Chủ Nhật, 6/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Báo động sức khỏe tinh thần học đường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Báo động sức khỏe tinh thần học đường

Thanh Phương (thực hiện)

Chị Lê Thị Minh Tâm (đứng) tại một buổi sinh hoạt ở hội quán Các Bà Mẹ, TPHCM.

(TBKTSG) - Cứ sau mỗi mùa thi, nhất là thi đại học, báo chí lại đưa tin dữ về cái chết của một số em thi rớt. Tuy chưa có số liệu chính xác nhưng với mạng truyền thông nhanh hiện nay, nhiều người có cảm giác hiện tượng thất vọng - tự tử do áp lực học hành, thi cử của giới học sinh sinh viên có chiều hướng gia tăng.

TBKTSG đã có cuộc trao đổi với chị LÊ THỊ MINH TÂM, thạc sĩ khoa học xã hội về sức khỏe (Đại học Mahidol, Thái Lan), Trưởng bộ phận tham vấn và hỗ trợ tâm lý của Trung tâm Tham vấn - thực hành công tác xã hội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, về tình trạng sức khỏe tinh thần hiện nay của học sinh sinh viên.

TBKTSG: Qua thực tế công việc lắng nghe tâm sự, hỗ trợ tâm lý cho sinh viên, chị nhìn nhận như thế nào về hiện tượng tự tử vì thi rớt?

- Chị Lê Thị Minh Tâm: Thi rớt, theo tôi, không phải là nguyên nhân dẫn đến các quyết định tự tử. Nó chỉ là sự kiện gây bùng nổ, hiện tượng cuối cùng của chuỗi áp lực về nhiều vấn đề cá nhân trong suốt một khoảng thời gian dài trước đó, làm suy giảm nghiêm trọng sức khỏe tinh thần nơi một số em.

Những yếu tố cấu thành chuỗi áp lực ở mỗi trường hợp có thể khác nhau, và những trường hợp chẳng may hội tụ càng nhiều tác nhân tiêu cực thì nguy cơ càng cao. Đó có thể là hoàn cảnh gia đình, cha mẹ mâu thuẫn; áp lực mưu sinh, chi phí cho cuộc sống, cho việc học; năng lực học tập có hạn; đặc điểm tâm lý bất ổn, giàu xúc cảm và theo khuynh hướng tiêu cực; cảm giác cô đơn; thiếu kỹ năng sống; mức độ chịu đựng của cá nhân thấp…

Trong đó, áp lực phổ biến, có vai trò chi phối quan trọng và dễ nhận thấy nhất là việc áp đặt mong muốn của cha mẹ lên con cái, mong muốn con cái học hành thành đạt, có nghề nghiệp ổn định để đảm bảo một tương lai vững chắc. Nhiều trường hợp còn là vì sĩ diện của cha mẹ. Sự áp đặt này không chỉ là việc lấy quyền làm cha mẹ để bắt buộc con cái, mà nhiều khi, sự khao khát, mong đợi, hy vọng cùng những hy sinh quá lớn của cha mẹ, gia đình cũng tạo thành áp lực hết sức nặng nề lên các em, nhất là đối với những em nhận ra năng lực có hạn của mình.

TBKTSG: Như chị nói thì trước hiện tượng tự tử của một số em, chúng ta không thể chỉ quy trách nhiệm cho những hạn chế cá nhân của những em này, mà ở đây còn có trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và xã hội đối với sức khỏe tinh thần của các em?

- Tôi có cảm giác đời sống của chúng ta đang diễn biến cùng với những làn sóng thôi thúc lớp trẻ cầu thị, thăng tiến một cách quá nhanh. Nhìn tổng thể thì xu hướng đó rất tích cực, nhưng mặt khác, bên cạnh những hiện tượng nổi trội trong xã hội như sự thành đạt, mộng làm giàu được ca ngợi, tán thưởng; sự phân hóa giàu nghèo đi cùng với nỗi khao khát đổi đời của những thân phận luôn cảm nhận mình thua kém…, thì ta lại chưa có đủ những chương trình giáo dục về giá trị sống, kỹ năng sống, phân tích - đánh giá các trào lưu xã hội để giúp các em định hướng hành động một cách hiệu quả hơn.

Đặc biệt, ứng xử xã hội và trên thị trường lao động vẫn phổ biến dựa vào bằng cấp (ý tôi muốn đề cập ở góc độ học vị chứ không phải tay nghề chuyên môn) nên chuyện phải lấy được bằng cấp bị đẩy thành trọng trách, gây áp lực lớn cho các em. Thậm chí, đối với một số em, chuyện thi rớt phải học lại một năm cũng trở thành vấn đề quá lớn: tốn thêm tiền bạc, thời gian, con đường đến tương lai bị chậm lại, cụ thể là chậm học, chậm ra trường, chậm đi làm kiếm tiền, chậm thành đạt… Chuỗi tư duy này có thể đưa các em đến cảm giác thất bại, bi quan, bất lực, chán chường.

TBKTSG: Những dấu hiệu nào giúp phụ huynh nhận biết tình trạng suy giảm sức khỏe tinh thần nơi con em mình, nhất là ở những em quen sống khép kín?

- Có thể nhận biết qua những biểu hiện như chứng căng thẳng, sự trầm cảm, thái độ co cụm, rối nhiễu lo âu, rối nhiễu cảm xúc, những lời nói, nhận định bi quan về cuộc sống, về bản thân, giảm sự tập trung chú ý hay các triệu chứng của bệnh tâm thần… Tuy nhiên, sự quan tâm của người thân cũng có mặt giới hạn vì họ thiếu kiến thức chuyên môn để nhận diện vấn đề như những chuyên gia tâm lý.

Thường thì những trường hợp dẫn đến tự tử là do đã bị rối loạn (tinh thần) nặng nhưng những người xung quanh không ý thức hết mức độ nghiêm trọng nên không can thiệp kịp thời. Nhiều khả năng các em dễ tâm sự với nhóm bạn hoặc những người gần gũi bên ngoài gia đình mình, do vậy, hoạt động tham vấn tâm lý và sức khỏe tinh thần trong nhà trường, trong các hội đoàn là rất cần thiết.

TBKTSG: Chị đánh giá thế nào về hiện trạng hoạt động tham vấn tâm lý và hỗ trợ sức khỏe tinh thần học đường?

- Theo tôi biết thì Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã có chủ trương phát triển hoạt động tham vấn học đường, nhắm tới mục tiêu mỗi trường trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có ít nhất một chuyên viên tham vấn. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất ít trường tổ chức bộ phận tham vấn. Nhiều trường trung học phổ thông ở Thái Lan không chỉ có phòng tham vấn phục vụ nhu cầu được tham vấn sâu của học sinh mang tính riêng tư mà còn thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên đề tại lớp về sức khỏe sinh sản, bạo lực học đường…

Riêng ở khối trường đại học thì phần lớn đều đã chú ý đẩy mạnh hoạt động này dưới nhiều hình thức linh hoạt. Cũng đã có một số tổ chức phi chính phủ quốc tế tham gia vào các chương trình hỗ trợ đối với các trường đại học và một số trường trung học phổ thông ở Việt Nam.

Mặt hạn chế hiện nay là so với nhu cầu, chúng ta còn thiếu nhiều chuyên viên phụ trách sức khỏe tinh thần học đường, nhất là các chuyên gia cho khu vực can thiệp chuyên sâu đối với những trường hợp nghiêm trọng. Tuy nhiên, vấn đề phát triển đội ngũ đang tiến triển. Trước hết, nhận thức xã hội đã có sự chuyển biến đáng kể. Tại khóa tập huấn hè về sức khỏe tinh thần học đường do Hội Khoa học tâm lý giáo dục TPHCM và Liên hiệp Phát triển Tâm lý học học đường tại Việt Nam tổ chức hồi tuần trước, có khá nhiều đại diện các trường học từ các tỉnh tập trung về.

Ngoài ra, các trường đại học đang giảng dạy và bổ sung các chuyên ngành: tâm lý, tâm lý giáo dục, xã hội học, thực hành công tác xã hội. Đội ngũ được đào tạo từ các chuyên ngành này có thể sắp xếp vào làm việc ở các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở và là hạt nhân thiết lập sự phối hợp các tổ chức trong trường, giữa các trường, làm cầu nối với các tổ chức xã hội.

Hướng tiếp cận sức khỏe cộng đồng được các chuyên gia đề nghị dựa theo các cấp độ trầm trọng của tình trạng sức khỏe (xem biểu đồ). Theo đó, “vùng” can thiệp phổ quát mang tính phòng ngừa. Đó có thể là nếp sống gần gũi, quan tâm trong gia đình giúp tạo không khí cởi mở, chia sẻ giữa cha mẹ với con cái; là các hoạt động trong trường học như: tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, quản lý cảm xúc, quản lý stress trước kỳ thi…

Vùng can thiệp tập trung đòi hỏi khả năng phát hiện nguy cơ để có sự can thiệp sớm trước khi vấn đề trở thành nghiêm trọng. Vùng can thiệp chuyên sâu và chẩn đoán (bệnh) chính thức đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao của chuyên viên tham vấn, nhà trị liệu, bác sĩ.

Những can thiệp phổ quát rất cần sự hỗ trợ từ mối liên kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, các hội đoàn mà đối tượng cần can thiệp có tham gia sinh hoạt. Nhìn chung, các liệu pháp cần tập trung vào những điểm mạnh của cá nhân, cộng hưởng với các thế mạnh của gia đình, trường học, cộng đồng nhằm tạo không khí lạc quan, môi trường có tính bảo vệ, bồi dưỡng khả năng vượt khó cho đối tượng…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới