(KTSG Online) – Động thái nâng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022 dự kiến đem lại tác động tích cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ năm 2023.
- Thị trường bảo hiểm còn nhiều bài toán khó
- Tăng vốn điều lệ bảo hiểm tiền gửi lên 10.000 tỉ đồng vào năm 2025
Vượt qua một năm 2022 kém sắc
Theo số liệu do Bộ Tài chính công bố tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023, tính đến ngày 12-12-2022, thị trường bảo hiểm có 79 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài; 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 26 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Về hoạt động kinh doanh, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 251.306 tỉ đồng trong năm 2022, tăng 15,09% so với năm 2021 và là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2013. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 68.201 tỉ đồng, bảo hiểm nhân thọ đạt 183.105 tỉ đồng.
Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 64.018 tỉ đồng, tăng 23,29% so với năm 2021. Trong đó khối phi nhân thọ ước đạt 23.418 tỉ đồng, khối nhân thọ ước đạt 40.600 tỉ đồng.
Doanh thu dự kiến tăng trưởng tốt, nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm có sự sụt giảm. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế trong ba quý đầu năm 2022 của các doanh nghiệp bảo hiểm giảm 29% so với cùng kỳ năm 2021, theo thống kê của bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán SSI (SSI Research).
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3-2022 cũng cho thấy sự khó khăn của các doanh nghiệp bảo hiểm khi Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PIJICO, mã chứng khoán: PGI) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 201 tỉ đồng sau 9 tháng đầu năm - giảm 38% so với cùng giai đoạn năm trước, Tổng công ty cổ phần tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare, mã chứng khoán: VNR) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 309 tỉ đồng - giảm 8%, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm BIDV (mã chứng khoán: BIC) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 183 tỉ đồng - giảm 36%, Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán: BVH) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.553 tỉ đồng - giảm 8,8%.
Lý giải nguyên nhân, bộ phận phân tích của một số công ty chứng khoán cho biết phần lớn lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm đến từ hoạt động đầu tư với 90% danh mục đầu tư là tiền gửi và trái phiếu, còn lại là cổ phiếu và bất động sản... Việc giá trị của các tài sản đầu tư như chứng khoán và bất động sản liên tục suy giảm đã ảnh hưởng tới lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm trong 9 tháng đầu năm 2022. Thậm chí, giá trị của nhiều khoản đầu tư cổ phiếu dự kiến tiếp tục suy giảm khi các chỉ số trên thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục sụt giảm và chạm đáy trong tháng 11-2022.
Với nhóm doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ gồm PTI, Bảo Việt, PVI, PJICO, lợi nhuận sụt giảm còn tới từ hai yếu tố: tỷ lệ bồi thường tăng trở lại sau giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 trong năm 2021; giá trị trích dự phòng bồi thường tăng sau khi doanh thu tăng.
Với quý 4-2022, Công ty cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (mã chứng khoán: VASS) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất với lợi nhuận sau thuế âm gần 55,6 tỉ đồng cho cả năm 2022, trong khi cùng kỳ dương hơn 2 tỉ đồng.
Trước đó, vào cuối tháng 12-2022, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm BIDV (mã chứng khoán: BIC) công bố việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022 với chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm là 3.410 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 385 tỉ lợi nhuận trước thuế hợp nhất.
Thực tế, doanh nghiệp từng đặt mục tiêu kinh doanh năm 2022 khá khiêm tốn với tổng doanh thu phí bảo hiểm ở mức 3.310 tỉ đồng – tăng 16,4% so với năm 2021, lợi nhuận trước thuế ở mức 435 tỉ đồng - giảm 13,4%.
Nguyên nhân doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận “đi lùi”, theo lãnh đạo Bảo hiểm BIDV, do lợi nhuận mảng đầu tư tăng trưởng thấp trong bối cảnh lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp. Còn hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2022 dự kiến giảm do doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh bán lẻ trong năm 2021 và tỷ lệ bồi thường sẽ tăng khi không còn hưởng các điều kiện thuận lợi như năm trước.
Những kỳ vọng cho một năm mới đến
Với năm 2023, Bộ Tài chính dự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng khoảng 15% so với năm 2022. Đáng lưu ý, mục tiêu doanh thu, tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, dự phòng nghiệp vụ, nguồn vốn chủ sở hữu tăng trưởng bình quân 15% một năm trong giai đoạn 2021-2025 cũng có trong Đề án Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030 được Bộ Tài chính trình Chính phủ mới đây.
Để hoàn thành mục tiêu này, Bộ Tài chính dự kiến tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, đảm bảo an toàn hệ thống; phát triển đa dạng các sản phẩm bảo hiểm. Công tác quản lý, giám sát cũng sẽ tiếp tục thực hiện theo phương thức giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý, giám sát thị trường.
Ngoài ra, thị trường bảo hiểm năm 2023 cũng ghi nhận một số yếu tố hỗ trợ tích cực. Chẳng hạn, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2023 sẽ giúp thị trường bảo hiểm gia tăng sự minh bạch cũng như sức cạnh tranh, từ đó củng cố vững chắc nền tảng phát triển.
Theo đó, Luật mới tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty phi nhân thọ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, buộc các doanh nghiệp phi nhân thọ trong nước phải đổi mới mô hình quản trị, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để tăng tính cạnh tranh cũng như phù hợp với các quy định mới.
Về vĩ mô, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định, các ngành có lượng tiền ròng lớn như tài chính và bảo hiểm có thể hưởng lợi khi mặt bằng lãi suất tăng. Cụ thể, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhận thọ hiện sở hữu danh mục đầu tư với tỷ lệ tiền gửi và trái phiếu chiếm khoảng 90%, gồm 70% là tiền gửi và 20% là trái phiếu. Với danh mục này, Agriseco ước tính lãi suất tăng 1% một năm sẽ giúp lợi nhuận trước thuế các doanh nghiệp tăng thêm 10,8%.
Với Bảo Việt, doanh nghiệm bảo hiểm niêm yết duy nhất có mảng hoạt động nhân thọ là Bảo Việt, Agriseco cũng dự báo mặt bằng lãi suất đi lên sẽ giúp cải thiện hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp. Ngoài ra, lãi suất kỹ thuật (lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 10 năm trở lên) tăng sẽ làm giảm giá trị trích lập dự phòng toán học trên các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, qua đó giúp cải thiện lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, SSI Research kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2023 của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phản ánh hoàn toàn việc lãi suất huy động đã diễn ra năm 2022.
Trong năm 2022, lãi suất tiền gửi đã tăng 400 - 500 điểm cơ bản so với đầu năm. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng 257 điểm cơ bản so với đầu năm. Tuy nhiên, tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư (ROI) của các công ty bảo hiểm vẫn ở mức 5,8%, thậm chí thấp hơn mức 7,6% của năm 2021 do lãi suất huy động chỉ tăng mạnh từ cuối quí 3-2022, trong khi chỉ số VnIndex sụt giảm mạnh trong cả năm.
Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm nhân thọ còn được hưởng lợi từ việc giảm áp lực dự phòng toán học khi lãi suất kỹ thuật tăng phù hợp với lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn trên 10 năm.
"Lợi nhuận từ hoạt động đầu tư sẽ đủ để bù đắp phần giảm sút của lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Từ đó giúp các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận hai con số vào năm 2023", SSI Research cho biết.