(KTSG Online) – Dự kiến trong tháng 10 tới, bến xe Miền Đông mới, nằm tại TP Thủ Đức, sẽ có thêm 75 tuyến xe khách được dời từ bến xe cũ sang, nâng tổng số tuyến xe hoạt động tại bến xe này lên gần 100 tuyến.
- Đìu hiu bến xe Miền Đông mới
- Bến xe Miền Đông mới 'đìu hiu' sở giao thông tính đưa thêm xe buýt chở khách đến
Tổng công ty Cơ Khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (Samco), chủ đầu tư của bến xe Miền Đông, vừa trình lên UBND TPHCM phương án chuyển toàn bộ các tuyến đường đang hoạt động tại bến xe Miền Đông hiện hữu ra bến xe Miền Đông mới.
Hiện tại, bến xe Miền Đông mới đang vận hành giai đoạn 1 với 22 tuyến xe chạy từ Quảng Trị trở ra phía Bắc, được chuyển từ bến xe cũ sang.
Theo Samco, dự kiến từ ngày 11-10, sẽ dời tiếp 75 tuyến (trừ các tuyến đường có hành trình chạy xe đi qua quốc lộ 14) sang bến xe mới với khoảng 1.689 xe thuộc 89 doanh nghiệp, đơn vị vận tải, chiếm hơn 50% tổng số tuyến đang hoạt động ở bến xe Miền Đông cũ.
Tiếp đó, khi bến xe Miền Đông mới hoạt động ổn định và việc kết nối giao thông được đảm bảo sẽ tiếp tục dời toàn bộ các tuyến đường còn lại, với hơn 60 tuyến.
Bến xe Miền Đông mới được khởi công tháng 4-2017 trên diện tích 16 héc-ta tại thành phố Thủ Đức, tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng với thiết kế 4 khu A, B, C, D gồm đất bến bãi, trạm xe buýt, khu trung chuyển, khu thương mại dịch vụ.
Ở giai đoạn 1, mới chỉ xây dựng nhà ga và bến bãi với mức đầu tư khoảng 740 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau hai năm đi vào hoạt động bến xe rất vắng vẻ với vài chục hành khách mỗi ngày.
Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải TPHCM (GTVT), nguyên nhân khiến bến xe vắng khách là việc kết nối giao thông đến bến xe còn chưa đồng bộ. Cơ quan này mới đây cũng lên phương án kết nối một số tuyến xe buýt đến bến xe này.
Về việc quy hoạch bến xe cũ, Sở GTVT cho biết hiện chưa có quy hoạch chi tiết 1/500. Quy hoạch cũ gồm 2 phần, gồm 6,2 héc-ta dành làm bãi đậu xe buýt và 0,7 héc-ta làm bến cho xe khách liên tỉnh. Tuy nhiên, qua đánh giá thì diện tích thực tế không còn đủ để triển khai.