Mía”, cung nữ rất được chúa Trịnh Tráng (?-1657) sủng ái: vì có nhiều công đức với các làng trong vùng, sau khi chết bà được thờ ở đền Phủ (Đông Sàng) như là một vị “Thánh Mẫu” rất linh thiêng.

Trước hậu bán thế kỷ 15, giáp Cam Giá nói trên đã chia thành Cam Giá Thượng (tức xã Cam Thượng hiện nay) và Cam Giá Hạ (sẽ lần lượt đổi thành tổng Cam Giá Thịnh, Cam Thịnh và Đường Lâm). Tóm lại, ít ra là từ thế kỷ 12 cho mãi đến năm 1964, xã Đường Lâm dường như chưa bao giờ có tên là Đường Lâm.

Vấn đề bảo tồn Đường Lâm

Theo cách viết có phần thiếu chính xác của các văn kiện chính thức cũng như của hàng trăm bài báo đăng lại trên các trang web, “Đường Lâm là ngôi làng cổ đầu tiên trên cả nước được công nhận là di tích quốc gia theo Quyết định 77/2005 ngày 28-11-2005 của Bộ Văn hóa Thông tin”.

Thực ra, từ những năm 1980, nhiều người đã nghĩ đến việc quy hoạch xã này, nhưng nhằm biến Đường Lâm thành một “ngôi làng hiện đại”, thậm chí như một “khu đô thị mới với các chỉ tiêu như mỗi làng có một sân vận động, một rạp chiếu phim, sân khấu ngoài trời, quảng trường…”. Cũng may, vì các khó khăn kinh tế vào thời ấy, đó chỉ là một giấc mơ!

Năm 1999, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu tỉnh Hà Tây “lập đề án quy hoạch làng Việt cổ Đường Lâm”.

Sau đó, Bộ Văn hóa Thông tin đã được trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) giúp quy hoạch tổng thể Đường Lâm để bảo vệ nguyên trạng “làng” này. Rồi các chuyên gia của Viện Khoa học xã hội Việt Nam cũng như của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng lao vào nghiên cứu “làng cổ Đường Lâm” tạo cơ sở khoa học cho “dự án xây dựng khu du lịch văn hóa Đường Lâm” với nhiều công trình kiến trúc hoành tráng, cũng như cho “chương trình xúc tiến nghiên cứu để làm thủ tục đề nghị UNESCO công nhận làng cổ Đường Lâm là di sản văn hóa thế giới”.

Sau khi được công nhận là di tích quốc gia, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây đã phê duyệt “dự án trùng tu, tôn tạo, bảo tồn làng cổ Đường Lâm từ nay đến 2020” với tổng kinh phí hơn 200 tỉ đồng.

Với việc tỉnh Hà Tây mới được sáp nhập vào Hà Nội, tôi nghĩ là việc bảo tồn “quần thể làng cổ Đường Lâm” chắc sẽ có thêm nhiều thuận lợi về ngân sách cũng như về chính sách bảo tồn và du lịch.

Về ngân sách, một thủ đô lớn như Hà Nội chắc là không quá eo hẹp so với tỉnh Hà Tây trước đây và do đó hoàn toàn có khả năng đầu tư để ưu tiên bảo tồn Đường Lâm và đặc biệt làng Mông Phụ, cho dù trước mắt việc khai thác du lịch chưa đem lại lợi nhuận tương xứng với số vốn sẽ phải đầu tư. Rõ ràng việc bảo tồn này là điều mà một nhà nước có trách nhiệm đối với di sản văn hóa quý giá và hiếm hoi của đất nước không thể không làm!

Về du lịch, cần biến Đường Lâm thành một trọng điểm của tuyến du lịch ở hữu ngạn phía Tây Hà Nội. Chẳng hạn du khách có thể đi ô tô (hoặc lấy xe buýt lên thành phố Sơn Tây, chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 45 ki lô mét) rồi thuê xe đạp để đi thăm thành cổ Sơn Tây, đền Và (có khu rừng lim rất hiếm, tuy nhỏ), Đường Lâm (chùa Mía, đền Phủ, làng Mông Phụ, đình Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền…) và các ngôi đình cổ rất đẹp Chu Quyến, Quang Húc và nhất là Tây Phương (chỉ cách Mông Phụ khoảng 4,5 ki lô mét).

Để có thể xem tất cả các di tích và thắng cảnh nói trên, du khách có thể ngủ lại một đêm ở Sơn Tây. Trước mắt, Nhà nước cần gấp rút đề ra các quy định cụ thể về kiến trúc để kịp thời ngăn chặn việc xây nhà “hiện đại” hoặc quá cao trong quần thể làng cổ, đặc biệt ở làng Mông Phụ. Triệt để cấm xây nhà mái bằng, ấn định các loại ngói phải dùng và độ cao tối đa, tài trợ để các nhà ở rìa làng trồng tre làm hàng rào cách ly vườn của mình với đồng ruộng để tạo lại lũy tre làng nổi tiếng của đồng bằng Bắc bộ mà các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng như Pháp trước Cách mạng tháng Tám đã nói đến rất nhiều: ngoài chức năng bảo vệ dân làng chống trộm cướp, lũy tre làng còn là một giới hạn thiêng liêng của cộng đồng làng xã, dấu hiệu của tính cá biệt và sự tự trị của nó.

NGUYỄN TÙNG (Paris)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới