Bộ TT-TT chưa có ý kiến về sáp nhập VinaPhone-MobiFone
Vân Oanh
![]() |
Trong phương án tái cơ cấu, VNPT đề nghị sáp nhập MobiFone với VinaPhone. Ảnh: Vân Oanh |
(TBKTSG Online) - Đến thời điểm này - khoảng một năm sau khi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trình phương án tái cơ cấu (trong đó có đề xuất phương án sáp nhập hai mạng di động VinaPhone-MobiFone), Bộ Thông tin Truyền thông (TT-TT) vẫn chưa có ý kiến về việc này.
>>VNPT vẫn muốn sáp nhập VinaPhone - MobiFone
Trả lời phỏng vấn Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết, hiện phương án tái cơ cấu mà VNPT trình lên đang được bộ này gửi đi để lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, sau đó mới có ý kiến chính thức.
Trong khi đó, trong một cuộc họp mới được tổ chức tại Bộ Thông tin Truyền thông, VNPT đã đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông sớm có ý kiến về phương án tái cơ cấu của tập đoàn này đã trình lên bộ. Đây là lần đầu tiên mà VNPT chính thức lên tiếng về vấn đề này tại một cuộc họp.
Tại cuộc họp, ông Phạm Long Trận, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT, cho biết mô hình đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh đã được VNPT gửi lên Bộ Thông tin Truyền thông và Chính phủ xin ý kiến, nhưng chưa có phản hồi để tập đoàn này còn triển khai.
Trả lời về đề nghị này tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, bộ chưa có ý kiến về đề án này bởi cho rằng tái cơ cấu là quan trọng, liên quan đến nguồn lực tài chính, con người… Ngay sau khi VNPT trình phương án tái cơ cấu, Bộ Thông tin Truyền thông đã nghiên cứu về phương án đề xuất này nhưng chưa đưa ra ý kiến chính thức. Bộ định chờ sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra tại VNPT để góp phần thẩm định về tái cơ cấu tập đoàn này sát hơn, sau đó mới có ý kiến chính thức về việc này. “Bộ sẽ sớm có ý kiến về đề xuất này,” ông Son nói.
Kiến nghị về vấn đề này tại cuộc họp đó, ông Trận cũng kiến nghị: “Cấp trên nên đưa ra cho tập đoàn này một cái khung, doanh nghiệp bám vào đó để hoạt động. Và khi đã có khung thì doanh nghiệp làm đúng hay sai sẽ phải chịu trách nhiệm. Chứ mỗi thay đổi lại phải gửi lên gửi xuống để duyệt sẽ làm chậm, không kịp với cạnh tranh”.
Ông Trận cũng cho rằng, đổi mới là điều kiện để VNPT hoạt động hiệu quả. Năm 2012 mặc dù VNPT đã hết sức cố gắng nhưng kết quả đạt được không như mong muốn, chỉ tăng trưởng được 10%. Lợi nhuận đạt 8.500 tỉ đồng, mức trung bình so với các doanh nghiệp viễn thông của thế giới. Song so với doanh nghiệp viễn thông trong nước cùng quy mô thì ít hơn.
Vẫn theo ông Trận, mạng điện thoại cố định trước đây là chủ lực của VNPT, nhưng đến nay doanh thu từ dịch vụ này không còn nhiều. Do đó phải hướng kinh doanh sang di động… đây chính là lý do ông Trận đề nghị bộ sớm xem xét đề xuất tái cơ cấu, để VNPT khắc phục những nhược điểm này.
Được biết, trong đề xuất tái cơ cấu, VNPT đưa ra phương án sáp nhập hai mạng di động VinaPhone và MobiFone, chứ không để hoạt động động lập như hiện tại và không thực hiện kế hoạch cổ phần hóa MobiFone như lộ trình đã định trước đây.