Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Biến số’ tác động tới khả năng phục hồi của doanh nghiệp chứng khoán

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lợi thế về thị phần khách hàng cá nhân, dư địa mở rộng cho vay ký quỹ (margin) và khả năng sinh lời của các tài sản đầu tư thuộc danh mục tự doanh sẽ là ba yếu tố quyết định khả năng phục hồi và tăng trưởng của các công ty chứng khoán thời gian tới.

Sau năm 2022 đầu biến động với thị trường chứng khoán, hầu hết các nhà đầu tư đều e ngại cổ phiếu các công ty chứng khoán. Do đó, định giá của các doanh nghiệp ngành này đã bị áp lực đáng kể ngay từ đầu năm 2023.

Nhưng động thái điều chỉnh giảm lãi suất điều hành từ giữa tháng 3-2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã hỗ trợ dòng vốn vào kênh đầu tư thị chứng khoán, góp phần tạo ra những phiên giao dịch với thanh khoản trên 1 tỉ đô la Mỹ.

Diễn biến này đã thúc đẩy sự phục hồi lợi nhuận của các công ty chứng khoán trong quí 2-2023 với sự đóng góp chủ yếu tới từ ba lĩnh vực gồm cho vay ký quỹ, tự doanh và ngân hàng đầu tư (IB).

Cũng vì yếu tố này, việc đánh giá danh mục tự doanh các công ty chứng khoán trở thành ưu tiên của nhiều nhà đầu tư mỗi khi thị trường tăng trưởng, vì đây là một trong những chỉ báo sớm về lợi nhuận của các quý tới của các doanh nghiệp ngành này.

Việc mở rộng cho vay ký quỹ (margin) và nâng cao hiệu quả danh mục tự doanh sẽ là hai yếu tố quyết định mức tăng trưởng lợi nhuận của các công ty chứng khoán. Ảnh minh hoạ: Lê Vũ

Đánh giá “khẩu vị” đầu tư qua danh mục tự doanh

Danh mục tự doanh các công ty chứng khoán chủ yếu nằm trong 3 khoản mục chính, gồm FVTPL, HTM và AFS.

Cụ thể, FVTPL (Fair Value Through Profit and Loss) là tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ, được hạch toán theo giá trị thị trường và đánh giá lại tài sản trên bảng kết quả kinh doanh vào mỗi kỳ báo cáo.

AFS (Available for Sale) là tài sản tài chính sẵn sàng để bán. Nhưng khác với FVTPL, lãi/lỗ chưa thực hiện của AFS sẽ không hạch toán trên bảng báo cáo kết quả kinh doanh, nếu có thay đổi. Cụ thể, phần lãi/lỗ chưa thực hiện chỉ được ghi nhận tại bảng “báo cáo thu nhập toàn diện khác” cho đến khi thực sự tất toán khoản đầu tư, nên AFS là “của để dành” của các công ty chứng khoán trong dài hạn.

HTM là các khoản tài sản tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn, chủ yếu là tiền gửi ngân hàng.

Trong danh mục của 30 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất thì Công ty chứng khoán SSI, với quy mô danh mục đầu tư dẫn đầu ngành, dành 84% giá trị danh mục tự doanh cho FVTPL, phần còn lại dành cho AFS.

Với danh mục FVTPL, có 5,6% phân bổ vào cổ phiếu, 31,58% vào trái phiếu và 62,78% vào chứng chỉ tiền gửi và gửi ngân hàng. Điều này cho thấy cho thấy hoạt động tự doanh của doanh nghiệp thiên về các khoản lãi cố định hơn “lướt sóng” cổ phiếu khi có gần 15.559 tỉ đồng là chứng chỉ tiền gửi.

Còn với gần 9.900 tỉ đồng trái phiếu, đa phần là trái phiếu chưa niêm yết, thì công ty chứng khoán khó có thể thu về nhiều lợi nhuận trong bối cảnh thị trường trái phiếu hiện nay.

Cụ thể, có hơn 75.900 tỉ đồng TPDN đáo hạn trong quí 3-2023 – tăng 14,9% so với quí 2, theo tính toán của bà Nguyễn Thị Phương Thanh, chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect. Trong đó, lĩnh vực bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 43,6% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong quí 3.

Ngoài ra, các chủ đầu tư vẫn đang phải đối mặt với sự chậm trễ trong xây dựng do vấn đề thanh khoản. Điều này có thể khiến người mua nhà từ chối thanh toán các khoản thế chấp và làm tổn thương tâm lý thị trường nhiều hơn.

Do đó, bà Thanh dự báo thị trường TPDN ảm đạm sẽ tiếp tục phủ bóng đen lên chất lượng tài sản của các công ty chứng khoán trong nửa cuối 2023 bằng việc tác động tiêu cực đến tỷ suất sinh lời của danh mục đầu tư.

Tương tự SSI, Công ty chứng khoán VPS và Công ty chứng khoán Việt Nam (KBSV) tập trung danh mục vào chứng chỉ tiền gửi và tiền gửi ngân hàng. Trong đó, KBSV dành 100% danh mục tự doanh cho chứng chỉ tiền gửi và tiền gửi. Còn VPS chỉ dành 0,42% danh mục cho cổ phiếu, 15,02% cho trái phiếu và 83,56% cho chứng chỉ tiền gửi và tiền gửi.

Công ty chứng khoán TPHCM (HSC) cũng có một danh mục tự doanh có tính an toàn cao với 1.262/1.864 tỉ đồng tài sản thuộc danh mục FVTPL là trái phiếu BIDB2129001 của Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) với lãi suất chỉ khoảng 8% một năm. Còn lại danh mục tập trung vào các hoạt động phát hành ETF và CW với giá trị gần 400 tỉ đồng.

Như vậy, danh mục tự doanh của HSC cũng sẽ không có lợi nhuận đột biến, trừ trường hợp giao dịch của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) diễn biến sôi động thì mới có dư địa tăng trưởng lợi nhuận. Hiện HSC là đại lý cho một số quỹ như VFMDIAMOND ETF, ETF VFMVN30, MAFMVN30 ETF, MIDCAP, ETF SSIAMVNX50.

Khác với các doanh nghiệp trên, Công ty chứng khoán Vietcap (VCI) và Công ty chứng khoán Kỹ thương (TCBS) có chiến lược đầu tư dài hạn rõ rệt, với tỷ trọng AFS lần lượt là là 85% và 96%.

Với VCI, giá gốc của danh mục AFS là 3.507 tỉ đồng, trong khi giá trị thị trường của lên đến 5.892 tỉ đồng tính tới 30-6-2023, tăng 68% so với giá gốc. Trong đó, khoản đầu tư vào cổ phiếu IDP với giá gốc là 441 tỉ đồng, nếu bán ra ở giai đoạn hiện nay có thể thu về hơn 2.600 đồng, tương ứng tỉ lệ sinh lời khoảng 600%.

Cơ hội không của riêng ai

Bên cạnh động lực từ mảng tự doanh, bà Nguyễn Thị Phương Thanh, nhận định các công ty môi giới chứng khoán có lợi thế trong mảng khách hàng cá nhân và số hóa sẽ tận dụng tốt cơ hội từ xu hướng phục hồi của thị trường để gia tăng thị phần.

Theo đó, sự gia tăng về số lượng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán trong quí 2-2023 giúp công ty chứng khoán có tệp khách hàng cá nhân lớn cải thiện về thị phần so với quý trước như VPS, VNDirect, TCBS. Trong đó, thị phần của VPS trên sàn HOSE đạt mức 19,01% trong quí 2, tăng 3,34% so với quí liền trước. TCBS cũng ghi nhận sự gia tăng khá nhanh về thị phần, từ mức 4,35% trong quí 1 tăng lên mức 5,47% trong quý 2.

Để đạt được kết quả trên, bà Thanh cho biết VPS đã ghi nhận lợi nhuận gộp từ hoạt động môi giới trong giai đoạn 2020-22 thấp hơn nhiều do chiến lược chi mạnh tay cho mảng môi giới, gồm phí giao dịch thấp và hoa hồng hấp dẫn cho các chuyên viên môi giới.  Còn TCBS thực hiện giảm thiểu chi phí trung gian với chiến lược tập trung vào số hóa và mô hình hoạt động không môi giới.

Ngược lại, các công ty chứng khoán có tỷ trọng nhiều về nhà đầu tư tổ chức lại giảm thị phần so với quý trước như HSC, VCI.

Cũng theo chuyên gia này, với bối cảnh cạnh tranh ganh gắt, một số công ty đã áp dụng chiến lược giảm phí giao dịch bằng cách thực hiện chính sách phí 0 đồng như SSI, VNDirect hoặc tặng tiền mặt cho tài khoản mở mới để thu hút khách hàng mới. Điều này khiến chính sách phí 0 đồng dần trở thành một trong những yếu tố thay đổi cuộc đua thị phần, đồng thời tái định hình hoạt động kinh doanh dịch vụ tài chính trong tương lai.

“Đa phần người dân chưa có sự tham gia sâu vào thị trường vốn nên các nhà đầu tư cá nhân sẽ có xu hướng chọn công ty cung cấp gói phí hấp dẫn nhất hoặc giao diện người dùng thân thiện nhất”, bà Thanh phân tích.

Vẫn dựa trên lợi thế về tệp khách hàng các nhân, chuyên gia này dự báo các công ty chứng khoán có thể tối ưu doanh thu từ tệp khách hàng bằng cách bán chéo các sản phẩm tài chính khác như trái phiếu, cho vay ký quỹ, để bù đắp sự sụt giảm thu nhập từ phí môi giới.

Ngoài ra, mức độ số hóa sẽ là yếu tố quyết định công ty nào sẽ có sự cải thiện lớn nhất về thị phần. Theo đó, một số công ty chứng khoán đã đưa ra nhiều sản phẩm dựa trên công nghệ để hỗ trợ và tư vấn cho nhà đầu tư như trí tuệ nhân tạo (AI), môi giới ảo và sao chép giao dịch.

Chẳng hạn, sản phẩm i-Invest của BSI sử dụng dữ liệu giao dịch, chỉ số tài chính và chỉ số định giá để giới thiệu cổ phiếu tiềm năng cho nhà đầu tư. TCBS và MBS cũng cung cấp dịch vụ sao chép giao dịch, cho phép nhà đầu tư sao chép hoạt động giao dịch của nhà đầu tư khác.

Về giao dịch ký quỹ (margin), bà Thanh kỳ vọng mảng kinh doanh này sẽ phục hồi mạnh mẽ nhờ sự phục hồi của thị trường chứng khoán và tỷ lệ ký quỹ hiện ở mức thấp. Cụ thể, tổng dư nợ ký quỹ/vốn chủ sở hữu chỉ đạt 0,77 lần tính tới cuối quí 2-2022, trong khi ngưỡng quy định là 2 lần. Như vậy, dư địa tăng trưởng cho vay ký quỹ vẫn còn rất lớn.

Với dự báo tổng giá trị giao dịch tài sản tài chính tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam sẽ tăng với tốc độ 16% - từ mức 784.000 tỉ đồng vào cuối quí 2 lên khoảng 910.000 tỉ đồng trong nửa cuối năm, cùng tỷ lệ cho vay ký quỹ ngành trên tổng giá trị tài sản niêm yết trong 3 năm gần đây thường trong khoảng 17-20%, chuyên gia này cũng kỳ vọng tổng giá trị cho vay ký quỹ toàn thị trường có thể đạt 155.000-180.000 tỉ đồng trong nửa cuối năm 2023 - tăng 10-30% so với mức 140.000 tỉ đồng vào cuối quí 2.

“Với tổng vốn chủ sở hữu của 30 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường khoảng 183.000 tỉ đồng vào cuối quý 2 thì tỷ lệ cho vay margin/vốn chủ sở hữu toàn ngành sẽ rơi vào khoảng 0,85–1 lần”, bà Trang dự báo.
Cũng theo chuyên gia này, những công ty chứng khoán có tỷ lệ cho vay ký quỹ/vốn chủ sở hữu thấp, khả năng mở rộng cho vay ký quỹ cao, cùng chiến lược không tập trung mở rộng danh mục đầu tư có thể mở rộng thu nhập từ margin, gồm SHS, SSI, BSI và MBS.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới