Thứ Sáu, 27/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Bộ Công Thương: tiêu chí cửa hàng tiện lợi là ‘tham khảo ở các nước’

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Công Thương vừa có thông tin phản hồi trước phản ứng mạnh của công luận về sự bất hợp lý đối với quy định phân loại cửa hàng, siêu thị… trong dự thảo thông tư mà bộ này đang lấy ý kiến. Theo Bộ Công Thương, tiêu chí trong thông tư “được xây dựng trên cơ sở tham khảo tài liệu của một số nước trong khu vực và điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam”.

Ngoài ra, đề xuất “khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m” được Bộ Công Thương giải thích “tiêu chí này nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng”.

Bộ Công Thương cho rằng tiêu chí cửa hàng tiện lợi là tham khảo mô hình ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc… và không hạn chế khách mua. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Dự thảo của Bộ Công Thương đưa ra một số tiêu chí mới với cửa hàng tiện lợi như: chủ yếu phục vụ khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m; đặt tại khu dân cư, nơi tập trung đông người; diện tích kinh doanh 30-200 m2; bán theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tại quầy thu ngân…

Những tiêu chí này đã gây ra nhiều tranh cãi về sự bất hợp lý. Trước sự phản ứng này, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – cơ quan xây dựng dự thảo – đã có một số thông tin phản hồi.

Theo đó, cơ quan này cho biết tiêu chí với cửa hàng tiện lợi, trung tâm outlet đã được xây dựng trên cơ sở tham khảo tài liệu của một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và điều chỉnh phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Gây tranh cãi nhiều trong dự thảo này là tiêu chí “cửa hàng tiện lợi chủ yếu phục vụ khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m” mà theo các doanh nghiệp và giới phân tích là bước lùi với tính thị trường hiện nay, thiếu cạnh tranh và không khả thi.

Phản hồi về tiêu chí này, Vụ Thị trường trong nước khẳng định quy định “đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m” tại dự thảo không cấm hay hạn chế đối tượng phục vụ hoặc khách mua của cửa hàng tiện lợi.

“Tiêu chí này nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng, đồng thời làm cơ sở cho các địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại”, cơ quan này lý giải.

Bộ Công Thương cho biết đang đôn đốc các đơn vị, địa phương, hiệp hội gửi ý kiến để tiếp tục tổng hợp, hoàn thiện dự thảo. Sau khi hoàn thiện, bộ sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp phân phối, các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.

Theo Bộ Công Thương, mục đích và quan điểm của bộ đặt ra khi xây dựng dự thảo thông tư là nhằm góp phần phát triển các loại hình hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng của Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước ngành công thương.

Bộ Công Thương cho rằng các quy định trong dự thảo thông tư không chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác. Nội dung quy định tại thông tư không phát sinh thủ tục hành chính, điền kiện đầu tư, kinh doanh. Dự thảo thông tư được xây dựng trên cơ sở quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Nội dung cơ bản của dự thảo thông tư tiếp tục kế thừa các quy định hiện vẫn còn phù hợp tại Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM và chỉnh sửa, hoàn thiện các quy định không còn phù hợp với thực tiễn, pháp luật hiện hành; bổ sung tiêu chí cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet trên cơ sở báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và ý kiến của các sở công thương.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới