Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bằng sáng chế – mặt phải, mặt trái!

Lê Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Bằng sáng chế không phải là công cụ pháp lý hoàn hảo để thúc đẩy phát triển công nghệ, nhưng tác động tích cực của nó trong dài hạn là không thể phủ nhận.

Ở thế kỷ 21, khi nền kinh tế đang chuyển sang kinh tế tri thức, thì bằng sáng chế lại càng là tài sản quý báu của doanh nghiệp, quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Bằng sáng chế là một loại hình quyền sở hữu công nghiệp, cho phép người chủ bằng sáng chế có độc quyền khai thác (sản xuất, sử dụng, bán…) công nghệ sáng chế trong một khoảng thời gian có giới hạn (ví dụ như theo luật Việt Nam thì bằng sáng chế được bảo hộ trong thời gian 20 năm), và trong một không gian địa lý nhất định (tại quốc gia người chủ sáng chế đăng ký bảo hộ). Bằng sáng chế chỉ được cấp cho những sáng chế có tính mới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp.

Nhờ vào đăng ký bằng sáng chế, doanh nghiệp có thể vượt qua những khó khăn ban đầu trong việc tung ra thị trường sản phẩm công nghệ mới, vì có thể hoàn thiện, nâng cao nó trước khi đối thủ cạnh tranh tìm cách phát triển sản phẩm tương tự.

Việc sáng chế được bảo hộ bằng luật về bằng sáng chế cũng giúp doanh nghiệp cấm đối thủ cạnh tranh sản xuất, sử dụng hoặc bán công nghệ đó tại lãnh thổ được bằng sáng chế bảo hộ, đảm bảo vị trí độc quyền khai thác đối với công nghệ đó.

Hiện nay, chỉ cần nhìn vào số lượng bằng sáng chế đăng ký, chúng ta cũng có thể thấy mức độ phát triển công nghệ của một quốc gia. Theo báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thì năm 2022 toàn thế giới có khoảng 3,5 triệu đơn đăng ký bằng sáng chế - con số cao nhất từ trước đến nay.

Cũng theo báo cáo này, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức là năm quốc gia đứng đầu thế giới về số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế. Đặc biệt, riêng Trung Quốc đã chiếm tới gần nửa số lượng đơn toàn cầu.

Không hiếm trường hợp doanh nghiệp sở hữu công nghệ trở nên độc quyền, hạn chế số lượng sản phẩm bán ra để giữ giá bán cao trên thị trường, hoặc sử dụng bằng sáng chế cản trở các doanh nghiệp khác sử dụng công nghệ “chìa khóa” để nghiên cứu phát triển sâu rộng hơn.

Không khó để có thể thấy mục đích chính của hệ thống bảo hộ bằng sáng chế là khuyến khích đổi mới công nghệ, bằng cách trao quyền sở hữu cho nhà sáng chế (cho dù hiện nay chủ sở hữu của bằng sáng chế phần lớn là các công ty chuyên về nghiên cứu và phát triển, có thể đứng tên đăng ký sáng chế cho các sáng chế của nhân viên công ty và luật về sở hữu trí tuệ cũng ngày càng phát triển theo hướng có lợi cho doanh nghiệp - nhà đầu tư hơn là có lợi cho nhà phát minh sáng chế cá nhân).

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng mặt trái của việc bảo hộ bằng sáng chế là ảnh hưởng tiêu cực tới cạnh tranh trên thị trường và ở một khía cạnh nào đó, tới việc phổ biến và phát triển kiến thức khoa học công nghệ.

Về lý thuyết thì các quy định về bằng sáng chế (tiêu chuẩn bảo hộ, thời hạn bảo hộ, ngoại lệ…) đều có mục tiêu tìm ra một sự cân bằng nhất định giữa kích thích đổi mới sáng tạo và phổ biến kiến thức, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Tuy nhiên, trên thực tế, một số nghiên cứu cho thấy chỉ trong một số điều kiện nhất định thì luật về bảo hộ bằng sáng chế mới có thể thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ (ví dụ điều này diễn ra trong các ngành công nghiệp hóa chất, công nghệ sinh học, sản phẩm y tế, máy móc… trong những năm 1980, 1990).

Trong một số điều kiện khác, luật này lại kìm hãm sự phát triển công nghệ (như trong trường hợp các lĩnh vực công nghệ mới gần đây, khi bằng sáng chế hạn chế việc tiếp cận kiến thức căn bản, gây khó khăn cho các nhà khoa học tiếp tục phát triển công nghệ). Điều này cũng tương tự với sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường.

Không hiếm trường hợp doanh nghiệp sở hữu công nghệ trở nên độc quyền, hạn chế số lượng sản phẩm bán ra để giữ giá bán cao trên thị trường, hoặc sử dụng bằng sáng chế cản trở các doanh nghiệp khác sử dụng công nghệ “chìa khóa” để nghiên cứu phát triển sâu rộng hơn.

Đối với các doanh nghiệp, hình ảnh nghiên cứu phát triển để có thể tạo ra sáng chế, trở thành chủ sở hữu bằng sáng chế sẽ được đề cao hơn là việc “bắt chước”, “ăn theo” các doanh nghiệp khác. Các chuyên gia về xây dựng chiến lược doanh nghiệp cũng chẳng mấy ai hô hào việc chạy theo dấu chân đối thủ cạnh tranh, vì điều này thường bị coi là… phi chiến lược, vì mục tiêu cao nhất của doanh nghiệp là phát triển lợi thế cạnh tranh, để tạo ra nhiều giá trị hơn các doanh nghiệp khác.

Ông Michael Porter, một chuyên gia người Pháp, tuyên bố rằng: “Doanh nghiệp nào có cùng chiến lược với các đối thủ, thì doanh nghiệp đó không có chiến lược!”.

Mặc dù thế, một số nghiên cứu gần đây cho thấy rằng “bắt chước” đối thủ cạnh tranh lại cũng là một chiến lược mang lại kết quả khá… tốt cho doanh nghiệp. Không chỉ thế, “bắt chước” còn đóng vai trò lớn trong việc phổ biến kiến thức, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như phát triển các nguyên tắc, phương pháp quản trị kinh tế.

Sự “bắt chước” ở đây có thể thể hiện ở việc thu thập, sử dụng thông tin của đối thủ cạnh tranh, lợi dụng nỗ lực nghiên cứu và phát triển của đối thủ cạnh tranh, học và rút kinh nghiệm từ… sai lầm, thất bại của đối thủ cạnh tranh để nâng cao khả năng cạnh tranh của bản thân.

Tất nhiên, khi doanh nghiệp vi phạm các quy định về quyền sở hữu trí tuệ (như bằng sáng chế hay kiểu dáng công nghiệp…), sẽ có nguy cơ bị xử phạt và phải đền bù thiệt hại. Tuy nhiên, nếu như doanh nghiệp khôn khéo “ăn theo” sự thành công, hay bắt chước khuynh hướng chiến lược của đối thủ trên thị trường, thì chẳng luật nào cấm điều này cả.

Microsoft là doanh nghiệp thường xuyên lợi dụng vị trí “ông lớn” trên thị trường để tìm cách mua lại các startup sau khi các công ty non trẻ này thành công trong việc phát triển một công nghệ mới, hoặc tìm cách phát triển sản phẩm riêng dựa trên công nghệ do các công ty này tạo ra. Trường hợp của Microsoft cũng có thể được coi là một ví dụ minh họa một ông lớn trên thị trường sử dụng biện pháp “bắt chước” để duy trì vị thế áp đảo của bản thân.

Tất nhiên, một điều không thể phủ nhận được là doanh nghiệp khi trở thành chủ sở hữu bằng sáng chế thì sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn các doanh nghiệp khác. Để đổi lại, sáng chế phải được công bố cho công chúng, để toàn xã hội có thể tiếp cận thông tin khoa học (thời điểm công bố do cơ quan thẩm định quyết định; có sáng chế được công bố không đến một năm sau khi đăng ký, có sáng chế thì vài năm sau).

Cũng cần bổ sung một tin vui sau đây cho sự phát triển khoa học công nghệ nói chung. Nếu như trước đây chỉ có các chuyên gia về bằng sáng chế, các luật sư trong ngành mới có thể tiếp cận dễ dàng các thông tin về sáng chế thì hiện nay đã có hàng chục triệu tài liệu về sáng chế được đăng tải rộng rãi trên toàn thế giới một cách miễn phí, trong mọi lĩnh vực khoa học khác nhau, để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận khối kiến thức chung khổng lồ này.

Không chỉ thế, mỗi năm có thêm khoảng một triệu tài liệu được đăng tải - với những kiến thức mới nhất, quan trọng nhất. Mỗi ngày, các nhà khoa học trẻ, các nhà kinh doanh, các nhà kinh tế học, các chuyên gia chiến lược thị trường, hay bất cứ một người bình thường nào khác đều có thể tham khảo kho báu tri thức khoa học kỹ thuật này để tiếp tục phát triển công nghệ, xây dựng công cụ chiến lược doanh nghiệp, dự đoán khuynh hướng phát triển công nghệ, dự đoán thị trường, dự đoán tương lai doanh nghiệp… hay đơn thuần chỉ là để học hỏi thêm vô số kiến thức mới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới