Báo chí châu Á: một câu chuyện tích cực
Sự phát triển của báo chí phản ánh bước tiến của nền dân chủ. |
(TBKTSG) – Bất chấp cuộc suy thoái kinh tế đang hoành hành và thách thức của mạng thông tin toàn cầu World Wide Web, báo in vẫn phát triển mạnh ở châu Á. Vì sao?
Nhờ tỷ lệ người biết chữ tăng cao và công cuộc cải tổ báo chí ở nhiều quốc gia, châu Á đang trải qua cái gọi là “cuộc bùng nổ lớn cuối cùng” của báo chí thế giới. Theo Hiệp hội Nhật báo Thế giới (World Association of Newspapers – WAN), tám trong số mười nhật báo lớn nhất thế giới, mà người đọc phải trả tiền mua, được xuất bản ở châu Á. Các thị trường báo chí lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản; Mỹ xếp thứ tư nhưng cách Nhật rất xa.
Ngay cả khi người châu Âu và người Bắc Mỹ từ bỏ thói quen đặt mua báo dài hạn – lượng báo phát hành ở hai vùng này giảm 1,84% năm 2006 và 2,14% năm 2007, theo số liệu mới nhất của WAN – thì ở châu Á, lượng độc giả dài hạn lại tăng 4,74%. Riêng tại Ấn Độ, trong năm 2008 đã có thêm 11,5 triệu người đặt mua báo dài hạn; doanh thu quảng cáo tăng 10% – tuy không mạnh bằng hai năm trước nhưng là một kết quả đáng phấn khởi.
“Nhiều người không thể thưởng thức ly cà phê buổi sáng mà không có tờ báo”, Rahul Kansal, Giám đốc tiếp thị của tờ Thời báo Ấn Độ (Times of India), nói. Times of India là tờ báo tiếng Anh khổ rộng có nhiều người đọc nhất thế giới và là ấn phẩm chủ yếu trong hàng ngũ đông đảo 64.998 tờ nhật báo đăng ký hoạt động trên khắp Ấn Độ.
Để so sánh, có thể xem sự sút giảm lượng phát hành của 5 tờ báo lớn ở nước Mỹ trong năm 2008, so với năm 2007: Thời báo New York (New York Times) giảm 3,6%; Thời báo Los Angeles (Los Angeles Times) giảm 5,2%, Tin hàng ngày (Daily News) giảm 7,2%; Bưu điện New York (New York Post) giảm 6,3% và Bưu điện Washington (Washington Post) giảm 1,9%.
Sự phát triển của báo chí châu Á phản ánh bước tiến của nền dân chủ và đà suy thoái của các chính thể độc tài, vì người đọc báo bây giờ không còn hứng thú với các bài tuyên truyền. Ở Indonesia chẳng hạn, số nhật báo đã tăng từ vài chục tờ lúc ông Suharto bị lật đổ năm 1998 lên gần 800 tờ hiện nay.
“Tầng lớp trung lưu ở Indonesia đang tăng lên và nhiều gia đình đặt mua cùng lúc hai tờ báo. Người ta thích cầm tờ báo trong tay, thậm chí còn lưu giữ và cắt để dành những bài họ yêu thích như một loại hàng hóa quý giá”, Ali Basyah Suryo, cố vấn chiến lược của tờ Toàn cầu (Globe) – một tờ báo tiếng Anh mới ra đời ở Jakarta, cho biết.
Ngay cả ở Trung Quốc, nơi các chỉ đạo của nhà nước được chuyển xuống các ban biên tập, một cuộc cách mạng báo chí cũng đang diễn ra. Trong vòng mười năm qua, chính phủ trung ương Trung Quốc đã dần dần “cai sữa” các tờ báo khỏi sự bao cấp của nhà nước.
Thực tế thị trường tự do buộc các nhà biên tập phải đưa ra những tin bài có thể bán được. Trong lúc tờ Nhân dân nhật báo (People’s Daily) – cơ quan chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc – vẫn còn đưa lên trang nhất những cái tít “truyền thống” như “Quan hệ Trung Quốc – Mali không ngừng phát triển” thì các tờ báo khác thu hút người đọc bằng việc đào sâu những vụ tham nhũng của quan chức và đời sống tình dục của người nổi tiếng.
Số lượng người sử dụng Internet ở châu Á còn thấp, bảo đảm cho báo in – chứ không phải máy vi tính hoặc điện thoại di động – là phương tiện chủ yếu chuyển tải thông tin tới người đọc. Cho đến tháng 9 năm ngoái, ở Ấn Độ mới chỉ có 12,24 triệu người sử dụng Internet, một phần nhỏ so với 180 triệu người đăng ký mua báo dài hạn.
Ở các nước Đông Á cộng đồng cư dân mạng có đông đảo hơn nhưng báo in vẫn ngự trị. Ở Nhật, gia đình trung lưu nào cũng đăng ký mua vài tờ nhật báo mỗi ngày. Thực tế, dân Nhật là những người siêng đọc báo nhất thế giới cho dù lượng phát hành báo in giảm đôi chút trong vài năm vừa qua.
“Thật khó tìm thấy một nước nào khác trên thế giới mà báo chí in ra mỗi ngày hàng triệu bản,” ông Yoichi Funabashi, Tổng biên tập báo Asahi Shimbun, nhận xét. Asahi Shimbun là tờ nhật báo lớn thứ hai thế giới, chỉ sau tờ Yomiuri Shimbun cũng của Nhật, với hơn 8 triệu độc giả đăng ký dài hạn.
Mảnh đất màu mỡ nhất thế giới cho ngành báo chí cũng là nơi nguy hiểm nhất cho các phóng viên. Theo Viện Báo chí quốc tế, trong năm 2008 đã có 26 nhà báo châu Á bị giết trong lúc đang tác nghiệp, khiến châu Á vượt qua Trung Đông trở thành vùng chết chóc nhất đối với giới truyền thông.
Còn theo Tổ chức Phóng viên Không biên giới, hiện có 54 nhà báo châu Á đang bị cầm tù. Tuy vậy, những con số đau lòng này chứng tỏ tầm quan trọng lớn lao của báo chí châu Á như một biện pháp kiểm soát sự lạm dụng quyền lực – một vai trò không bao giờ lỗi thời cả.
THÁI BÌNH (theo Time)