Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bình tĩnh! 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bình tĩnh! 

Hồ Hùng

Nếu giữ vững chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thì con cá tra của VN không lo thị trường cấm cửa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

(TBKTSG) – Thông tin về việc Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ của Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản đang làm một số doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này rúng động. Tuy nhiên, cần bình tĩnh vì thực tế không đến nỗi quá bi quan.

Trong các cuốn cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản hàng năm, WWF đưa ra ba loại danh sách gồm danh sách xanh (giới thiệu những sản phẩm mà người tiêu dùng nên chọn lựa); danh sách vàng (khuyến cáo có thể sử dụng nhưng không ưu tiên như các sản phẩm ở danh sách xanh); danh sách đỏ (khuyến cáo không nên sử dụng).

Năm trước, con cá tra Việt Nam nằm trong danh sách vàng, nhưng mới đây, sản phẩm này lại có tên trong danh sách đỏ. Lý do mà WWF đưa ra là các vùng nuôi cá đã gây ô nhiễm môi trường thiên nhiên, chất thải từ thức ăn của cá sang qua sông hồ có thể gây bệnh cho cá trong môi trường thiên nhiên. Một lý do khác mà WWF đề cập là thức ăn nuôi cá tra xuất khẩu đến từ nguồn khai thác bừa bãi.

Đừng hoang mang!

“Thông tin này sẽ gây ảnh hưởng đến cá tra xuất khẩu của Việt Nam là điều chắc chắn”, ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định. Tuy nhiên, cũng theo ông, mức độ ảnh hưởng chưa đến nỗi nghiêm trọng.

Đồng tình nhận định trên, ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty Cafatex Việt Nam, nói thêm: “Những thông tin mà WWF đưa ra, tôi nghĩ không nhiều người quan tâm. Nếu nói ảnh hưởng, thì có thể về góc độ tâm lý của những người tiêu dùng thuộc thành phần “quý tộc”…”.

Thực tế, người tiêu dùng thuộc thành phần “bình dân” lại chiếm tỷ lệ lớn đối với các sản phẩm cá tra, do thuộc dạng rẻ tiền so với nhiều sản phẩm cá khác trên thế giới và được chấp nhận vì hai yếu tố giá và chất lượng.

Từ nhiều năm nay, các sản phẩm cá da trơn Việt Nam đã được nhiều người biết đến và kim ngạch xuất khẩu loại cá này luôn đạt mức tăng trưởng tốt hàng năm. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu cá 11 tháng qua dự kiến đạt khoảng hơn 1,25 tỉ đô la Mỹ và cả năm đạt khoảng 1,367 tỉ đô la Mỹ.

Con số này thấp hơn dự báo hồi cuối năm 2009 là 1,43 tỉ đô la Mỹ. Nhưng nguyên nhân chính không phải do thị trường tụt giảm mà là nguồn nguyên liệu nội địa khan hiếm cả năm nay, hệ quả từ việc người nuôi thua lỗ từ những năm qua. Và khó khăn ấy, phần lớn do chính những nhà chế biến của Việt Nam tự hại nhau bằng cách cạnh tranh giảm giá, chứ những yếu tố khách quan không ảnh hưởng nhiều.

Dự báo tương lai của các cơ quan chức năng như Bộ NN&PTNT vẫn cho thấy, nhu cầu cao về cá tra và cá rô phi của thế giới đã và đang tạo điều kiện thị trường tốt cho những nước sản xuất lớn như Việt Nam.

Trở lại những thông tin từ WWF, theo một chuyên gia ngành thủy sản, cuốn Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản thực tế chỉ đưa vào danh sách đỏ giới hạn tại một số nước là Đức, Đan Mạch, Bỉ, Thụy Sỹ, Áo và Na Uy, chứ không phải trên phạm vi toàn thế giới. Và như đã nói, thực ra đây chỉ là hướng dẫn về hành vi tiêu dùng. Điều quan trọng là chính những người sản xuất và chế biến cá Việt Nam phải quyết tâm giữ vững chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thì không lo thị trường cấm cửa. Lo nhất, theo ông Kịch là nguy cơ thiếu nguyên liệu có thể kéo dài đến tháng 6-2011, do cần có thời gian phù hợp để phát triển cá bố mẹ để nhân giống trở lại sau thời gian mà người nuôi ngưng nuôi do thua lỗ.

Vì sao?

Nhưng trước mắt, theo ông Hải, VASEP cũng không thể ngồi yên. “Chúng tôi sẽ có những biện pháp phản đối sự việc này. Lúc phong trào sản xuất cá tra phát triển nóng, nhiều vấn đề về môi trường có thể phát sinh, nhưng nay mọi việc đã đâu vào đó”. Nhiều vùng sản xuất cá của Việt Nam đã được công nhận tiêu chẩn GlobalGAP, cũng là một trong những minh chứng.

Còn theo ông Kịch, việc cá tra nằm trong danh sách đỏ, không khó để liên tưởng đây là một trong chuỗi sự kiện của chiến dịch “bôi bẩn” sản phẩm cá tra Việt Nam, vốn đã râm ran trong thời gian qua. Chính phủ các nước không có lý do để cấm sản phẩm cá tra, nhưng chính sản phẩm này với lợi thế cạnh tranh về chất lượng, giá cả… đã khiến nhiều nhà sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm thủy sản khác của họ bị ảnh hưởng quyền lợi.

Hiện nay, VASEP đang khẩn trương hoàn thiện cuốn sách “trắng”, nhằm nêu thực tế rằng nuôi cá tại Việt Nam không gây ô nhiễm, đảm bảo vệ sinh, và giữa người nuôi cá với người làm công không có chuyện bóc lột… “Chúng tôi sẵn lòng đón mời bất kỳ ai muốn đến Việt Nam tham quan, xem xét”, ông Hải nói.

Và nguyên nhân chính phát sinh sự vụ này, theo một chuyên gia ngành thủy sản nhận định, có thể còn là chiêu “đánh nhử” của WWF. Bởi vừa qua, WWF và Global GAP (một cơ quan thiết lập ra các tiêu chuẩn tự nguyện cho việc chứng nhận các sản phẩm nông nghiệp trên toàn cầu) vừa ký biên bản ghi nhớ, thiết lập một chương trình đào tạo cho kiểm tra viên, nhằm bổ sung một số tiêu chuẩn của Global GAP…

Nôm na, sắp tới sẽ có một tiêu chuẩn mới là ASC, được xem là đáp ứng tiêu chí thực hành tốt nhất và nghiêm ngặt nhất trên thế giới nhằm góp phần chuyển đổi thị trường thủy sản toàn cầu. Và không phải những sản phẩm nào đã có tiêu chuẩn Global GAP cũng được công nhận đạt tiêu chuẩn ASC. Do đó, nếu sản phẩm cá tra Việt Nam muốn tiêu thụ giá cao, dễ dàng thì phải… mất thêm một số tiền để theo các lớp đào tạo, xin công nhận… đạt tiêu chuẩn mới này, nhất là khi vừa bị nêu trong danh sách đỏ của WWF. Trong các nhiệm vụ của ASC, bao gồm đào tạo của các cơ quan chứng nhận, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào giữa năm 2011.

Nhìn lại mình!

Theo một chuyên gia ngành thủy sản, đã có dấu hiệu “tiền hậu bất nhất” khi có thông tin cho rằng WWF tại quốc gia này thì xếp cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ, nhưng ở quốc gia khác thì xếp vào danh sách vàng… “Trong khi đến ngày 7-12, truy cập trang web toàn cầu của WWF thì tôi vẫn chưa hề thấy thông tin chính thức nào về việc xếp loại này”, ông này nói.

Giả sử thông tin chính thức cuối cùng là con cá tra Việt Nam vẫn bị xếp vào danh sách đỏ, nếu có một cái nhìn khách quan hơn, có thể xem đây là dịp để các doanh nghiệp chế biến và người nuôi cá nhìn lại mình nhằm hoàn thiện hơn. Âu đó cũng là cách để bảo vệ quyền lợi của những người dân sống ở lưu vực sông Mêkông, nơi đang phát triển việc nuôi cá tra. Bởi hiện nay, dù kỹ thuật nuôi cá đã chuyên nghiệp, bài bản hơn trước nhiều… nhưng hoạt động sản xuất cá cũng ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường. Thỉnh thoảng, cơ quan chức năng vẫn phát hiện một vài nhà máy chế biến xả thải ra sông. Còn các ao nuôi khi sên vét, một phần bùn vẫn được đổ xuống dòng chảy…

Theo nghiên cứu gần đây của ông Võ Thành Danh, cán bộ khoa Kinh tế – Quản trị kinh doanh (Đại học Cần Thơ), vấn đề ô nhiễm trên hệ thống các sông ở ĐBSCL đang ở mức độ cao mà nguyên nhân từ các hoạt động sản xuất của con người và những thói quen xấu của chính các cư dân trong việc sử dụng nguồn nước sông trong sinh hoạt mà không tôn trọng và bảo vệ tài nguyên quý giá này.

Hồ Hùng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới