Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Bão cấm’

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trước tình hình kinh doanh chưa được sáng sủa cho lắm, giới vận tải hành khách và các công ty du lịch tại TPHCM có thêm lý do để lo lắng khi Sở Giao thông – Vận tải vừa ra văn bản xin ý kiến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM về việc cấm các loại xe khách có sức chở lớn vào khu nội đô trong khung giờ nhất định nhằm hạn chế ùn tắc giao thông.

Đại thể, theo phương án 1, giai đoạn 1 từ 2022 đến 2025 sẽ cấm xe khách gường nằm vào nội đô; giai đoạn 2 từ 2025 đến 2030 sẽ cấm xe khách trên 30 chỗ (trừ một số loại theo quy định). Phương án 2 tương tự như phương án 1, nhưng đối tượng là xe khách trên 16 chỗ. Theo báo Thanh Niên, sở nghiêng về phương án 1 để hạn chế tác động đến doanh nghiệp(1).

Để khắc phục tình trạng kẹt xe, đặc biệt là trong khu nội đô, có lẽ phần lớn người dân đều đồng tình với các phương án hiệu quả, khả thi do các cơ quan chức năng đề ra. Tuy nhiên, thực tình mà nói, đề xuất cấm như trên dường như không thuyết phục lắm trong thời điểm hiện nay nếu các nhà chức trách hữu quan chưa thực hiện triệt để các biện pháp hiện hành.

Ví dụ như chuyện cấm các xe giường nằm chẳng hạn. Thì đúng là các xe loại lớn này chiếm nhiều diện tích mặt đường và nói rằng chúng có thể gây cản trở giao thông khi mật độ xe cộ trên đường dày đặc là chính xác. Tuy nhiên, nói cấm xe giường nằm sẽ làm giảm bớt kẹt xe hiệu quả hiện nay có thuyết phục hay không? Bởi vì lượng xe giường nằm chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với tổng số phương tiện có cùng kích thước lưu thông trên đường trong cùng một thời điểm. Hiệu quả như thế nào nếu trong cùng lúc chỉ cấm vài chiếc xe giường nằm trong khi vài trăm, vài ngàn chiếc xe với kích thước tương đương vẫn chạy trên đường? Phương án này chỉ có tác dụng nếu cùng lúc cấm xe giường nằm và phần lớn các loại xe khác có cùng kích cỡ.

Thêm nữa, nếu chịu khó quan sát rồi thực hiện khảo sát, cơ quan chức năng có thể khẳng định được một nguyên nhân quan trọng gây ùn tắc giao thông mà nhiều người đã đề cập. Đó là vấn nạn đậu xe bừa bãi – đặc biệt là xe hơi – tràn lan nhiều nơi trong thành phố. Chứng minh ư? Các vị có trách nhiệm cứ vi hành vài vòng thành phố trong vài ngày ắt sẽ thấy ít nhiều. Ai cho phép hai dãy xe hơi đậu cả hai bên đường tại một số tuyến đường trong khu nội đô? Ai cho phép các loại xe tải ngang nhiên đậu bừa chiếm hết phân nửa mặt đường để bốc dỡ hàng hóa ngay trong giờ cao điểm? Nhiều người đoan chắc rằng nếu dẹp bỏ được vấn nạn này chắc chắn nạn ùn tắc giao thông sẽ giảm bớt phần nào mà chẳng cần gì đến chuyện cấm xe giường nằm.

Vì vậy, trước khi cấm xe giường nằm, hãy cấm đậu tất cả các loại xe trên lòng đường trong giờ cao điểm tại tất cả các con đường trong khu nội đô. Thiết nghĩ, phương án này sẽ làm giảm được ít nhiều nạn kẹt xe hiện nay trong khu vực liên quan. Xin hỏi các cơ quan chức năng tại sao nói không với chuyện cấm đậu xe trên lòng đường như trên? Có phải vì sợ người có xe không có chỗ đậu xe? Xin thưa, nếu có nỗi sợ đó thì chưa hợp lý bởi lẽ một lệnh cấm như vậy phục vụ số đông, phục vụ cả xã hội, thay vì chỉ phục vụ một nhóm người có xe. Hơn nữa, phương án này chỉ nhằm tạo thêm điều kiện cho xe cộ lưu thông, không cấm xe nào chạy cả, chỉ cấm đậu xe thôi!

Xin nói thêm là, về lâu về dài, người viết ủng hộ phương án áp dụng lộ trình tiến đến chỉ cho phép lưu thông trong nội đô các loại xe có kích thước nhỏ hơn, dưới 30 chỗ hay 16 chỗ chẳng hạn, áp dụng kể cả phương tiện công cộng như xe buýt. Như vậy, chúng ta sẽ có thể dần dần loại bỏ các loại xe cỡ lớn thường gây ùn tắc giao thông. Với tư duy này, ngay cả loại xe buýt đang chạy được cho là “xanh” vì không dùng trực tiếp nhiên liệu hóa thạch cũng không được phép bởi vì chúng quá to khi chở được đến 72 hành khách cùng lúc, rõ ràng có thể gây kẹt xe trong giờ cao điểm.

Cuối cùng, các cơ quan chức năng chỉ nên nghĩ đến chuyện cấm như là biện pháp cuối cùng khi đã dùng hết mọi biện pháp khác. Tư duy cấm là cách quản lý dễ nhất, nhưng nếu chuyện gì cũng cấm thì cuối cùng sẽ cấm hết mọi thứ. Hơn nữa, cấm nhiều thì vô hình trung người dân sẽ nghĩ: bộ “mấy ổng” không còn cách nào khác ngoài chuyện cấm hay sao, sao ưa cấm dữ vậy?

Thời sự hơn, cấm nhiều trong lúc này, người ta sẽ bảo sao nhiều bão quá vậy. Bão cytokine trong mùa Covid-19 vừa tạm lắng xuống, bão giá lại nổi lên ngay. Bão giá chưa qua, nay lại thêm “bão cấm”!

———–

(1)https://thanhnien.vn/tranh-cai-cam-xe-khach-vao-noi-do-tp-hcm-post1485941.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới