Thứ Hai, 20/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phía sau khoản lợi nhuận ‘khủng’ của các công ty chứng khoán

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việc đánh giá lại các tài sản tự doanh và cổ phiếu thuộc danh mục đầu tư giúp nhiều công ty chứng khoán báo lợi nhuận quí 2-2023 với mức tăng đột biến so với quí liền trước hoặc cùng kỳ năm trước, nhưng nghiệp vụ này là không đủ để khẳng định xu hướng phục hồi bền vững của ngành này do nhiều trường hợp khoản lãi từ các tài sản, cổ phiếu chỉ được ghi nhận tại mảng lợi nhuận chưa thực hiện trong cơ cấu lợi nhuận.

Lợi nhuận ‘khủng’ tới từ đâu?

Sự hồi phục của thị trường chứng khoán trong quí 2-2023 giúp nhiều công ty chứng khoán báo lợi nhuận tăng trưởng với mức cao so với quí liền trước và cùng kỳ năm trước.

Biến số tăng trưởng của thị trường chứng khoán sẽ là tâm điểm được theo dõi sát sao trong giai đoạn tới. Ảnh: LÊ VŨ

Cụ thể, Công ty chứng khoán VIX dẫn đầu về lợi nhuận toàn ngành quí 2-2023 với lợi nhuận sau thuế ở mức 576 tỉ đồng, tăng 886% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty chứng khoán SSI xếp thứ hai với lợi nhuận sau thuế ở mức 525 tỉ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng luỹ kế 6 tháng, SSI vẫn dẫn đầu toàn ngành về lợi nhuận với 1.006 tỉ đồng, giảm 9% và là doanh nghiệp duy nhất đạt mức lợi nhuận nghìn tỉ.

Công ty chứng khoán Techcombank (TCBS) xếp thứ ba với 442 tỉ đồng, giảm 34%. Công ty chứng khoán VNDirect xếp thứ tư với 421 tỉ đồng, giảm 20%.

Về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, Công ty chứng khoán Vietinbank (CTS) dẫn đầu với lợi nhuận sau thuế ở mức 76 tỉ đồng, tăng gần 22 lần so với cùng kỳ năm trước.

Một số doanh nghiệp cũng có tốc độ tăng trưởng lớn là Công ty chứng khoán VPBank với mức tăng 353%, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) với mức tăng 567%, Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS) với mức tăng 1.325%.

Một số công ty chứng khoán ghi nhận sự đảo chiều lợi nhuận, tức chuyển từ lỗ thành lãi, gồm Công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), Công ty chứng khoán ACB (ACBS), Công ty chứng khoán Tiên Phong (TPS), Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC).

Bà Nguyễn Thị Phương Thanh, chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect, cho biết lợi nhuận gộp của 30 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất thị trường đạt xấp xỉ 8.800 tỉ đồng vào quí 2-2023, tăng 38,5% so với quí liền trước nhờ lãi hoạt động đầu tư tăng đột biến. Đặc biệt, doanh thu hoạt động đầu tư, với vai trò động lực, có đóng góp khoảng 54,4% vào lợi nhuận quí 2 của các doanh nghiệp, sau khi dao động khoảng 10-30% trong năm 2022.

Tỷ suất lợi nhuận gộp của hoạt động đầu tư theo lĩnh vực cũng được cải thiện lên mức 11,1%, cao hơn nhiều so với mức 5,05% trong năm 2022 và mức 8,1% trong quí 1-2023. Lợi suất cho vay ký quỹ (margin) cũng có sự phục hồi nhẹ từ quí 1-2023, sau khi chạm đáy vào quí 2-2022 do áp lực của chi phí huy động vốn cao.

Ngược lại, lợi gộp hoạt động môi giới có xu hướng giảm khi đóng góp của mảng này chỉ chiếm tỷ trọng 6,5% trong tổng lợi nhuận gộp toàn ngành quí 2-2023. Điều này thực tế đã được dự báo từ trước, khi cuộc cạnh tranh miễn, giảm phí qua chính sách “zero-fee” hay “free/premium” của một số công ty chứng khoán tạo ra sức ép hiện hữu trong việc duy trì thị phần môi giới với các doanh nghiệp còn lại.

Với mức cạnh tranh ngày càng cao giữa các doanh nghiệp chứng khoán, chuyên gia của VNDirect dự báo lợi nhuận của các công ty chứng khoán sẽ phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động cho vay ký quỹ và hoạt động đầu tư.

Do đó, các công ty có tỷ lệ khách hàng bán lẻ cao, tỷ lệ cho vay ký quỹ/vốn chủ sở hữu thấp và hoạt động đầu tư lành mạnh sẽ có thể nắm bắt cơ hội trong quá trình phục hồi của thị trường và ghi nhận khả năng phục hồi lợi nhuận tốt hơn so với các công ty cùng ngành.

Lợi nhuận cao, nhưng có thực sự bền vững?

Nhìn vào bức tranh lợi nhuận quí 2-2023, bà Nguyễn Thị Phương Thanh cho biết thu nhập của toàn bộ thị trường chứng khoán được cải thiện nhờ mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, khiến thị trường chứng khoán hấp dẫn hơn.

Điều này thúc đẩy nhà đầu tư giao dịch và tận dụng đòn bẩy để nắm bắt cơ hội đầu tư. Còn các công ty chứng khoán sẽ có nhiều dư địa để giảm lãi suất cho vay margin nhờ chi phí vốn thấp hơn, thể hiện qua lợi suất cho vay toàn ngành đạt mức 5,6% vào quí 2-2023, cao hơn nhiều so với mức 4,2% vào quí 1.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất thấp và thị trường chứng khoán hấp dẫn cũng giúp cải thiện hiệu quả đầu tư trong danh mục đầu tư của các công ty chứng khoán. Cụ thể, báo cáo tài chính của nhiều công ty công ty chứng khoán cho thấy việc đánh giá lại các tài sản tự doanh, cổ phiếu thuộc danh mục đầu tư giúp một số công ty báo lợi nhuận tăng trưởng đột biến hoặc chuyển từ lỗ sang lãi lớn.

Đây cũng là yếu tố chính đưa tổng lợi nhuận ngành chứng khoán bứt phá thời gian qua, khi các chỉ số trên thị trường phục hồi từ đáy và kênh đầu tư chứng khoán hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, khoản lãi sẽ chỉ được ghi nhận tại mảng lợi nhuận chưa thực hiện trong cơ cấu lợi nhuận. Trường hợp thị trường xuất hiện nhịp điều chỉnh có thể khiến lợi nhuận trên “bốc hơi”, sụt giảm mạnh bởi khoản lỗ do đánh giá lại giá trị danh mục.

Chẳng hạn, VIX ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 703 tỉ đồng trong quí 2-2023, cao hơn 10 so với cùng kỳ năm 2022.

Nguyên nhân chính đến từ việc đánh giá lại danh mục FVTPL (Fair Value Through Profit and Loss), là tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ, được hạch toán theo giá trị thị trường và đánh giá lại tài sản trên bảng kết quả kinh doanh vào mỗi kỳ báo cáo. Cụ thể, khoản lãi đã thực hiện của công ty trong quí 2-2023 là hơn 155 tỉ đồng, nhưng khoản chưa thực hiện lên tới 547,9 tỉ đồng – cao hơn nhiều lần khoản lãi đã thực hiện.

Với VDSC, dù ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế hơn 206 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, thay vì lỗ hơn 136 tỉ đồng như cùng giai đoạn năm trước. Nhưng thực tế doanh nghiệp báo lỗ thực hiện gần 2 tỉ đồng, trong khi lãi chưa thực hiện là hơn 208 tỉ đồng.

Trước đó, doanh nghiệp ghi nhận lãi đã thực hiện hơn 114,4 tỉ đồng và lỗ chưa thực hiện hơn 250,6 tỉ đồng sau 6 tháng đầu năm 2022.

Tương tự, TPS cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 64,6 tỉ đồng trong quí 2-2023, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 161 tỉ đồng. Nhưng báo cáo tài chính của doanh nghiệp cho thấy khoản lỗ thực hiện là gần 64,6 tỉ đồng, trong khi lãi chưa thực hiện là 129 tỉ đồng. Luỹ kế 6 tháng, TPS ghi nhận khoản lỗ thực hiện là 12,8 tỉ đồng, trong khi lãi chưa thực hiện là 150,2 tỉ đồng.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, TPS bán cắt lỗ cổ phiếu với với giá trị hơn 80 tỉ đồng và trái phiếu chưa niêm yết với giá trị 375,4 tỉ đồng trong quí 2-2023.

Giá trị danh mục tự doanh của TPS có giá thị trường là hơn 2.303 tỉ đồng tính đến cuối tháng 6-2023, trong khi giá gốc gần 2.456 tỉ đồng. Như vậy, doanh nghiệp lỗ hơn 152 tỉ đồng.

Những trường hợp trên là minh chính điển hình cho thấy sự khác biệt giữa lợi nhuận kế toán (từ hoạt động đánh giá lại – PV) và lợi nhuận thực. Một số công ty chứng khoán đã đảo chiều lợi nhuận, từ lỗ thành lãi, nhưng thực tế cho thấy khoản lỗ sẽ xuất hiện nếu tất toán danh mục đầu tư tự doanh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới