(KTSG Online) - Bộ Tài chính cho biết, số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử đang tăng dần qua các năm nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với quy mô phát triển của hoạt động này.
- Ngành thuế thu thập thông tin giao dịch từ sàn thương mại điện tử
- Một góc nhìn về quản lý thuế thương mại điện tử
Theo Bộ Tài chính, tổng số thu từ hoạt động thương mại điện tử thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến nay là 5.588 tỉ đồng. Số thu này có xu hướng tăng trưởng qua các năm. Tốc độ thu bình quân giai đoạn 2018 - 2021 đạt 130%. Đặc biệt tăng cao từ năm 2021, số thu năm 2021 đạt 1.591 tỉ đồng, tăng 39% so với năm 2020.
Hiện đã có 37 nhà cung cấp nước ngoài trên khắp thế giới đăng ký nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế, với số thuế đã kê khai, nộp thuế trên 3.100 tỉ đồng. Trong số đó, một số nhà cung cấp nước ngoài kê khai nộp thuế lớn như Meta (Facebook) nộp trên 1.700 tỉ đồng, Google nộp gần 1.000 tỉ đồng…
Bên cạnh việc quản lý thu thuế của các nhà cung cấp nước ngoài tại Việt Nam thì quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cung cấp dịch vụ số cũng được Tổng cục Thuế đẩy mạnh. Theo đó, số thu tăng qua các năm, đặc biệt tăng nhanh từ năm 2021 với 261 tỉ đồng, 8 tháng năm 2022 tăng cao với 520,7 tỉ đồng tăng gấp hai lần so với số thu năm 2021.
Tuy nhiên, ngành thuế vẫn gặp khó khăn khi triển khai thu thuế sàn thương mại điện tử như khó quản lý đầy đủ các nguồn thu của người nộp thuế và căn cứ tính thuế. Thêm vào đó là khó khăn trong việc phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế bởi trong nền kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh.
Việc kiểm soát giao dịch kinh doanh để thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cũng không đơn giản vì một người bán hàng có thể cùng lúc mở nhiều gian hàng trên một hoặc nhiều sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.
Ngoài ra, việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ vì hình thức thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến hơn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Thời gian qua, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp để quản lý thuế đối với hoạt động sàn thương mại điện tử như tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế tự kê khai chịu trách nhiệm.
Ngành thuế cũng tham gia đàm phán Hiệp định đa phương về phân bổ quyền đánh thuế đối với thu nhập từ hoạt động kinh tế số; hoàn thiện quy định, chính sách pháp luật về thuế để tăng cường khả năng trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh...
Việt Nam có khoảng 100 sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, 139 đơn vị sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử. Trong số này có 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ, 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch. Số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn thương mại điện tử khoảng 3,5 triệu lượt/ngày.
Không cần phải nôn nóng. Thương mại điện tử cần được tạo điều kiện để ngày càng trưởng thành. Nguồn thu, chưa thu được, vẫn còn đó. Trước mắt cần nuôi dưỡng thị trường, nuôi dưỡng nguồn thu, thì mới có nguồn thu bền vững.