Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bờ Biển Ngà bất ổn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bờ Biển Ngà bất ổn

Đặng Thị Thanh Phương (*)

(TBKTSG) – Cuộc nội chiến ở Bờ Biển Ngà (Côte d’Ivoire, Ivory Coast), một quốc gia Tây Phi có diện tích tương đương Việt Nam, đang gây ra những tác động tiêu cực đến các thị trường ca cao, cà phê, hạt điều… và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thương mại của các doanh nghiệp nước ta.

Bờ Biển Ngà trước nguy cơ nội chiến

Cuộc bầu cử tổng thống vòng 2 diễn ra ngày 28-11-2010 của Bờ Biển Ngà dẫn tới kết quả tổng thống sắp mãn nhiệm Laurent Gbagbo giành được 45,9% số phiếu, thấp hơn đáng kể so với đối thủ Alasane Dramane Ouettara, nguyên thủ tướng, với 54,1% số phiếu. Tuy nhiên, ông Gbagbo không chấp nhận thất bại, không công nhận kết quả bầu cử, không từ bỏ quyền lực và thế là đụng độ bùng nổ giữa hai phe – một phe ủng hộ tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo và một phe ủng hộ tổng thống đắc cử Dramane Ouettara.

Nhìn chung dư luận quốc tế ủng hộ kết quả cuộc bầu cử do Ủy ban bầu cử độc lập công bố. Liên hiệp quốc, Liên minh châu Âu, tổng thống các nước Mỹ, Pháp… kêu gọi tất cả các bên tôn trọng sự lựa chọn của người dân. Liên minh châu Phi đã cố gắng làm trung gian hòa giải bất đồng chính trị tại Bờ Biển Ngà nhưng chưa có kết quả, còn Cộng đồng các quốc gia Tây Phi đe dọa dùng vũ lực để buộc ông Gbagbo từ chức và chuyển giao quyền lực cho người thắng cử.Hiện ở Bờ Biển Ngà và nhất là ở thủ đô Abidjan tình hình ngày càng căng thẳng, lệnh giới nghiêm đã được ban hành. Toàn bộ biên giới đất liền, trên biển và trên không đã bị đóng; đài truyền hình quốc gia ngưng hoạt động; lực lượng hai bên tiếp tục đánh nhau làm nhiều người chết và bị thương.

Theo các nguồn tin nước ngoài, hiện nay tổng thống đắc cử Ouettara đã nắm được khoảng 98% quyền lực về ngoại giao nhưng về tài chính, tổng thống mãn nhiệm Gbagbo vẫn kiểm soát nhiều tài khoản của Bờ Biển Ngà, sử dụng nguồn tài chính quốc gia để mua nhiều vũ khí chuẩn bị cho nội chiến; lực lượng ủng hộ ông Gbagbo còn khá mạnh và đã chuẩn bị sẵn phương án đấu tranh lâu dài để duy trì quyền lực của ông ta.

Tình hình bất ổn ở Bờ Biển Ngà có thể nói chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều. Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc đã quyết định tăng thêm 2.000 quân ở Bờ Biển Ngà, đưa con số binh sĩ gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc ở nước này lên 11.500 người, nhưng các cuộc đụng độ vẫn leo thang, chưa có dấu hiệu suy giảm.

Tác động tới thương mại quốc tế

Bờ Biển Ngà là nhà xuất khẩu ca cao hàng đầu thế giới. Sản lượng cacao của nước này đáp ứng một phần ba nhu cầu ca cao thế giới và đóng góp 40% giá trị xuất khẩu của quốc gia. Mặc dù thất bại trong cuộc bầu cử tháng 12 nhưng cựu tổng thống Gbagbo vẫn nắm quyền kiểm soát mặt hàng cacao. Ngày 24-1-2011, Tổng thống mới đắc cử Ouettara yêu cầu tạm ngừng xuất khẩu ca cao và cà phê để cắt đứt nguồn tài chính của ông Gbagbo. Quyết định này đã làm giá ca cao trên thị trường thế giới tăng thêm 6% sau khi đã tăng 14% vào tuần trước đó. Tại thời điểm tháng 2-2011, giá ca cao giao tháng 3 tại thị trường New York đã lên tới 3.666 đô la Mỹ/tấn, cao nhất kể từ năm 1979. Tuy nhiên, theo giới thương nhân, giá ca cao có thể tăng thêm nữa khi lệnh phong tỏa cảng Abidjan và San Pedro của quốc tế vẫn tiếp tục và tổng thống mới đắc cử quyết định kéo dài lệnh cấm xuất khẩu cà phê và ca cao của nước này.

Bờ Biển Ngà hiện là nhà sản xuất hạt điều hàng đầu của châu Phi và là nhà xuất khẩu hạt điều lớn thứ hai thế giới. Từ sau khi xảy ra xung đột ở Bờ Biển Ngà, giá hạt điều đã tăng rất nhanh; giá hạt điều Nigeria chẳng hạn, tăng gấp đôi trong vòng bốn tháng; từ mức 600 đô la Mỹ/tấn hôm tháng 11-2010 đã lên tới 1.200 đô la Mỹ/tấn hồi tháng 2-2011; giá hạt điều giao dịch tại Benin hiện nay cũng lên tới trên 1.500 đô la Mỹ/tấn. Bờ Biển Ngà trước đây là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 3 thế giới, hiện nay do sản lượng suy giảm nên nước này tụt xuống vị trí thứ 7, tuy nhiên cuộc khủng hoảng tại đây cũng sẽ tác động đến giá cà phê thế giới.

Ngoài ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng nông sản, cuộc khủng hoảng tại Bờ Biển Ngà cũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn bộ khu vực Tây Phi, vì đây là nền kinh tế lớn của khu vực. Hiện, nhiều người dân nước này đã phải chạy khỏi khu vực giao tranh để sang tị nạn tại các nước láng giềng. Hơn nữa, việc cảng Abidjan bị cấm vận đã khiến cho hàng hóa xuất nhập khẩu của một số nước láng giềng như Mali và Burkina Faso phải chuyển sang cảng biển khác ở Ghana hoặc Togo khiến cho chi phí vận tải tăng lên.

Doanh nghiệp Việt Nam nên thận trọng

Bờ Biển Ngà là thị trường lớn của Việt Nam ở khu vực Tây Phi. Trong thời gian tới, hy vọng tổng thống đắc cử Ouettara kiểm soát được tình hình và ổn định đời sống kinh tế, nhưng nếu xung đột kéo dài và chiến tranh xảy ra khi Cộng đồng các nước Tây Phi tiến hành can thiệp quân sự thì nền kinh tế nước này sẽ bị kiệt quệ và ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ buôn bán giữa Bờ Biển Ngà với các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo tài liệu của Bộ Công Thương, năm 2010 Bờ Biển Nga xuất sang Việt Nam 133,4 triệu đô la hàng hóa và nhập khẩu từ Việt Nam 129 triệu đô la. Việt Nam xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà chủ yếu là gạo (chiếm gần 90% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này), và nhập khẩu chủ yếu là hạt điều (90,5 triệu đô la) và bông các loại (32 triệu đô la).

Vì cuộc khủng hoảng tại Bờ Biển Ngà mới bắt đầu từ cuối năm 2010 nên trao đổi thương mại giữa hai nước chưa bị ảnh hưởng ngay, nhưng chắc chắn năm 2011, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Bờ Biển Ngà sẽ bị tác động mạnh. Trước tình hình này, các doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng khi giao dịch với các đối tác Bờ Biển Ngà, tránh những rủi ro có thể phát sinh trong việc thông quan hàng hóa tại cảng Abidjan và việc thanh toán của các đối tác ở Bờ Biển Ngà.

_________

(*) Chuyên viên Vụ Tây Nam Á – Châu Phi, Bộ Công Thương.

Trận chiến cuối cùng ở thủ đô Abijan

Người dân thủ đô Abijan cố thủ trong nhà, chờ đợi trận chiến cuối cùng giữa hai nhà lãnh đạo và phe phái của họ. Điện, nước đã bị cắt, đường phố vắng hoe và người dân đối mặt với tình trạng khan hiếm lương thực nghiêm trọng.

Phóng viên của hãng AP cho biết, sáng thứ Hai 4-4, quân đội của Tổng thống Alassane Ouattara đã đến sát cổng thu phí xa lộ phía Bắc thủ đô Abijan, cách dinh thự của tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo khoảng 20 dặm, chờ lệnh tấn công. Trong lúc đó, khoảng 700 người ủng hộ ông Gbagbo cũng đã tập trung trong khu dinh tổng thống, được trang bị vũ khí nặng, sẵn sàng đánh trả. Đài truyền hình quốc gia, vẫn thuộc quyền kiểm soát của ông L. Gbagbo, liên tục phát đi lời kêu gọi dân chúng thủ đô Abijan lập thành “lá chắn sống” để bảo vệ dinh tổng thống.

Những ngày cuối tuần qua, Liên hiệp quốc (LHQ) đã phải dùng máy bay trực thăng di tản 200 nhân viên của tổ chức này từ thủ đô Abijan tới một thành phố phía bắc, nằm trong vùng kiểm soát của ông Ouattara. Từ thủ đô Nairobi của Kenya, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi ông Gbagbo chuyển giao quyền lực ngay lập tức. “Quá nhiều máu đã đổ. Tôi nhắc lại lời kêu gọi ông Gbagbo từ chức để tránh bạo lực thêm nữa, chuyển giao quyền lực ngay lập tức cho tổng thống hợp pháp Ouatarra”, ông Ban nói.

Hôm Chủ nhật, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết, lực lượng gìn giữ hòa bình của Pháp đã làm chủ sân bay quốc tế Abijan, giúp nối lại các chuyến bay di tản công dân nước ngoài ra khỏi Bờ Biển Ngà. Tuy nhiên việc di chuyển từ thành phố ra sân bay Abijan vẫn rất khó khăn, một đoàn xe của các nhà ngoại giao đã bị lực lượng trung thành với ông Gbagbo tấn công trên đường ra sân bay; trước đó một ngày, một chiếc xe bọc thép mang phù hiệu LHQ cũng bị tấn công bằng súng phóng lựu làm 4 nhân viên LHQ bị thương.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới