Thứ ba, 5/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Bảo tàng vẫn loay hoay với bài toán nhân lực và nguồn lực

An Phú

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Lần lượt mở cửa đón khách tham quan sau những ngày tháng đình trệ và gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, các bảo tàng tại TPHCM đến nay vẫn chưa thể đạt đến lượng khách quốc tế như giai đoạn 2019. Các đơn vị đang linh hoạt xoay xở, tăng thêm nhiều hoạt động văn hóa nhằm thu hút du khách nội địa và người dân địa phương vào tham quan. Một trong những thách thức lớn nhất của các bảo tàng hiện nay vẫn xuất phát từ vấn đề cốt lõi - nguồn nhân lực.

Bảo tàng duy trì sức hút trong lòng công chúng

Vừa đi vào hoạt động chưa đầy hai tháng, Bảo tàng nghệ thuật Quang San đã đón nhiều lượt khách từ phương xa, đặc biệt là nhóm khách trẻ tuổi, quan tâm đến các hoạt động trưng bày triển lãm. Giám đốc Nguyễn Thiều Kiên cho biết đơn vị chưa quảng cáo về địa điểm mới nhưng lượng người đến xem và ủng hộ hoạt động khá đông đảo. Điều này giúp cho đội ngũ nhân sự được khích lệ, các chuyên đề triển lãm được thực hiện đúng theo kế hoạch.

Là bảo tàng tư nhân mới khai trương trong năm 2023, nằm ngay bên bờ sông Sài Gòn, ở vị trí đắc địa, nhưng việc kinh doanh của bảo tàng Quang San vẫn trong tình trạng “lấy thu bù chi”. Ông Nguyễn Thiều Kiên cho biết hiện tại bảo tàng không chỉ là điểm bán vé thưởng lãm những tác phẩm nghệ thuật từ người sáng lập, vốn yêu thích sưu tầm tranh Việt Nam với khoảng 1.300 tác phẩm, mà sẽ là không gian cho thuê địa điểm tổ chức sự kiện văn hóa, trưng bày chuyên đề theo nhu cầu của văn nghệ sĩ, người yêu mến nghệ thuật.

Bên trong bảo tàng nghệ thuật Quang San. Ảnh: An Phú

Ở góc nhìn của một người đã tìm hiểu và ghi nhận hoạt động của nhiều bảo tàng tại nước ngoài, ông Kiên chia sẻ việc tư nhân đầu tư bảo tàng tại Việt Nam có thể chậm hơn nhiều nước khác nhưng nếu vài địa điểm có sự khởi sắc thì sẽ là sự khuyến khích nhà đầu tư mạnh dạn chi tiền mở bảo tàng. Một khi bảo tàng ngày càng phổ biến, tiếp cận gần và rộng hơn đến công chúng, sẽ góp phần vào quá trình bảo tồn văn hóa, tạo công ăn việc làm, tăng cơ hội nghề nghiệp, giải bài toán “khan người” cho lĩnh vực này.

Tại Bảo tàng Áo Dài Việt Nam, trong hai năm đại dịch diễn ra và thời gian hậu Covid-19, lượng khách ghé thăm có xu hướng tăng lên đáng kể. Sau khi tự chủ kinh tế hoàn toàn với nguồn thu kinh doanh bảo tàng, dù ở một vị trí xa trung tâm, nhưng đơn vị vẫn ghi nhận lượng vé bán ra tăng đều qua từng năm.

Nhiều hoạt động vui chơi diễn ra trong khuôn viên bảo tàng Áo Dài Việt Nam. Ảnh: DNCC

Cụ thể, năm 2019 bảo tàng đón hơn 10.000 lượt khách, năm 2020 là 14.000 lượt (phải đóng cửa 1 tháng vì đại dịch), 2021 đón khoảng 17.000 lượt khách (đóng cửa 4 tháng vì đại dịch), năm 2022 đón hơn 39.000 lượt khách và trong 6 tháng đầu năm nay, hơn 30.000 lượt khách đến tham quan, chụp ảnh.

Đại diện Bảo tàng Áo Dài, bà Huỳnh Ngọc Vân cho biết đến thời điểm này khách quốc tế quay lại vẫn chưa nhiều, nhưng nhu cầu quan tâm điểm đến bảo tàng luôn có. Chính vì thế, đơn vị tập trung phục vụ tốt nhằm thu hút khách nội địa, đảm bảo nguồn thu đủ trang trải chi phí duy trì và vận hành tự lập.

Vị giám đốc này cho hay cơ sở đã đầu tư thêm vào dịch vụ thuê áo dài chụp ảnh, bổ sung liên tục các mẫu áo dài mới với giá thuê học sinh, sinh viên. Cho đến nay, dịch vụ thêm cho nguồn thu chiếm khoảng 30% tổng thu của bảo tàng. Hay đơn vị cũng kết hợp thêm với người dân tại địa phương mở mô hình Chợ Quê bán những món ăn truyền thống do chính bà con khu vực lân cận đứng bếp.

“Chúng tôi vừa chống dịch vừa phục hồi nên có thể thấy rõ nhu cầu của người dân đến các điểm bảo tàng truyền thống vẫn luôn có nếu tìm cách khai thác phù hợp. Hiện bảo tàng cũng cố gắng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, sưu tầm, tham gia nhiều hội thảo… một khâu công tác vốn còn non trẻ tại một bảo tàng ngoài công lập”, bà Ngọc Vân chia sẻ.

Thách thức tìm nhân sự giỏi

Sau khi tự thu tự chi từ năm 2019, Bảo tàng Áo Dài Việt Nam có các nguồn thu chính từ bán vé, dịch vụ kèm thêm và kết hợp tổ chức sự kiện, phối hợp với các đối tác cho thuê mướn trang phục áo dài cho các chương trình, sự kiện… Tuy nhiên, trước khó khăn chung của người làm bảo tàng, đơn vị cũng không đứng ngoài thực trạng đó khi nhân lực giỏi ra đi, tuyển mời người có chuyên môn cực kỳ khó.

Bà Vân cho biết trong một khoảng thời gian bảo tàng đã mất đi nhiều nhân viên kì cựu và hiện tại chưa tìm được người bổ sung phù hợp. Nhân viên tại bảo tàng đang có số lượng ít và phải thay nhau choàng gánh khối lượng công việc lớn nên đó cũng là áp lực của người lao động lúc này. Thiếu người làm chuyên môn, có kinh nghiệm và tình yêu với công việc lâu dài nên khi đăng tin tuyển người gặp rất nhiều khó khăn.

Có cùng nỗi băn khoăn về nhân sự, tại bảo tàng Quang San, ông Nguyễn Thiều Kiên cũng đồng tình điểm hạn chế của bảo tàng lúc này là về con người. Chẳng hạn, chưa có nhiều dịch vụ hỗ trợ trong lĩnh vực mỹ thuật như phục chế, bảo quản tranh, bảo hiểm các tác phẩm có giá trị lớn. Hoặc các công ty chuyên đóng khung, làm dàn tranh, bài trí bố cục triển lãm vẫn chưa phổ biến. Ông nhìn nhận ngành bảo tàng đang thiếu nhân lực làm chuyên môn, cơ hội nghề nghiệp còn ít, rèn luyện theo kiểu người cũ chỉ người mới, nên nhân sự cần đào tạo lại từ đầu.

Thuyết minh giới thiệu về lịch sử tranh, ảnh trưng bày tại bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ. Ảnh: An Phú

Giám đốc bảo tàng Phụ Nữ Nam bộ, bà Nguyễn Thị Thắm cho biết bảo tàng ngày càng có nhiều phòng trưng bày nội dung và thí điểm ứng dụng công nghệ hiện đại. Tuy vậy để vận hành máy móc trơn tru, cái khó đội ngũ đang đối diện là tuyển dụng nhân viên kỹ thuật phụ trách mảng. Công cuộc chuyển đổi số ngày một nhanh chóng, điều này đặt ra gánh nặng bảo tàng phải kịp thời đáp ứng, nâng cấp ứng dụng không ngừng để thích nghi và thu hút khách tham quan, bà nói.

“Mà muốn làm tốt, chúng tôi cần tìm người quán xuyến, kịp thời sửa chữa khi có sự cố hư hỏng về công nghệ, phần mềm, nhưng ngành nghề này kén người nên bảo tàng cũng đang xoay sở tìm nhân viên”, bà bộc bạch.

Ngoài ra, số lượng công nhân viên hạn chế tại nhiều bảo tàng hiện nay cũng khiến khâu vận hành, quản lý bảo quản tài sản cho đơn vị gặp khó khăn khi có sự cố hoặc có sự kiện lớn cần nhân sự tổ chức.

Nhiều công nghệ mới được ứng dụng tại bảo tàng. Ảnh: An Phú

Theo các đại diện tại đây, hoạt động bảo tàng dù thuộc công lập hay tư nhân đều chung mục tiêu gìn giữ và nghiên cứu, chia sẻ văn hóa nghệ thuật, xa hơn là câu chuyện kinh doanh và giới thiệu điểm đến tại địa phương. Để đóng góp vào phát triển ngành du lịch cũng như quảng bá văn hóa , về lâu dài, việc nâng cao chất lượng nhân sự, đặc biệt là nhân sự có chuyên mộn và lành nghề, là điều cấp thiết.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch năm 2022, cả nước hiện có khoảng 162 bảo tàng, lưu giữ hơn 3 triệu hiện vật.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới