Thứ bảy, 2/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Biến mủ cao su thành sản phẩm kỹ thuật cao

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Biến mủ cao su thành sản phẩm kỹ thuật cao

Hồng Văn

Công nhân nhà máy sản xuất phụ tùng cao su kỹ thuật cao đang sản xuất - Ảnh: Việt Dũng

(TBKTSG Online) – Sáng 19-2, Công ty TNHH Cao su Thống Nhất đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất phụ tùng kỹ thuật cao từ sản phẩm cao su thiên nhiên tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TPHCM trong một dự án có vốn đầu tư 230 tỉ đồng mà 90% sản phẩm làm ra được xuất khẩu sang Mỹ, Úc… và dùng trong công nghiệp phụ trợ trong nước.

Đây là một dự án rộng 6 héc ta nằm trong chương trình di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi nội thành kết hợp đổi mới công nghệ của Công ty cao su Thống Nhất thuộc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS). Ông Nguyễn Văn Thọ, Tổng giám đốc CNS cho biết đây là dự án có ý nghĩa lớn của ngành công nghiệp thành phố, bởi vừa sử dụng mủ cao su thiên nhiên trong nước làm nguyên liệu, đồng thời tạo ra các sản phẩm kỹ thuật cao phục vụ cho công nghiệp phụ trợ như ô tô, cấp nước, dầu khí, điện, xây dựng, đường sắt…

“Nhà máy đi vào hoạt động như một cách gia tăng giá trị cho cao su thiên nhiên vốn dồi dào trong nước, hay nói khác hơn là gia tăng thu nhập cho nông dân trồng cao su”, ông Thọ nói và cho biết hiện nhà máy sản xuất 1.500 sản phẩm từ cao su, từ đơn giản tới phức tạp, sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau.

Sản phẩm cao su kỹ thuật cao của Công ty cao su Thống Nhất hiện có nhiều khách hàng lớn trên thế giới tín nhiệm Gulf Rubber, Desk của Úc, Gold Star của Malaysia, Harada của Nhật, Ellegard của Đan Mạch.

Cũng trong sáng ngày 19-2, CNS đã khánh thành nhà máy nhựa Đô Thành được đầu tư hơn 80 tỉ đồng với công suất sản xuất hơn 4.000 tấn sản phẩm bao bì nhựa/năm. Đồng thời trong ngày CNS cũng khởi công xây dựng nhà máy cọc vách nhựa uPVC dự kiến đầu tư hơn 300 tỉ đồng từ vốn vay kích cầu và vốn đối ứng của các doanh nghiệp thuộc CNS.

Dự án nhà máy cọc vách nhựa uPVC ra đời trong bối cảnh thành phố cần sử dụng nhiều loại cọc, vách để chống ngập, chống sạt lở, triều cường của thành phố, thay thế cho cọc bằng cừ tràm, bằng bê tông có chi phí cao lại không hiệu quả. Hiện tại các chương trình chống ngập, xói lở của thành phố đã thử nghiệm thành công sản phẩm mới là cọc vách nhựa uPCV.

Cả ba dự án nói trên đều thuộc ấp 12, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi và đều được chủ đầu tư xây dựng nhà máy kết hợp với xây dựng nhà ở cho công nhân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới